Hình ảnh X quang của lao phổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm có khả năng gây tử vong cao do ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp. Chụp X quang lao phổi là phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác. Tùy vào loại tổn thương, hình ảnh X quang lao phổi sẽ cho thấy đặc điểm khác nhau.

1. Tổng quan về bệnh lao phổi

Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng phổ biến do trực khuẩn lao gây ra. Bệnh lao phổi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm vi khuẩn lao.

Lao phổi được phân thành nhiều loại như sau:

  • Lao phổi sơ nhiễm
  • Lao phổi sau sơ nhiễm gồm lao kê và lao phổi thâm nhiễm sớm
  • Lao phổi mãn tính gồm lao nốt và lao xơ hang.
bệnh lao phổi
Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng phổ biến do trực khuẩn lao gây ra

2. Hình ảnh X quang lao phổi

Chụp X quang phổi là kỹ thuật cơ bản và rất tốt hỗ trợ chẩn đoán bệnh lao phổi. Tùy vào loại lao tổn thương, kết quả hình ảnh sẽ thể hiện đặc điểm khác nhau.

2.1 Lao phổi sơ nhiễm

Lao phổi sơ nhiễm có đặc điểm trên hình ảnh X quang lao phổi như sau:

  • Hình ảnh phức hợp nguyên thủy
  • Tổn thương hình quả tạ (hay còn gọi là quả chùy), “săng” sơ nhiễm
  • Đường bạch mạch viêm nối hạch rốn phổi với nhau
  • Một số trường hợp lao phổi chỉ thấy hạch rốn phổi
  • Khi hạch chèn ép có thể thấy xẹp phổi

2.2 Lao phổi sau sơ nhiễm

Lao phổi sau sơ nhiễm gồm lao kê và lao phổi thâm nhiễm sớm có đặc điểm trên hình ảnh X quang lao phổi như sau:

  • Lao kê: Tổn thương là các nốt mờ nhỏ, hình dáng như hạt kê, các nốt mờ tập trung nhiều ở vùng phía trên (đỉnh phổi). Một số trường hợp tổn thương lao kê có thể thấy hiện tượng tràn dịch màng phổi
  • Lao phổi thâm nhiễm sớm: Tổn thương có hình đám mờ nhạt ở mô kẽ, vị trí thường gặp là ở vùng đỉnh phổi các nốt mờ có hình tròn và kích thước dưới 2cm. Giai đoạn tiến triển, các nốt mờ có thể tập trung thành hang hoặc thành sẹo.

2.3 Lao phổi mãn tính

Lao phổi mãn tính gồm lao nốt, lao xơ hang và lao xơ có đặc điểm trên hình ảnh X quang lao phổi như sau:

  • Lao nốt: Tổn thương lao là các nốt mờ có kích thước từ 3 - 15mm, thường tập trung thành từng đám có kèm theo cả dải xơ.
  • Lao xơ hang: Hình ảnh X quang lao phổi là hình hang, có thành hang dày hoặc mỏng, bờ hang không đều và nham nhở, bên trong có chứa khí, có thể gây xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi. Một số trường hợp có thể gây bội nhiễm nấm hình nhạc ngựa (hình lục lạc).
  • Lao xơ: Tổn thương lao phổi dạng xơ cho thấy các thành phần xung quanh bị co kéo về phía tổn thương và làm giảm thể tích phổi. Tổn thương thường xuất hiện ở vị trí đỉnh và hạ đòn hai bên.
X-quang lao phổi
Chụp X quang phổi là kỹ thuật hiện đại hỗ trợ chẩn đoán bệnh lao phổi

3. Đối tượng nào cần được chụp X quang lao phổi?

Các trường hợp có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn lao cần được chụp X quang lao phổi như:

  • Người nhà, người thường xuyên chăm sóc, tiếp xúc gần với bệnh nhân lao phổi.
  • Các nhân viên y tế làm việc, nghiên cứu tại bệnh viện lao, khoa lao, thường xuyên tiếp xúc gần với các bệnh nhân lao phổi hoặc sống trong môi trường tiềm ẩn nhiều vi khuẩn lao.
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch do các mắc bệnh như gan, HIV, ...
  • Người sinh sống hoặc trở về từ vùng có dịch lao, các quốc gia có hệ thống y tế chưa phát triển.

Ngoài ra, các trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lao phổi do xuất hiện những triệu chứng của bệnh cũng nên đến thăm khác bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán xác định bệnh bằng phương pháp chụp X quang phổi hoặc những phương pháp khác. Các triệu chứng điển hình của bệnh lao phổi như:

  • Ho khan, ho ra đờm máu, các cơn ho có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng. Ho được xem là triệu chứng điển hình của bệnh lao.
  • Đau tức ở vùng ngực, đôi khi bị khó thở.
  • Đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là khi ngủ vào ban đêm.
  • Hay bị sốt nhẹ hoặc có cảm giác ớn lạnh khi về chiều.
  • Sụt cân, ăn không ngon miệng, suy nhược cơ thể, yếu sức, thường xuyên mệt mỏi.
Ho khan lâu ngày
Ho được xem là triệu chứng điển hình của bệnh lao

4. Phòng ngừa bệnh lao phổi như thế nào?

Hiện nay, biện pháp đầu tiên để phòng ngừa bệnh lao phổi là tiêm vắc-xin BCG phòng bệnh lao, vắc-xin có chứa vi khuẩn lao nhưng đã được làm yếu đi. Theo khuyến cáo, vắc-xin BCG được tiêm cho trẻ em, thời điểm tốt để chủng ngừa là trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Ngoài ra, người trưởng thành nếu chưa được tiêm phòng vắc-xin BCG và không mắc bệnh lao nhưng lại thường xuyên sống hoặc tiếp xúc với người bị bệnh lao, môi trường có chứa nhiều vi khuẩn lao cũng nên được chủng ngừa. Bên cạnh đó, lao phổi cũng có thể được phòng ngừa bằng cách hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe bằng lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.

Tóm lại, việc dựa vào kết quả hình ảnh X quang lao phổi, sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh cũng như phân loại giai đoạn bệnh lao. Trong trường hợp khi lâm sàng và phim X quang nghi ngờ là lao tiến triển hoặc lao tái phát, bệnh nhân cần được khám ngay nhằm có hướng điều trị chuyên sâu. Còn đối với lao đã điều trị đủ liệu trình hoặc lao cũ, có thể không cần khám ngay, tuy nhiên cần khám định kỳ hàng năm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan