Người bệnh hen suyễn cần uống thuốc gì?

Hen suyễn là một bệnh mạn tính ở đường hô hấp. Để kiểm soát và giảm thiểu các cơn hen xuất hiện cần dùng một số loại thuốc. Thuốc điều trị hen gồm thuốc để cắt cơn hen và thuốc phòng ngừa cơn hen xuất hiện.

1. Tổng quan về bệnh hen suyễn

Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính của phổi, gây ra do sự phản ứng quá mức của đường hô hấp với một tác nhân nào đó làm cho đường thở bị viêm và co thắt khiến người bệnh khó thở. Bệnh hen suyễn nếu không được kiểm soát tốt hoặc ở mức độ nặng có thể gây khó khăn khi nói chuyện hoặc các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn hen phế quản, tuy nhiên nếu dùng thuốc đúng cách có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bệnh hen suyễn gây ra cơn hen phế quản cấp tính với các biểu hiện như:

  • Tiền triệu: Khi mới tiếp xúc với các chất gây kích ứng đường thở người bệnh có thể có những biểu hiện như hắt hơi, ho, ngứa họng, sổ mũi.
  • Khi cơn hen suyễn xuất hiện người bệnh sẽ có biểu hiện điển hình như: Khó thở, thở khò khè nặng, ho không ngừng, đau tức ngực, co kéo cơ hô hấp phụ, khó nói chuyện, có cảm giác lo lắng, hoảng sợ, mồ hôi nhiều, tím tái. Cơn hen phế quản có thể kết thúc bằng việc ho ra đờm nhiều, trong một số trường hợp có thể nhanh chóng diễn biến nặng gây suy hô hấp.

Các tác nhân có thể gây hen suyễn: Hen là tình trạng mà đường hô hấp phản ứng quá mức với các tác nhân có thể vô hại với đa số mọi người mà gây ra bệnh. Mỗi người có thể tác nhân gây ra bệnh không giống nhau. Tác nhân gây hen suyễn có thể kể đến như:

  • Các chất có thể gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng, mạt nhà, khói, bụi.
  • Các chất có thể gây kích ứng như nước hoa, dung dịch vệ sinh.
  • Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Không khí lạnh đột ngột hoặc thay đổi thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi đột ngột.
  • Mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Các cảm xúc mạnh như buồn, lo lắng, căng thẳng...
  • Nhiễm trùng đường hô hấp như viêm xoang, cảm lạnh, cúm.
  • Chất bảo quản thực phẩm được tìm thấy trong thực phẩm như tôm, dưa chua, bia và rượu, một số loại trái cây khô và nước chanh, chanh đóng chai...
  • Một số loại thuốc cũng có thể gây ra cơn hen phế quản.

Một số người có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn nếu như gặp phải các yếu tố nguy cơ sau:

  • Di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh hen suyễn, thì bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn so với người khác.
  • Tiền sử nhiễm virus: Những người có tiền sử nhiễm virus nghiêm trọng trong thời kỳ thơ ấu như RSV có thể có nhiều khả năng mắc bệnh trong tương lai.
  • Trẻ nam có nhiều khả năng bị hen phế quản hơn trẻ nữ. Ở thanh thiếu niên và người lớn, bệnh này lại phổ biến hơn ở nữ giới.

2. Người bệnh hen suyễn uống thuốc gì?

Khi mắc bệnh hen phế quản cần được điều trị. Các biện pháp điều trị hen phế quản nhằm cắt cơn hen cấp và dự phòng nguy cơ tái phát cơn hen. Cho nên việc biết bệnh hen suyễn nên uống thuốc gì là điều rất quan trọng.

Điều trị hen phế quản người bệnh cần dùng thuốc trong cơn hen và dùng thuốc ngoài cơn hen. Tuy nhiên, các thuốc điều trị này đều cần chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên tự ý mua và dùng vì có thể dùng sai, liều lượng không đúng gây ra tác dụng phụ nhiều hơn hay không đảm bảo điều trị hiệu quả.

2.1 Các thuốc điều trị cơn hen cấp

Khi cơn hen xuất hiện người bệnh hay người chăm sóc cần nhận ra cơn hen sớm để việc dùng thuốc đạt hiệu quả tối ưu. Các thuốc dùng trong cơn hen cấp gồm:

  • Thuốc giãn phế quản: Đây là các thuốc được sử dụng giúp làm giãn các cơ bị co thắt xung quanh khí phế quản. Các loại thuốc thường được dùng dưới dạng máy phun sương hoặc xịt định liều. Thuốc giãn phế quản dùng trong cơn hen cấp để cắt cơn thường dùng là thuốc chủ vận beta có tác dụng ngắn có tác dụng nhanh trong vài phút để cắt ngay cơn khó thở như salbutamol; Fenoterol; Terbutaline hoặc dùng thuốc kháng cholinergic tác dụng nhanh như ipratropium. Xịt theo liều chỉ định và theo dõi nếu sau 20 phút cơn hen chưa cải thiện thì xịt tiếp liều thứ 2, nếu bệnh nhân diễn biến nặng nên xịt thuốc rồi tới viện cấp cứu.
  • Corticoid đường uống hoặc tiêm: Thường dùng nếu như cơn hen nặng không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.

Lưu ý khi dùng thuốc cắt cơn hen, đó là không được lạm dụng dùng quá nhiều lần. Nếu cơn hen xuất hiện liên tục, chứng tỏ mức độ kiểm soát hen chưa tốt. Cần phải kiểm tra, đánh giá lại và nâng mức độ dùng thuốc kiểm soát cơn hen.

2.2 Các thuốc kiểm soát hen

Đây là những loại thuốc người bệnh cần dùng liên tục kéo dài, nhằm mục đích kiểm soát các cơn hen, giúp hạn chế sự xuất hiện của cơn hen cấp tính.

Các thuốc này bao gồm;

  • Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài: thuốc chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài như Ciclesonide, formoterol, salmeterol... ; thuốc kháng cholinergic tác dụng kéo dài như tiotropium; theophylin. Thường dùng dạng uống để dự phòng cơn hen.
  • Thuốc corticoid dạng hít: Chúng được dùng để điều trị viêm đường thở và giữ cho đường thở mở thông. Một số loại thuốc thường dùng như: beclomethasone, budesonide, ciclesonide, flunisolide, fluticasone, mometasone.
  • Thuốc kháng leukotriene: Một phương pháp điều trị tình trạng hen suyễn dài hạn khác, những loại thuốc này ngăn chặn Leukotrienes, những yếu tố trong cơ thể có thể gây ra cơn hen suyễn hay co thắt phế quản. Bạn cần uống chúng mỗi ngày một lần. Các chất kháng Leukotriene phổ biến bao gồm Montelukast, Zafirlukast...
  • Thuốc sinh học: Nếu bạn bị hen suyễn nặng mà không đáp ứng với thuốc kiểm soát đã dùng đúng cách, có thể bạn được điều trị hen suyễn bằng thử một loại thuốc sinh học như Omalizumab để trị bệnh hen suyễn do chất gây dị ứng. Bạn có thể dùng thuốc này dưới dạng tiêm mỗi 2 – 4 tuần. Các chất sinh học khác cũng có thể ngăn chặn các tế bào miễn dịch của bạn tạo ra những thứ gây viêm.

Các loại thuốc kiểm soát hen lâu dài được dụng hàng ngày, giúp giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen suyễn, nhưng chúng không kiểm soát được các triệu chứng tức thời khi bị khởi phát đợt cấp. Nếu gặp phải cơn hen cấp thì cần dùng thuốc điều trị cơn hen. Việc phân biệt hai loại thuốc này rất quan trọng, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn và ghi chú nếu chẳng may quên hoặc người chăm sóc không rõ.

Không phải người bệnh nào cũng dùng tất cả các thuốc kiểm soát hen này. Mà cần dùng tùy theo từng mức độ, nếu nhẹ bệnh nhân chỉ cần dùng các thuốc giãn phế quản kéo dài, nếu như không kiểm soát được cơn hen mới tiếp tục kết hợp hay tăng liều thuốc. Điều này cần thăm khám định kỳ để được đánh giá mức độ kiểm soát hen, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp với bạn.

3. Các biện pháp phòng ngừa xuất hiện cơn hen suyễn

Ngoài việc cần biết bệnh hen phế quản uống thuốc gì, bạn cũng cần biết một số biện pháp không dùng thuốc có thể kiểm soát được cơn hen suyễn.

  • Cần tránh các tác nhân gây ra cơn hen suyễn như bụi, môi trường ô nhiễm, chất gây kích ứng, khói thuốc lá...
  • Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khoẻ và cải thiện hệ hô hấp bằng các bài tập thở.
  • Giữ cân nặng hợp lý, tránh đồ ăn gây kích thích hay dị ứng.
  • Một số người sử dụng các phương pháp điều trị bổ sung cũng có thể mang lại hiệu quả như tập yoga, châm cứu, bổ sung vitamin...
  • Cần nhận biết sớm các cơn hen để điều trị sớm giảm nguy cơ nặng.
  • Thăm khám định kỳ: Điều này cũng vô cũng cần thiết vì giúp đánh giá được mức độ kiểm soát hen của bạn thân. Từ đó có các loại thuốc phù hợp.

Hy vọng thông qua bài thuốc bạn đã biết được người bệnh hen suyễn uống thuốc gì. Tất cả các thuốc điều trị đều là thuốc chỉ định của bác sĩ, bạn không tự ý sử dụng để giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ của thuốc và kiểm soát hen không tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan