Chạy thận nhân tạo giúp cơ thể đào thải các chất độc, nước và muối ra khỏi cơ thể khi chức năng của thận bị suy giảm và không thể thực hiện được nhiệm vụ này. Chạy thận nhân tạo là một cách để điều trị suy thận, giúp bạn có thể tiếp tục sinh hoạt một cách bình thường.
1. Chạy thận là gì?
Lọc máu là phương pháp điều trị đảm nhiệm chức năng của thận nếu những cơ quan đó bị ngừng hoạt động hoặc chức năng bị suy giảm. Có hai phương pháp lọc máu bao gồm:
- Chạy thận nhân tạo: Máu của bạn được đưa qua một bộ lọc bên ngoài cơ thể, được làm sạch và sau đó được đưa vào cơ thể bạn. Điều này được thực hiện tại một cơ sở lọc máu hoặc tại nhà.
- Lọc màng bụng: Máu của bạn được làm sạch bên trong cơ thể. Sử dụng chính màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận đã suy yếu. Một chất lỏng đặc biệt được đưa vào bụng của bạn để hấp thụ chất thải từ máu đi qua các mạch nhỏ trong khoang bụng của bạn. Chất lỏng sau đó được dẫn lưu đi. Loại lọc máu này thường được thực hiện tại nhà.
2. Vì sao cần chạy thận nhân tạo?
Bác sĩ sẽ xác định khi nào bạn nên thực hiện chạy thận nhân tạo dựa trên một số yếu tố bao gồm:
- Sức khỏe tổng quát
- Chức năng thận
- Dấu hiệu và triệu chứng
- Chất lượng cuộc sống
- Mong muốn bản thân
Bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng của suy thận (ure huyết), chẳng hạn như buồn nôn, nôn, sưng hoặc mệt mỏi. Bác sĩ của bạn sử dụng mức lọc cầu thận ước tính (eGFR) để đo mức độ chức năng thận của bạn. EGFR của bạn được tính bằng kết quả xét nghiệm creatinine máu, giới tính, tuổi tác và các yếu tố khác. Một giá trị bình thường có thể thay đổi theo tuổi. Biện pháp này giúp xác định chức năng thận nhằm lập kế hoạch điều trị phù hợp cho bệnh nhân bị suy thận, bao gồm cả khi bắt đầu chạy thận nhân tạo.
Chạy thận nhân tạo có thể giúp cơ thể bạn kiểm soát huyết áp và duy trì sự cân bằng hợp lý của chất lỏng và các khoáng chất khác nhau - chẳng hạn như kali và natri - trong cơ thể bạn. Thông thường, chạy thận nhân tạo sẽ được chỉ định khi thận của bạn ngừng hoạt động đến mức gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân phổ biến của suy thận bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao (tăng huyết áp)
- Viêm thận (viêm cầu thận)
- Viêm mạch máu (viêm mạch máu)
- U nang thận (bệnh thận đa nang)
Tuy nhiên, thận của bạn có thể ngừng hoạt động đột ngột (chấn thương thận cấp tính) sau khi bị bệnh nặng, phẫu thuật phức tạp, đau tim hoặc vấn đề nghiêm trọng khác. Một số loại thuốc cũng có thể gây tổn thương thận.
Một số người bị suy thận nặng (mãn tính) kéo dài có thể lựa chọn một phương pháp điều trị khác, chọn liệu pháp y tế tối đa, còn được gọi là quản lý bảo tồn tối đa (MCM), thay vì lựa chọn phương pháp lọc máu. Liệu pháp này bao gồm kiểm soát các biến chứng của bệnh thận mạn tính tiến triển, chẳng hạn như quá tải chất thải, huyết áp cao và thiếu máu, tập trung vào kiểm soát các triệu chứng nhằm giảm sự tác động của chúng đến chất lượng cuộc sống.
Một số trường hợp có thể thực hiện ghép thận thay vì lọc máu. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe của bạn và một số yếu tố khác để đưa ra lời khuyên cho bạn về phương pháp phù hợp nhất. Đây là một quyết định cá nhân vì lợi ích của lọc máu có thể mang đến các kết quả khác nhau, tùy thuộc vào các vấn đề sức khỏe cụ thể của bạn.
3. Cơ chế chạy thận nhân tạo
Trước khi thực hiện chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ được phẫu thuật nối thông động tĩnh mạch để tăng lưu thông máu đến máy chạy thận và dòng chảy từ máy trở lại cơ thể.
Việc chuẩn bị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ bắt đầu từ vài tuần cho đến vài tháng trước khi thực hiện các thủ tục chạy thận đầu tiên. Để dễ dàng tiếp cận vào máu của người bệnh, bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ thủng để tiếp cận vào mạch máu. Đây là nơi máu được lấy ra để chạy thận nhân tạo và sau đó được đưa trở lại cơ thể. Việc thực hiện phẫu thuật cần có thời gian để người bệnh hồi phục hoàn toàn trước khi bắt đầu việc điều trị bằng chạy thận nhân tạo. Có ba phương pháp được sử dụng, bao gồm:
- Lỗ động tĩnh mạch: Phẫu thuật tạo ra một lỗ rò AV nhằm tạo một kết nối giữa động mạch và tĩnh mạch, thường ở cánh tay bạn ít sử dụng thường xuyên hơn. Đây là phương pháp được nhiều người lựa chọn vì tính hiệu quả và an toàn. Một động mạch và tĩnh mạch được nối với nhau dưới da ở cánh tay của bạn. Một lỗ rò AV cần khoảng 6 tuần trở lên để hồi phục trước khi nó có thể được sử dụng để chạy thận nhân tạo. Sau đó, có thể sử dụng lỗ rò này trong nhiều năm.
- AV ghép: Nếu các mạch máu của bạn quá nhỏ để tạo thành một lỗ rò AV, bác sĩ phẫu thuật sẽ lựa chọn phương pháp khác thay thế đó là tạo ra một đường dẫn giữa động mạch và tĩnh mạch bằng cách sử dụng một ống nhựa tổng hợp hay còn gọi là Av ghép. Một ống nhựa được sử dụng để nối động mạch và tĩnh mạch dưới da của bạn. Bệnh nhân sẽ hồi phục sau 2 tuần thực hiện phương pháp phẫu thuật này, vì vậy bạn có thể bắt đầu chạy thận nhân tạo sớm hơn. Điều này sẽ không kéo dài như việc phẫu thuật tạo ra một lỗ rò. Bạn có thể sẽ cần một mảnh ghép khác sau một vài năm. Nguy cơ xảy ra nhiễm trùng sẽ cao hơn khi thực hiện phương pháp này.. Bạn cũng sẽ phải gặp bác sĩ thường xuyên hơn để có thể chắc chắn rằng mảnh ghép vẫn mở.
- Ống thông tĩnh mạch trung ương: Nếu bạn cần chạy thận nhân tạo khẩn cấp, một ống nhựa (ống thông) có thể được đưa vào tĩnh mạch lớn ở cổ hoặc gần háng. Ống thông này là tạm thời. Một ống thông được đặt vào tĩnh mạch ở cổ, bên dưới xương đòn hoặc bên cạnh háng của bạn. Ống thông này chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn.
Trong quá trình chạy thận nhân tạo, bạn sẽ ngồi hoặc nằm ngửa trên ghế. Một kỹ thuật viên sẽ đặt hai cây kim trong cánh tay của bạn nơi đặt lỗ rò hoặc mảnh ghép. Một máy bơm trong máy chạy thận nhân tạo sẽ từ từ rút máu của bạn, sau đó gửi nó qua một máy khác gọi là máy lọc máu. Điều này hoạt động như một quả thận và lọc thêm muối, chất thải và chất lỏng. Máu của bạn đã làm sạch sẽ được đưa trở lại vào cơ thể bạn thông qua kim thứ hai trong cánh tay của bạn. Hoặc, nếu có ống thông, máu chảy ra từ một cổng và sau đó được đưa trở lại qua cổng thứ hai.
Bạn có thể chạy thận nhân tạo trong bệnh viện, trung tâm điều trị lọc máu hoặc tại nhà. Nếu bạn thực hiện lọc máu một trung tâm, mỗi một lần chạy thận nhân tạo sẽ kéo dài từ 3 đến 5 giờ và bạn sẽ chỉ cần thực hiện ba lần/ một tuần. Nếu bạn chạy thận nhân tạo tại nhà, bạn sẽ cần điều trị 6 hoặc 7 ngày trong 1 tuần và mỗi lần thực hiện kéo dài từ 2-3 giờ .
Một số người có thể đọc báo hoặc xem TV trong khi điều trị. Nếu bạn lựa chọn thực hiện chạy thận nhân tạo tại nhà, bạn có thể làm vào ban đêm trong khi bạn ngủ.
Để đạt được kết quả tốt nhất từ phương pháp chạy thận nhân tạo, bạn nên lưu ý:
- Ăn đúng loại thực phẩm. Ăn đúng cách có thể cải thiện kết quả chạy thận nhân tạo và sức khỏe tổng thể của bạn. Trong khi bạn đang chạy thận nhân tạo, bạn sẽ cần theo dõi cẩn thận lượng chất lỏng, protein, natri, kali và phốt pho. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn lên kế hoạch bữa ăn cá nhân dựa trên cân nặng, sở thích cá nhân, chức năng thận còn lại và các điều kiện y tế khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao.
- Dùng thuốc theo quy định. Cẩn thận làm theo hướng dẫn từ bác sĩ điều trị
- Nếu có bất cứ vấn đề nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chẳng hạn như bạn cảm thấy khó chịu hay xuất hiện một triệu chứng bất thường nào đó.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, mayoclinic.org
XEM THÊM:
- Chạy thận nhân tạo: Những điều cần biết
- Chỉ định lọc máu trong suy thận cấp
- Lọc màng bụng cho người suy thận: Những điều cần biết