Đốt sóng cao tần điều trị suy tĩnh mạch dưới chụp số hóa xóa nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đốt sóng cao tần điều trị suy tĩnh mạch dưới là một phương pháp đang được áp dụng ngày càng rộng rãi để nâng cao chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch dưới hiện nay.

1. Suy tĩnh mạch dưới là gì? Nguyên nhân mắc suy tĩnh mạch dưới

Suy tĩnh mạch dưới là tình trạng suy giảm chức năng dẫn máu về tim của hệ thống tĩnh mạch dưới, gây ra việc ứ đọng máu ở vùng thấp của chân và từ đó lan lên dần. Hậu quả là khiến bệnh nhân có các dấu hiệu như nặng chân, đau nhức chi dưới, vọp bẻ, nổi gân xanh dọc theo cẳng chân, phù, ngứa da,... Tình trạng ứ đọng này kéo dài sẽ ngày càng nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khó trị như gây loét chân, tắc mạch hoặc viêm mạch... nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.

Nguyên nhân gây ra suy tĩnh mạch dưới thường bắt nguồn từ việc ít vận động cơ. Đặc biệt, khả năng mắc suy tĩnh mạch dưới là rất cao đối với những người có tính chất công việc buộc phải đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài, ít vận động cơ bắp chân như: nhân viên văn phòng, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bán hàng, công nhân...

Phụ nữ thường có nguy cơ mắc suy tĩnh mạch cao hơn so với nam giới (gấp 3 - 4 lần), nguyên nhân là do ảnh hưởng từ nội tiết tố, thai nghén lên thành tĩnh mạch hoặc do phải đứng lâu một chỗ trong một số ngành nghề (ví dụ như bán hàng) hoặc dùng loại giày không thích hợp với chân.

Ngồi vắt chéo chân
Ngồi nhiều, ít vận động là nguyên nhân gây suy tĩnh mạch dưới

2. Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng đốt sóng cao tầng

Trước kia, để điều trị suy tĩnh mạch chi dưới người ta thường vận dụng yếu tố cơ bản chính là trào ngược tĩnh mạch hiển lớn và áp dụng các phẫu thuật thắt (ligation) và bóp (stripping) tĩnh mạch. Tuy nhiên phương pháp này có tỷ lệ tái phát khá cao (gần 30% sau 5 năm). Chính vì vậy, y học ngày nay đã nghiên cứu áp dụng các phương pháp khác hữu hiệu hơn, cụ thể là sử dụng đốt sóng cao tầng, chụp số hóa xóa nền.

2.1. Phương pháp đốt sóng cao tần điều trị suy tĩnh mạch dưới

Bằng việc sử dụng sóng cao tần phát nhiệt để gây xơ hóa hệ thống tĩnh mạch hiển, từ đó cắt đứt các dòng trào ngược từ tĩnh mạch sâu ra tĩnh mạch nông, kỹ thuật này sử dụng một sợi cáp có khả năng phát nhiệt từ sóng cao tần, đưa vào trong lòng tĩnh mạch, sau đó dựa vào năng lượng nhiệt để gây xơ hóa thành mạch của bệnh nhân.

Phương pháp đốt sóng cao tần điều trị suy tĩnh mạch dưới chống chỉ định đối với các trường hợp sau đây:

  • Dị ứng thuốc cản quang iod;
  • Bệnh nhân suy thận nặng (độ IV);
  • Huyết khối cấp tính tĩnh mạch sâu;
  • Rối loạn đông máu nặng (chỉ số prothrombin <60%, INR > 1.5, số lượng tiểu cầu < 50 G/l);
  • Thể trạng suy kiệt;
  • Phụ nữ mang thai.

2.2. Cách tiến hành điều trị suy tĩnh mạch dưới bằng phương pháp đốt sóng cao tần chụp mạch số hóa xóa nền

  • Lập bản đồ tĩnh mạch

Đầu tiên, bác sĩ sử dụng phương pháp siêu âm Doppler để lập bản đồ tĩnh mạch cần điều trị (tĩnh mạch hiển lớn) rồi dùng bút vẽ lên da đường đi của tĩnh mạch, đánh dấu các điểm mở đường vào lòng mạch và điểm kết thúc, cũng như đánh dấu các vị trí giãn to cần lưu ý.

  • Mở đường vào lòng mạch

Bác sĩ tiến hành sát khuẩn toàn bộ vùng da nằm trên bản đồ tĩnh mạch và thực hiện mở đường vào lòng tĩnh mạch (sử dụng kim 21-25G, có thể mở đường vào lòng mạch dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc không). Mở đường vào tĩnh mạch xuôi dòng (hướng đi từ ngọn chi về gốc chi) rồi đặt ống vào lòng mạch có đường kính 4-5F.

  • Chụp tĩnh mạch

Tiến hành chụp DSA toàn bộ hệ thống tĩnh mạch hiển lớn bằng thuốc cản quang iod. Đánh giá đường đi, biến thể giải phẫu của hệ thống tĩnh mạch hiển cũng như vị trí đổ vào tĩnh mạch đùi.

Tiếp theo, tiếp cận tĩnh mạch hiển lớn và đưa dây phát nhiệt qua ống vào lòng mạch vào trong lòng tĩnh mạch hiển lớn. Dưới hướng dẫn của siêu âm và chụp DSA, bác sĩ tiến hành luồn đầu dây phát nhiệt đến cách vị trí đổ của tĩnh mạch hiển lớn vào tĩnh mạch đùi khoảng 1cm thì dừng lại.

Trong trường hợp gặp khó khăn khi đưa dây phát nhiệt đến quai tĩnh mạch hiển thì bác sĩ có thể dùng vi ống thông và dây dẫn để đi trước dưới hướng dẫn của chụp số hóa xóa nền có tiêm thuốc cản quang, sau đó mới đưa dây phát nhiệt theo ống thông.

  • Giảm đau quanh tĩnh mạch

Sử dụng 20 - 50ml dung dịch Lidocain pha loãng 0.1% với nước muối sinh lý, bơm vào tổ chức phần mềm xung quanh tĩnh mạch hiển lớn dưới hướng dẫn của siêu âm.

Ngoài ra, có thể phối hợp pha thêm epinephrine với liều lượng thích hợp để tăng cường tác dụng co thắt mạch (thể tích Lidocain pha loãng 0.1% khoảng 4.5mg Lidocain/kg thể trọng).

  • Đốt nhiệt

Sau khi đã gây tê xong tổ chức quanh tĩnh mạch, cần thực hiện siêu âm kiểm tra lại vị trí dây đốt nhiệt, mức độ đồng đều của tổ chức quanh tĩnh mạch để có thể đảm bảo kết nối sợi dây đốt nhiệt với nguồn phát nhiệt (máy tạo RF), sau đó tiến hành đốt nhiệt tĩnh mạch hiển lớn từ hạ lưu về thượng lưu (gốc chi về ngọn chi).

Tốc độ di chuyển của đầu dây đốt nhiệt tùy thuộc vào các thông số và mức độ xơ hóa tĩnh mạch chân.

  • Kết thúc thủ thuật

Sau khi đã đốt xong toàn bộ tĩnh mạch hiển lớn, lần lượt rút dây dẫn nhiệt ra khỏi đường vào lòng mạch, rút ống vào lòng mạch và tiến hành băng ép đóng đường vào lòng mạch.

Dễ khóc, buồn bã, hay cáu gắt có phải trầm cảm khi mang thai?
Phụ nữ mang thai chống chỉ định thực hiện

2.3. Khi nào thì phương pháp điều trị này được gọi là thành công?

Sau khi kết thúc thủ thuật, tĩnh mạch hiển lớn sẽ bị xơ hóa, xẹp hoàn toàn từ vị trí mở đường vào lòng mạch đến quai tĩnh mạch hiển.

Tĩnh mạch hiển sẽ xơ hóa hoàn toàn sau 4 - 7 ngày. Không có hiện tượng xơ hóa và huyết khối đối với tĩnh mạch đùi.

3. Những lưu ý cần biết khi sử dụng phương pháp để điều trị suy tĩnh mạch dưới

Có 2 lưu ý quan trọng cần biết về các biến chứng của phương pháp này:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu: Là biến chứng hiếm gặp, thường do vị trí xử lý quá gần tĩnh mạch đùi. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết toàn thân hoặc tại chỗ.
  • Bỏng da: thường do sử dụng nhiệt đốt quá cao, gây tê quanh mạch không đều. Trường hợp này chỉ cần điều trị nội khoa và chăm sóc tại chỗ.

Phương pháp đốt sóng cao tần điều trị suy tĩnh mạch dưới có tỷ lệ thành công khá cao, điều trị triệt để được vị trí tĩnh mạch bị suy, an toàn, ít xảy ra tai biến và có tính thẩm mỹ cao.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan