Thế nào là lao đa kháng thuốc?

Nước ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ lao đa kháng thuốc cao trên thế giới, tình trạng đa kháng thuốc làm cho việc điều trị bệnh lao đã khó lại càng khó hơn, làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh lao, không những thế vi khuẩn lao đa kháng thuốc còn có thể lây sang những người xung quanh nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm.

1. Lao đa kháng thuốc là gì?

Bệnh lao đa kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao không bị tiêu diệt bởi phần lớn các loại thuốc chống lao, kể cả các loại thuốc có hiệu lực chống vi khuẩn lao mạnh như isoniazid và rifampicin.

Bình thường khi mắc bệnh lao đã nguy hiểm cần phối hợp rất nhiều loại thuốc kháng sinh và thời gian điều trị tối dài thiểu cũng phải 6 tháng, nhưng khi mắc bệnh lao đa kháng thuốc thì còn nguy hiểm hơn, làm tăng tỷ lệ tử vong, khó khăn trong việc điều trị, thuốc điều trị lao đa kháng thuốc có nhiều tác dụng phụ hơn, thời gian và chi phí chữa trị tăng lên rất nhiều.

Tại Việt Nam theo thống kê là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất trên thế giới và có tới hơn nửa số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân gây tính trạng lao đa kháng thuốc:

  • Do thời gian điều trị lao kéo dài, lại thêm những tác dụng không mong muốn do thuốc chống lao gây ra làm cho người bệnh không đủ kiên trì sử dụng hết một liệu trình điều trị ít nhất 6 tháng, dẫn đến tự ý ngưng sử dụng thuốc, tạo cơ hội cho vi khuẩn lao bùng phát và kháng lại thuốc.
  • Nhiều bệnh nhân sau khi sử dụng một thời gian cảm thấy các triệu chứng đỡ nhanh, nghĩ rằng đã khỏi bệnh nên tự ý ngưng thuốc. Nhưng thực ra vi khuẩn lao có khả năng tồn tại rất lâu.
  • Có thể do bệnh nhân không đủ chi phí, phương tiện đi lại không thuận tiện mà không đến khám định kỳ, theo dõi tiến triển của bệnh, tác dụng phụ của thuốc...nên không phát hiện được sớm tình trạng kháng thuốc hay người bệnh dễ bỏ thuốc nếu không được theo dõi chặt.
  • Một nguyên nhân khác có thể gặp là do bác sĩ kê đơn thuốc điều trị lao chưa đúng

Biểu hiện lao đa kháng thuốc:

  • Các triệu chứng của bệnh lao như ho, khạc đờm, sốt, mệt mỏi...không giảm khi sử dụng thuốc kháng lao.
  • Có thể các triệu chứng giảm đi nhưng sau một thời gian lại xuất hiện trở lại, có mức độ nặng hơn trước.
  • Thông thường sau điều trị 2-3 tháng vi khuẩn lao sẽ âm tinh trong đờm nhưng nếu xét nghiệm vi khuẩn lao vẫn dương tính sau 2-3 tháng điều trị thì khả năng đã mắc lao kháng thuốc.

2. Bệnh lao đa kháng thuốc có chữa được không?

Tuy lao đa kháng thuốc là một vấn đề rất nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao, nhưng điều may mắn là hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh lao đa kháng thuốc mang lại hy vọng được điều trị cho rất nhiều bệnh nhân.

Để điều trị cho các bệnh nhân lao đa kháng thuốc cần phải sử dụng theo phác đồ tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, người bệnh trong giai đoạn đầu điều trị có khả năng lây nhiễm phải được cách ly và kiểm soát trong bệnh viện, ngoài ra cần kiểm soát đảm bảo người bệnh không mắc thêm bệnh lý nhiễm trùng nào khác là điều rất quan trọng.

Tuy nhiên có một số hạn chế trong việc điều trị như thuốc còn mới nên khả năng tiếp cận với thuốc còn hạn chế không phải bệnh viện nào cũng đủ thuốc điều trị, chi phí điều trị cao hơn rất nhiều so với lao thường, nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ. Ngoài ra thời gian điều trị lao đa kháng thuốc cũng dài hơn và tỷ lệ thành công thấp hơn lao thông thường. Chính vì điều trị khó khăn nên người bệnh cần tuân thủ điều trị bệnh dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế, được sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.

Lao kháng thuốc
Bệnh lao đa kháng thuốc có những nguy hiểm nhất định nhưng có thể điều trị được

3. Làm sao để hạn chế lao đa kháng thuốc?

  • Lao có khả năng sống cao nên điều trị bệnh lao thường phải rất lâu dài. Nên người bệnh không nên tự ý ngưng thuốc kể cả khi các triệu chứng giảm rõ rệt, nếu tác dụng phụ của thuốc gây khó chịu nhiều cũng không nên tự ý ngưng thuốc mà nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn.
  • Nếu điều trị thấy không hiệu quả cần khám lại ngày để phát hiện sớm tình trạng lao đa kháng thuốc, tránh là nguồn lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.
  • Tránh tiếp xúc với những người đã bị lao đa kháng thuốc.
  • Người tiếp xúc với người mắc lao đa kháng thuốc cần làm xét nghiệm xem có bị lây nhiễm hay không.
  • Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh lao đa kháng thuốc là mối hiểm hoạ cho cộng đồng có nguy cơ tử vong cao, nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh giúp hạn chế tối đa mắc lao đa kháng thuốc. Ngoài ra người bệnh cần được phát hiện sớm và quản lý phòng ngừa lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan