Ho khạc ra máu tươi là bệnh gì?

Ho và khạc ra máu là một biểu hiện triệu chứng tương đối nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy khi bị ho khạc ra máu, sức khỏe của bạn đang bị đe dọa như thế nào và cần phải xử trí ra sao?

1. Nguy hiểm từ triệu chứng ho khạc ra máu

Ho khạc ra máu là hiện tượng bệnh nhân phải gắng sức để ho và nhổ ra dịch có chứa đờm, bọt lẫn máu. Ban đầu, bệnh nhân thường ho khạc ra máu tươi, sau đó khạc ra máu sẫm. Một số kiểu ho khạc ra máu khác là:

  • Họ khạc ra cục máu đông, có thể đi kèm với triệu chứng nóng rát ngực và khó thở;
  • Đờm khạc ra có dạng tia/ sợi máu lẫn bên trong;
  • Đờm có màu xanh vàng hoặc màu xanh, có lẫn máu và mùi hôi khó chịu.

Đại đa số nguyên nhân khạc ra máu là do sự tổn thương của niêm mạc họng, gây ra xung huyết, thường có liên quan đến các bệnh lý ở khu vực phổi hoặc phế quản. Trong trường hợp triệu chứng biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng sẽ gây tác động đến huyết động và khiến bệnh nhân bị trụy mạch, niêm mạc nhợt, hạ huyết áp và mạch đập nhanh, thậm chí là tình trạng suy hô hấp cấp.

Triệu chứng ho khạc ra máu được đánh giá là một báo hiệu nguy hiểm lớn đối với sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, khi gặp phải tình trạng này, mặc dù là biểu hiện nhẹ, bạn cũng cần đến bệnh viện kiểm tra sớm nhất có thể.

khạc ra máu
Đa số nguyên nhân khạc ra máu là do sự tổn thương của niêm mạc họng

2. Khạc ra máu là bệnh gì?

Ho khạc ra máu là triệu chứng của nhiều bệnh lý nghiêm trọng, có khả năng ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến sức khỏe. Nguyên nhân có thể do:

  • Khạc đờm ra máu do tổn thương đường hô hấp

Khi cơ thể có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến đường hô hấp, bao gồm viêm amidan, viêm mũi họng... đều có thể gặp phải tình trạng ho ra máu vì các sự tổn thương trong hệ thống đường hô hấp đều khiến bạn bị ho. Tình trạng ho kéo dài sẽ làm lớp niêm mạc ở vùng cổ họng bị sưng tấy và ứ đọng máu.

Thông thường, khi bệnh nhân ho quá nhiều nhằm giảm bớt cảm giác khó chịu, ngứa ngáy cổ họng thì sẽ tạo ra một áp lực lớn lên các vị trí sưng ở cổ họng, làm gia tăng nguy cơ vỡ niêm mạc và ho khạc ra máu.

  • Đường hô hấp bị nhiễm trùng cũng có thể làm bạn ho ra máu

Khạc ra máu cũng thường xuất hiện ở các bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp. Khi đó, các tác nhân gây nhiễm trùng như virus, vi khuẩn hoặc nấm Aspergillus sẽ làm cho tình trạng bệnh ngày một nghiêm trọng, khiến người bệnh thường xuyên khạc đờm ra máu.

  • Bệnh lý ở phổi và phế quản

Cơ thể khi mắc phải tình trạng sức khỏe liên quan đến phế quản hoặc phổi cũng có thể bị ho ra máu. Trong trường hợp này, bạn sẽ có thêm triệu chứng đi kèm là thở nặng nề, khò khè và ho rất thường xuyên, ngoài ra còn bị hô hấp khó khăn và đau tức vùng ngực.

  • Ho khạc ra máu do bệnh lý lao phổi

Lao phổi là 1 căn bệnh truyền nhiễm có tính lây lan mạnh. Ảnh hưởng của căn bệnh này đối với cộng đồng là rất lớn và ho ra máu là một trong những biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân lao phổi. Một số triệu chứng thường thấy khác của bệnh lao phổi còn có: sốt nhẹ vào ban chiều, thường xuyên đau tức ở ngực, ho nhiều, hô hấp khó khăn, gầy gò và ốm yếu, thiếu năng lượng...

  • Khạc ra máu vì bệnh ung thư phổi

Ung thư phổi có dấu hiệu phổ biến nhất ở giai đoạn đầu là hiện tượng ho khạc ra máu tươi. Dần dần, bệnh nhân sẽ có biểu hiện ho nhiều và nghiêm trọng hơn, sụt cân không lý do, người gầy gò thiếu sức sống... Ở giai đoạn cuối của ung thư phổi, bệnh nhân không chỉ ho ra máu mà còn cảm thấy mệt mỏi kéo dài, đau tức vùng ngực và tình trạng ho diễn ra cực kỳ thường xuyên.

  • Ho khạc ra máu vì giãn phế quản

Giãn phế quản là một biến chứng từ bệnh lao phổi với biểu hiện rõ rệt nhất chính là hiện tượng ho ra máu. Ở giai đoạn đầu, lượng máu bị khạc ra tương đối ít, nhưng ngày sẽ càng nhiều và màu máu cũng đẫm hơn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có khả năng nguy hiểm đến tính mạng.

  • Tình trạng tắc mạch phổi

Ho ra máu đôi khi cũng là triệu chứng của tình trạng tắc mạch phổi (hay còn gọi là thuyên tắc phổi), liên quan đến sự di chuyển của cục máu đông trong các động mạch phổi, ngăn cản máu lưu thông đến phổi. Khi đó, bệnh nhân sẽ gặp các vấn đề như có chất nhầy hồng sau khi ho, đau tức và cảm thấy nặng ngực, hô hấp trở nên khó khăn...

  • Một số nguyên nhân gây ho khạc ra máu khác

Bên cạnh nguyên nhân đến từ bệnh lý, tình trạng ho ra máu cũng có nhiều nguyên nhân khác như: Do sử dụng một số loại thuốc nhất định có thể khiến bệnh nhân bị ho ra máu; hút thuốc lá cũng khiến bệnh nhân thường xuyên khạc đờm ra máu, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi.

khạc ra máu
Ung thư phổi có dấu hiệu phổ biến nhất ở giai đoạn đầu là hiện tượng ho khạc ra máu tươi

3. Điều trị và xử trí ho khạc ra máu như thế nào?

Khi bị ho ra máu, bệnh nhân cần ngay lập tức đến bệnh viện để kiểm tra và phát hiện sớm nguyên nhân gây ra tình trạng này, từ đó điều trị nguyên nhân.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc thường dùng để cải thiện triệu chứng gồm:

  • Terpin codein để giảm bớt cơn ho;
  • Morphin trong trường hợp bệnh nhân ho nghiêm trọng;
  • Adrenochrom giúp tăng cường sức chịu đựng của thành mạch;
  • Acid tranexamique để chống tiêu các sợi huyết.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần điều chỉnh một số thói quen trong sinh hoạt như:

  • Nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, hạn chế các vận động mạnh và phải gắng sức;
  • Nên nằm nghiêng về phần phổi bị tổn thương để hạn chế tình trạng sặc máu vào khu vực phổi khỏe mạnh;
  • Uống nước mát và ăn chế độ lỏng.

Có thể nói, biểu hiện ho khạc ra máu là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần ngay lập tức gặp bác sĩ nếu có biểu hiện này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan