Làm thế nào để hấp thụ thức ăn tốt nhất?

Kém hấp thu thức ăn là tình trạng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Đây không phải là một bệnh lý riêng biệt mà có thể là hậu quả của nhiều tình trạng khác nhau. Vậy làm thế nào để tăng cường hấp thu thức ăn và chất dinh dưỡng?

1. Quá trình hấp thu thức ăn diễn ra như thế nào?

Thông thường, trong quá trình tiêu hóa, các chất dinh dưỡng từ thức ăn sẽ được hấp thu bởi ruột non, đi vào máu và đến các mô, cơ và các cơ quan để cung cấp năng lượng, hỗ trợ các chức năng duy trì sự sống, xây dựng và phát triển cơ thể. Sự tiêu hóa thức ăn bao gồm cả quá trình cơ học và sự biến đổi hóa học nhờ các enzym. Tiêu hóa thức ăn thường bắt đầu từ việc nhai, nghiền, cắt thức ăn đến sự nhào trộn bởi dịch dạ dày, kết hợp với sự thủy phân của các enzyme nhờ dịch dạ dày, tuyến tụy và sự bài tiết dịch mật. Các sản phẩm cuối cùng của quá trình tiêu hóa sẽ được hấp thụ qua các tế bào biểu mô ruột và đi vào máu.

Một số bệnh nhân mắc hội chứng kém hấp thu, dẫn đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng bị hạn chế. Kém hấp thu có thể chuyên biệt với một hoặc một số loại chất cụ thể như protein, lipid, vitamin...nhưng cũng có thể xảy ra với tất cả các loại chất dinh dưỡng. Kém hấp thu không phải là một bệnh lý riêng biệt mà có thể là hậu quả của nhiều tình trạng khác nhau. Do vậy, phần lớn người bệnh không thể xác định nguyên nhân của hội chứng này. Một số bệnh lý có thể là lý do gây kém hấp thu gồm: Chế độ ăn uống nghèo chất dinh dưỡng, sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tình trạng dư thừa lớp màng nhầy bao phủ niêm mạc ruột, các bệnh lý của tụy, gan, túi mật và ống mật, viêm túi thừa, hội chứng ruột kích thích hoặc nhiễm ký sinh trùng ở đường tiêu hóa,...

2. Làm thế nào để hấp thụ thức ăn tốt nhất?

Để hấp thụ thức ăn tốt nhất, bạn cần:

Đa dạng hóa nguồn protein:

Bất cứ một loại thực phẩm nào đều không hoàn toàn chứa đủ tất cả các loại protein và chất dinh dưỡng cần thiết. Ví dụ thịt ức gà rất bổ nhưng sẽ không cung cấp đầy đủ các loại axit amin cần thiết. Vì vậy hãy đa dạng hóa bữa ăn bằng các nguồn protein khác nhau như thịt, cá, tôm và cua...

Xây dựng chế độ ăn hợp lý:

Bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn uống nhiều chất lỏng, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng và tăng cường sức khỏe tổng thể. Nên áp dụng chế độ ăn theo nguyên tắc sau trong ít nhất 30 ngày: Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, ăn nhiều carbohydrate phức như gạo, bột yến mạch, mì ống, ăn nhiều trái cây, đặc biệt là đu đủ tươi và dứa, uống 6-8 ly nước lọc, nước trái cây mỗi ngày. Bệnh nhân cũng cần hạn chế các loại thực phẩm quá nhiều chất béo như bơ, thức ăn chiên xào, thịt mỡ, dầu ăn, socola... Không tiêu thụ nhiều sản phẩm có chứa caffeine, sản phẩm thịt và các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt loại có chứa nhiều phụ gia thực phẩm.

Chia thành nhiều bữa:

Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ sẽ giúp cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, giúp cho sự trao đổi chất thường xuyên ở trong trạng thái hoạt động, đồng thời giảm thiểu tích tụ chất béo trong cơ thể.

Tránh ăn đêm:

Một số người có thói quen ăn tối rất muộn. Đây là thói quen xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe và dễ gây tích tụ mỡ cho cơ thể. Quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra cao nhất là vào buổi sáng sớm và sau trưa, lúc này đa phần chất dinh dưỡng sẽ được tiêu hóa và hấp thu. Ngoài ra, ăn vào lúc tối muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vì cơ thể phải tăng cường làm việc để hấp thụ hết 75% calo trước khi chìm vào ngủ.

Xây dựng thói quen ăn uống đúng bữa đúng giờ:

Thời điểm tốt nhất để ăn sáng là khoảng 7-8 giờ, bữa trưa cách bữa sáng 4 giờ và ăn tối cách lúc đi ngủ ít nhất 3 tiếng. Nhìn chung, cơ thể cần thời gian riêng để tiêu hóa thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Vì vậy, nên xây dựng thói quen ăn uống đúng bữa, đúng giờ để giúp tăng hấp thụ thức ăn tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Ăn chậm nhai kỹ:

Thức ăn cần được nhai, nghiền thành các phần tử nhỏ để dễ dàng hấp thu. Do đó, ăn chậm nhai kỹ có một vai trò quan trọng đối với hoạt động tiêu hóa. Ăn quá nhanh và nhai thức ăn không kỹ sẽ làm giảm hiệu suất tiêu hóa, gây khó tiêu, chướng bụng.

Uống nhiều nước:

Khoảng 70% cơ thể là nước. Nước có vai trò rất quan trọng đối với việc trao đổi chất, hấp thụ thức ăn và nhiều hoạt động quan trọng khác trong cơ thể. Nhiều người uống có thói quen uống khá ít nước, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy về sức khỏe. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước khi ăn cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ và tiêu hóa các chất dinh dưỡng. Lưu ý không nên uống đồ uống có ga cùng với bữa ăn chính, bởi vì những loại đồ uống này có thể gây đầy bụng. Các loại đồ uống khác như cà phê có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu của một số chất dinh dưỡng.

Trên đây là 1 số cách đơn giản giúp tăng hấp thu thức ăn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có những triệu chứng bất thường trên đường tiêu hóa như thường xuyên buồn nôn, nôn, đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày,...thì nên đến các cơ sở y tế để thăm khám tìm hiểu nguyên nhân và điều trị dứt điểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan