Mắc bệnh viêm họng hạt uống thuốc gì?

Bệnh viêm họng hạt nếu không điều trị dứt điểm thì dễ chuyển sang giai đoạn nặng, khó điều trị, dễ tái phát. Do đó, cần phát hiện và có biện pháp điều trị bệnh kịp thời. Trong số nhiều phương pháp, sử dụng thuốc trị viêm họng hạt sẽ giúp trị bệnh dứt điểm. Vậy viêm họng hạt uống thuốc gì?

1. Sơ lược về bệnh viêm họng hạt

Viêm họng hạt là tình trạng màng nhầy nằm phía sau cổ họng hoặc hầu họng bị viêm. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh bị viêm họng kéo dài nhưng không được điều trị dứt điểm. Theo thống kê, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính nhưng phổ biến nhất ở người có hệ miễn dịch yếu, cơ thể suy nhược,... Bệnh thường tiến triển khi thời tiết trở lạnh.

Những triệu chứng điển hình khi bị viêm họng hạt là:

  • Có hạt sưng ở cổ họng, cảm giác ngứa ngáy hoặc vướng ở họng;
  • Ho kéo dài, có thể ho khan hoặc ho có đờm, ho về đêm gây khó ngủ;
  • Đau đầu, cơ thể mệt mỏi, sốt cao, nổi hạch, hơi thở có mùi,...

Biến chứng của viêm họng hạt tuy không nguy hiểm, không đe dọa tới tính mạng bệnh nhân nhưng bệnh thường tái phát, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người bệnh. Các biến chứng của bệnh viêm họng hạt thường gặp là:

  • Viêm nhiễm ở hầu họng, áp xe hoặc sưng amidan;
  • Hình thành các bệnh lý liên quan tới hệ hô hấp như viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm xoang,...;
  • Viêm họng tái phát nhiều lần, liên tục, có thể dẫn tới ho ra máu;
  • Viêm họng hạt kéo dài có thể dẫn tới nguy cơ hình thành các bệnh viêm khớp, viêm cầu thận,...

2. Viêm họng hạt uống thuốc gì?

Việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm họng hạt chủ yếu dựa trên nguyên nhân, tiền sử bệnh lý và mức độ nặng - nhẹ của triệu chứng. Trong đó, phổ biến nhất là sử dụng thuốc viêm họng hạt Tây y. Sau đây là một số loại thuốc thường được sử dụng:

2.1 Thuốc kháng sinh

Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm họng hạt là do vi khuẩn: Liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, khuẩn haemophilus,... Do vậy, thuốc kháng sinh là lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh viêm họng hạt. Thuốc giúp tiêu diệt lớp màng phòng vệ của vi khuẩn, khiến chúng không thể lây lan và gây hại cho cơ thể.

Hầu hết các thuốc viêm họng cho bé và người lớn đều thuộc loại nhẹ tới trung bình. Thuốc có nhiều dạng dùng nhưng chủ yếu sử dụng đường uống. 1 đợt điều trị kháng sinh cho viêm họng hạt thường kéo dài 7 - 10 ngày.

Một số loại kháng sinh thường được chỉ định sử dụng là:

  • Penicillin: Hoạt động bằng cách tiêu diệt các tế bào vi khuẩn hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Tuy nhiên, penicillin không có tác dụng đối với các trường hợp cảm lạnh, cảm cúm do virus gây ra. Thuốc thường được bào chế dưới dạng viên nang, liều lượng 250mg – 500mg;
  • Amoxicillin: Là kháng sinh thuốc thuộc nhóm penicillin, hoạt động bằng cách tiêu diệt lớp màng bảo vệ của vi khuẩn, đồng thời ức chế sự phát triển của chúng. Thuốc được sử dụng theo liều chỉ định từ bác sĩ, mỗi lần uống nên cách nhau từ 8 - 12 giờ;
  • Cephalexin: Thuộc nhóm kháng sinh liều thấp cephalosporin, thường sử dụng trong các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhiễm trùng tai và da,... Thuốc được bào chế dưới dạng viên uống hoặc dung dịch lỏng, liều lượng 250mg, 500mg và 750mg;
  • Clarithromycin: Bên cạnh nhiễm trùng, thuốc có thể sử dụng kết hợp trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Liều dùng phổ biến ở người lớn là 250mg – 500mg/ngày. Liều dùng ở trẻ em là 15mg/kg cân nặng/lần.

Thuốc kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Táo bón, buồn nôn, chóng mặt,... Do đó, bệnh nhân cần dùng thuốc trị viêm họng hạt theo chỉ định của bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng sử dụng.

2.2 Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Với câu hỏi viêm họng hạt uống thuốc gì, các thuốc NSAID cũng được nhiều bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân. Thuốc được sử dụng phổ biến trong các bệnh lý liên quan tới hệ hô hấp như viêm họng, viêm phế quản,... Chúng có thể làm giảm nhanh các triệu chứng đau rát cổ họng, sưng tấy cổ họng, sốt, đau đầu,...

Cơ chế hoạt động của các thuốc NSAID là tác động vào các dây thần kinh trung ương, làm sụt giảm lượng enzyme cyclooxygenase đảm nhận nhiệm vụ truyền nhận tín hiệu viêm, đau.

Các thuốc NSAID thường được chỉ định cho người bệnh viêm họng hạt gồm:

  • Paracetamol: Với hoạt chất chính là acetaminophen có tác dụng và hạ sốt. Thuốc được sử dụng trong điều trị đau nhức xương khớp, đau họng, đau răng, sốt nhẹ,... Liều tối đa ở người lớn là 100mg/liều, không quá 4000mg/ngày. Tránh sử dụng thuốc quá liều vì có thể gây hại cho gan;
  • Naproxen: Được sử dụng để điều trị tình trạng đau hoặc viêm ở các bệnh lý viêm khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm họng,... Thuốc có hiệu quả tốt đối với các trường hợp đau cấp tính. Bệnh nhân được khuyến nghị không sử dụng quá 1000mg/ngày;
  • Ibuprofen: Được sử dụng ở người trưởng thành và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên trong các trường hợp viêm họng, đau răng, viêm khớp hoặc chấn thương nhẹ;
  • Aspirin: Với hoạt chất chính là salicylate, có cơ chế làm giảm các thụ thể gây viêm, đau, sốt trong cơ thể. Đôi khi loại thuốc này cũng được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa các cơn đột quỵ, đau tim, đau thắt lồng ngực,...

Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cần thận trọng với một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau dạ dày, tăng huyết áp, chóng mặt,... Đặc biệt, nếu người bệnh là trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người có nguy cơ xuất huyết hoặc giảm tiểu cầu,... thì không nên dùng Aspirin vì có thể gây tác động tiêu cực tới thận.

2.3 Thuốc điều trị dị ứng

Dị ứng cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm họng hạt. Lý do là các dị nguyên xâm nhập vào đường thở, gây kích ứng niêm mạc hầu họng, tiết dịch nhầy trong khoang mũi. Sự tích tụ này kéo dài nhiều ngày gây viêm mũi dị ứng, viêm xoang và tiến triển thành bệnh viêm họng hạt.

Với các trường hợp này, bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc chống dị ứng. Các thuốc thường dùng là nhóm thuốc ức chế histamin H1 và một số thuốc xịt mũi.

Nhóm thuốc ức chế histamin H1 hoạt động theo cơ chế liên kết với thụ thể H1 trong cơ trơn, nội mô và tế bào. Từ đó, nó giúp cải thiện các triệu chứng kích ứng do dị ứng. Một số loại thuốc thường dùng là claritin, alimemazin, promethazine,... Còn các thuốc xịt mũi có chứa thành phần corticoid, giúp làm giảm tình trạng tiết dịch nhầy và hỗ trợ khơi thông hốc mũi. Các thuốc thường dùng là nazal, nasonex, rhinex,...

2.4 Thuốc điều trị trào ngược acid dạ dày

Trong danh sách viêm họng hạt uống thuốc gì không thể không kể đến các thuốc trị bệnh trào ngược dạ dày. Một trong những yếu tố nguy cơ gây viêm họng hạt là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Trong trường hợp này, thuốc trị trào ngược sẽ giúp điều trị bệnh nhờ khả năng tiêu diệt tận gốc căn nguyên gây viêm họng hạt.

Với tình trạng trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản và vòm họng, bác sĩ chủ yếu chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc sau:

  • Thuốc chẹn H2: Thường dùng famotidin và nizatidin. Chúng dễ dung nạp vào cơ thể, ức chế hoạt động của histamin H2, làm giảm sự tiết dịch ở dạ dày;
  • Chất ức chế bơm PPI: Thường dùng esomeprazole, pantoprazole, dexlansoprazole,... Nhóm thuốc này có tác dụng chủ yếu trong điều trị bệnh trào ngược GERD, loét dạ dày - tá tràng, hội chứng Zollinger - Ellison và hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn HP;
  • Thuốc giãn cơ thắt thực quản: Chủ yếu sử dụng baclofen trong trường hợp co thắt hoặc xơ cứng các cơ. Với bệnh trào ngược, thuốc giúp thư giãn cơ thắt thực quản, ngăn chặn tình trạng đảo chiều bất thường của acid dạ dày.

2.5 Viêm họng hạt uống thuốc gì? - Thuốc ho và long đờm

Thuốc ho và thuốc long đờm có tác dụng điều trị triệu chứng của bệnh viêm họng hạt là ho khan, ho có đờm. Tùy vào triệu chứng bệnh, cách sử dụng thuốc sẽ có sự khác biệt. Ví dụ, có trường hợp chỉ cần sử dụng thuốc ho hoặc chỉ dùng thuốc long đờm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phải kết hợp cả 2 loại thuốc.

Cơ chế hoạt động của thuốc ho là: Ức chế sự tương tác giữa các thụ thể kích thích ho với các tế bào thần kinh cảm giác. Từ đó, thuốc làm giảm sự co thắt của các dây thanh âm. Còn thuốc long đờm giúp thay đổi kết cấu của dịch nhầy trong cổ họng, làm dịch nhầy loãng ra, giúp người bệnh dễ dàng khạc, nhổ ra ngoài.

Các loại thuốc ho thường được chỉ định cho bệnh nhân viêm họng hạt là:

  • Codeine: Là thuốc giảm đau và ho mức độ nhẹ và trung bình. Nó thường được sử dụng trong các trường hợp viêm họng, đau rát họng gây ho khan hoặc ho có đờm. Thuốc có 2 dạng bào chế chủ yếu là viên uống và dung dịch lỏng, liều lượng là 15mg, 30mg và 60mg.
  • Dextromethorphan: Là thuốc trị ho không cần kê đơn, hoạt động với cơ chế làm gián đoạn các tín hiệu tại não bộ kích hoạt phản xạ ho. Tuy nhiên, Dextromethorphan không có tác dụng với người bệnh bị ho do hút thuốc thường xuyên, hen suyễn hoặc khí phế thũng.

Loại thuốc long đờm thường được chỉ định cho bệnh nhân viêm họng hạt là: Bromhexin. Thuốc này giúp làm tiêu giảm các chất nhầy trong hốc mũi, cổ họng và dạ dày. Bromhexin thuộc nhóm thuốc mucolytics, được bào chế dưới 2 dạng chính là viên uống và chất lỏng. Thuốc viên thường sử dụng sau ăn, 3 lần/ngày. Còn thuốc dạng lỏng sử dụng uống trực tiếp 2 - 4 lần/ngày.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị viêm họng hạt

Khi sử dụng thuốc điều trị viêm họng hạt, người bệnh cần lưu ý:

  • Nên cho trẻ nhỏ dùng thuốc điều trị viêm họng hạt dạng siro thay vì dạng viên;
  • Thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý hoặc tình trạng dị ứng của bản thân để giảm nguy cơ dị ứng khi dùng thuốc. Nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc khác cũng nên báo cho bác sĩ ngay;
  • Sử dụng thuốc điều trị viêm họng hạt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh nên uống thuốc vào 1 khoảng thời gian cố định mỗi ngày;
  • Với các thuốc dùng đường uống, bệnh nhân chỉ nên uống thuốc với nước lọc vì điều này sẽ không gây ảnh hưởng tới hoạt tính của dược chất. Còn với thuốc dạng lỏng, bệnh nhân nên dùng đúng liều lượng nhờ dụng cụ đo chuyên dụng đi kèm lọ thuốc;
  • Bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ của các thuốc điều trị viêm họng hạt nên ngừng thuốc vài ngày để theo dõi sức khỏe. Nếu triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm thì người bệnh nên tìm tới sự trợ giúp y tế sớm nhất;
  • Không sử dụng đồng thời thuốc Tây với các phương pháp điều trị viêm họng hạt khác như Đông y hoặc mẹo dân gian,...

4. Biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng hạt tại nhà

Ngoài việc sử dụng đúng loại thuốc theo chia sẻ của bác sĩ về vấn đề viêm họng hạt uống thuốc gì, người bệnh cũng có thể áp dụng một số biện pháp trị bệnh tại nhà như:

  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn, làm dịu cơn đau họng;
  • Uống nhiều nước ấm giúp cổ họng bớt khô, làm loãng đờm;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để giúp không gian sinh hoạt bớt hanh khô, giảm kích ứng khó chịu cho mũi họng;
  • Dùng mật ong: Mật ong có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, long đờm và làm dịu cổ họng. Người bệnh viêm họng hạt có thể sử dụng mật ong nguyên chất, pha với nước ấm rồi uống hoặc uống mật ong ngâm chanh đào;
  • Dùng tỏi: Tỏi là 1 loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Người bệnh có thể ăn vài tép tỏi tươi, ngâm mật ong với tỏi để dùng, giúp làm giảm triệu chứng khó chịu của bệnh viêm họng hạt;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế việc sử dụng giọng nói, tránh sử dụng chất kích thích, bỏ thuốc lá, bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể,... để phục hồi sức khỏe nhanh hơn, tránh bệnh tái phát.

Trên đây là thông tin giải đáp viêm họng hạt uống thuốc gì. Viêm họng hạt gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nên tốt nhất bệnh nhân hãy đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, có phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng thuốc. Bệnh nhân không được tự ý bỏ ngang hoặc thay đổi liều dùng thuốc để tránh nguy cơ kháng thuốc hoặc bệnh tái phát, gây biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan