Kháng sinh điều trị trực khuẩn mủ xanh

Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas) là một loại vi khuẩn gây ra nhiều loại nhiễm trùng nguy hiểm ở hầu khắp các cơ quan trong cơ thể. Vậy kháng sinh diệt trực khuẩn mủ xanh bao gồm những loại nào và cơ chế tác động của chúng ra sao?

1. Trực khuẩn mủ xanh là gì?

Trực khuẩn mủ xanh thuộc họ vi khuẩn Pseudomonas, có tên khoa học là Pseudomonas aeruginosa. Là vi khuẩn Gram âm hiếu khí, dạng que, kích thước 0.5 - 1μm x 1 - 5 μm, có một lông ở đầu, di động và không sinh nha bào; đứng riêng lẻ hoặc kết thành chuỗi.

Tính chất đặc trưng để nhận biết của chúng là sinh sắc tố và chất thơm khi xâm nhập vào vật chủ. Hai loại sắc tố chính là: Pyocyanin (màu xanh lá cây, tan trong nước và chloroform, sắc tố này làm cho mủ vết thương do trực khuẩn có màu xanh); Pyoverdine (sắc tố huỳnh quang, tan trong nước nhưng không tan trong cloroform, không bền vững, phát màu xanh khi chiếu tia cực tím).

Môi trường sống của Trực khuẩn mủ xanh là ở những nơi ẩm ướt trong đất, đầm lầy, hay các trang thiết bị y tế, hồi sức, máy thở, xà phòng, thuốc nhỏ mắt, bồn rửa, dung dịch khử trùng, nước cất,... tại bệnh viện.

Vi khuẩn họ Pseudomonas có hai loại kháng nguyên là: kháng nguyên lông (dễ bị phá hủy bởi nhiệt độ) và kháng nguyên thân (bền với nhiệt độ, đặc hiệu cho từng typ vi khuẩn). Chúng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 1000C với các thuốc sát khuẩn thông thường, ở nơi không có ánh sáng mặt trời và đủ độ ẩm chúng sống được hàng tuần, trong môi trường đủ dinh dưỡng chúng có thể tồn tại 6 tháng.

Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm cho cơ thể (nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tiết niệu,...) và là tác nhân chính gây nên nhiễm trùng bệnh viện. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh khi hệ miễn dịch bị suy yếu; Do được bảo vệ bởi một lớp chất nhờn Trực khuẩn mủ xanh không bị thực bào tấn công và hầu như miễn nhiễm với các loại kháng sinh thông thường.

2. Trực khuẩn mủ xanh gây bệnh như thế nào?

Theo một số thống kê tại các bệnh viện, Trực khuẩn mủ xanh là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây viêm phổi tại bệnh viện (17%); nguyên nhân phổ biến thứ ba gây nhiễm trùng đường tiết niệu (7%); nguyên nhân phổ biến thứ tư gây nhiễm trùng phẫu thuật tại chỗ (8%); nguyên nhân phổ biến thứ năm gây nhiễm khuẩn ở tất cả các cơ quan khác (9%).

Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn này hiện chưa được chứng minh đầy đủ, một số giả thiết cho rằng các sản phẩm ngoại tiết như sắc tố, yếu tố tan máu, ngoại độc tố, độc tố ruột là nguyên nhân chính gây bệnh.

Phần lớn bệnh nhân nhiễm trùng do Pseudomonas gây ra đều đang nhập viện. Yếu tố gia tăng nguy cơ lây nhiễm như: không khử trùng kỹ lưỡng các thiết bị y tế, nhân viên y tế rửa tay không sạch, người bệnh suy nhược cơ thể, giảm bạch cầu trung tính, suy giảm miễn dịch,...lây nhiễm chéo qua các vết thương hở, vết bỏng, hay người bệnh điều trị tích cực bằng máy thở,...

Khi vào cơ thể, Trực khuẩn mủ xanh có thể gây viêm màng não, các nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn - mô mềm,... và nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu.

3. Triệu chứng và chẩn đoán

3.1. Triệu chứng đặc trưng của nhiễm trùng do Trực khuẩn mủ xanh

Tùy thuộc vào từng vị trí nhiễm khuẩn và có các biểu hiện triệu chứng khác nhau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: sốt, ớn lạnh, khó thở, ho có đờm, chất nhầy màu vàng, hoặc xanh lá cây, lẫn máu.
  • Nhiễm khuẩn tai: đau tai nghiêm trọng, chóng mặt, đau nửa đầu, giảm hoặc mất thính giác, khó xác định phương hướng,...
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: tiểu nhiều, buồn tiểu thường xuyên, tiểu đau, tiểu buốt, nước tiểu có lẫn máu,...
  • Nhiễm trùng da và mô mềm: vết thương thâm nhiễm nhiều, xuất hiện các vùng ban đỏ, loét trung tâm, viêm mủ, dẫn lưu mủ có mùi trái cây, nhiễm khuẩn da - mô mềm có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu.
  • Nhiễm trùng máu: sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, thở gấp, tăng nhịp tim, tiêu chảy, buồn nôn, tiểu ít,...

3.2. Chẩn đoán

  • Để chẩn đoán nhiễm khuẩn có thể thực hiện các xét nghiệm riêng biệt cho từng vị trí nhiễm khuẩn như: xét nghiệm máu (nhiễm trùng máu), xét nghiệm đờm (nhiễm trùng đường hô hấp), xét nghiệm nước tiểu (nhiễm trùng đường tiết niệu), chọc dịch não tủy (viêm màng não),... Tuy nhiên để chẩn đoán xác định Trực khuẩn mủ xanh cần làm các phương pháp nuôi cấy vi sinh vật để xác định vi khuẩn.
  • Phương pháp: Lấy bệnh phẩm từ ổ mủ chưa vỡ, dịch màng phổi, dịch màng não, máu, sau đó cấy trực tiếp vào môi trường nuôi. Sau nuôi cấy và nhuộm màu môi trường, các khuẩn lạc là trực khuẩn Gram âm, hiếu khí, không sinh nha bào, phản ứng oxidase (+) là Trực khuẩn mủ xanh.

4. Kháng sinh điều trị trực khuẩn mủ xanh

Trực khuẩn mủ xanh không đáp ứng với hầu hết các loại kháng sinh thông thường, do đó việc điều trị cần nuôi cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ và phác đồ điều trị phải phối hợp linh hoạt các loại kháng sinh.

Nguyên tắc sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn do Pseudomonas aeruginosa:

  • Phối hợp một Penicillin có hoạt tính chống Trực khuẩn mủ xanh (như: Mezlocillin, Ticarcillin, piperacillin) với một kháng sinh nhóm Aminoglycosid (như: Amikacin, Tobramycin).
  • HOẶC: Phối hợp các kháng sinh phổ rộng như Imipenem, Ceftazidime với kháng sinh nhóm Quinolon mới (Norfloxacin, Ciprofloxacin).

Điều trị cụ thể

Căn cứ vào kết quả kháng sinh đồ, tình trạng kháng thuốc để điều trị cụ thể cho từng trường hợp nhiễm khuẩn:

  • Các nhiễm trùng khu trú ở nang lông: nếu không có biến chứng nặng nề, viêm loét có thể tự vệ sinh vết thương, tránh làm tổn thương lan rộng, không cần dùng kháng sinh.
  • Viêm tai ngoài: Thuốc nhỏ tai Axit axetic 1-2% hoặc các thuốc bôi tại chỗ Polymyxin B, Colistin. Vệ sinh tai thường xuyên bằng nước muối sinh lý, nếu nhiễm trùng nặng sử dụng các kháng sinh Fluoroquinolon đường uống (nếu kết quả kháng sinh đồ có nhạy cảm).
  • Nhiễm khuẩn mô mềm khu trú: phẫu thuật loại bỏ vùng mô hoại tử sớm, dẫn lưu ổ áp xe và phối hợp điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ.
  • Viêm loét giác mạc: Nhỏ mắt bằng Ciprofloxacin 0,3% hoặc Levofloxacin 0,5%, nếu tình trạng nặng có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt có nồng độ hơn Tobramycin 15 mg/mL. Nhỏ thuốc liên tục mỗi 1 giờ trong ngày để cải thiện triệu chứng. Chống chỉ định dùng kháng sinh tại chỗ đối với tổn thương đồng tử.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu có triệu chứng: Levofloxacin 750mg x 1 lần/ ngày; HOẶC: Ciprofloxacin 500mg x 2 lần/ngày (nếu nhạy cảm).
  • Viêm nội tâm mạc tim: cần loại bỏ van bị nhiễm trùng (van hai lá, van động mạch chủ, van nhân tạo) phối hợp với điều trị kháng sinh.
  • Các nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm trùng máu): cần sử dụng kháng sinh đường tiêm - các liệu pháp dùng kháng sinh đơn độc như Ceftazidime HOẶC Fluoroquinolone HOẶC Carbapenem (meropenem, imipenem, doripenem) đã được chứng minh có hiệu quả tương đương khi phối hợp nhiều loại kháng sinh. Liệu pháp đơn độc cũng phù hợp cho những bệnh nhân có giảm bạch cầu trung tính.

Tóm lại, điều trị trực khuẩn mủ xanh là một cuộc chiến liên tục của các kháng sinh mới và sự kháng thuốc của vi khuẩn. Không có một phác đồ cụ thể để diệt khuẩn, kháng sinh luôn thay đổi phù hợp với từng chủng vi khuẩn và tình trạng của bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan