Điều gì xảy ra với bàn tay của bạn khi bạn già đi?

Bàn tay được sử dụng để thực hiện rất nhiều việc trong cuộc sống và thật khó khăn nếu làm việc gì đó mà không được sự hỗ trợ của bàn tay. Tuy nhiên, đôi bàn tay cũng như các cơ quan khác trong cơ thể sẽ bị lão hóa dần theo thời gian, khiến nó trở nên yếu, kém linh hoạt và da tay nhăn nheo hơn khi trẻ.

1. Điều gì xảy ra với bàn tay của bạn khi bạn già đi?

Chắc hẳn ai cũng muốn biết điều gì sẽ xảy ra cho đôi bàn tay khi chúng ta ngày một nhiều tuổi. Khi bạn già đi thì đôi tay cũng sẽ thay đổi theo thời gian về khả năng hoạt động và sự thay đổi trên da bàn tay. Sự thay đổi này là một điều tự nhiên của sự lão hóa.

1.1. Thay đổi sự hoạt động của bàn tay

Khi bạn già đi, bàn tay sẽ có sự thay đổi hoạt động. Cụ thể:

  • Sức cầm nắm đồ vật: Bạn có thể giảm sức của cơ tay khi già đi, đặc biệt là sau 65 tuổi và điều đó có thể khiến bạn khó thực hiện các công việc hàng ngày. Nếu khả năng cầm nắm của bạn yếu tăng dần theo thời gian, có thể gặp do các vấn đề liên quan tới cơ xương khớp tại bàn tay. Nhưng nếu nó xảy ra đột ngột, có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc huyết áp cao, đột quỵ.
  • Run tay: Tay của bạn có thể run vì nhiều lý do ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến hơn khi ở tuổi sau 50. Tay run làm cho bạn cầm nắm một số vất không được chắc chắn hay khó khăn khi làm một việc cần nhằm trúng đích. Có thể gặp phải tình trạng run chủ động xảy ra khi bạn cố gắng sử dụng tay của mình hoặc run thụ động xảy ra khi bàn tay của bạn được nghỉ ngơi. Một số bệnh lý ở người già cũng gây ra run tay như bệnh tiền đình, parkinson... Không chỉ do tuổi mà một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm cho bệnh nặng hơn.
  • Đau nhức bàn tay: Đau nhức bàn tay là một tình trạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng với người cao tuổi tình trạng này thường gặp hơn có thể do viêm khớp, thoái hóa khớp, bệnh lý tại gân cơ...
tay nhăn nheo khi già đi
Tay nhăn nheo khi già đi

1.2. Thay đổi trên bề mặt da bàn tay

Cũng như những vùng da khác trên cơ thể, thì da tay cũng sẽ gặp phải các vấn đề về lão hóa do tiếp xúc với ánh nắng, hóa chất.... Những thay đổi trên da tay của bạn có thể gặp phải như:

  • Da tay nhăn nheo: Khi bạn già đi, bàn tay của bạn sẽ bị mất chất béo, collagen và độ đàn hồi của da dẫn đến da tay nhăn nheo khi già đi.
  • Đốm đen trên da tay: Ngoài việc da tay nhăn nheo thì các đốm đen trên da cũng xuất hiện. Không chỉ trên bàn tay mà nhiều vị trí trên cơ thể cũng sẽ xuất hiện các vết đốm đen này. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu do sự tiếp xúc thường xuyên với tia UV, gây ra những biến đổi trên da tay.
  • Bàn tay nổi gân: Thực tế tình trạng này là do khi già đi làn da bị mỏng đi và các tĩnh mạch bên dưới da bàn tay trở nên rõ ràng hơn. Tay gân guốc khô héo khi già đi làm cho bạn tay kém đi vẻ trẻ trung.
  • Da khô, tróc vảy: Da khô, có vảy thường thấy ở mọi lứa tuổi nhưng nó có xu hướng tăng theo tuổi tác. Thiếu nước và ngủ không đủ giấc có thể khiến da bạn bị khô và dễ bị tróc vảy hơn.
  • Móng tay khô và giòn: Do thay đổi độ ẩm trên móng tay làm cho móng tay dễ bị khô và giòn dễ gãy hơn. Tình trạng này tăng theo tuổi và nó bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố bên ngoài như độ ẩm không khí thấp, tiếp xúc hóa chất thường xuyên.
tay nhăn nheo khi già đi
Sử dụng kem chống nắng giúp giảm dấu hiệu tay nhăn nheo khi già đi

2. Làm sao để đôi tay nhăn nheo khi già đi trở nên trẻ trung hơn?

Sự lão hóa có thể ảnh hưởng tới các cơ quan trên cơ thể nói chung và bàn tay nói riêng, mặc dù không thể ngăn chặn sự lão hóa xảy ra nhưng chúng ta cũng có thể sử dụng một số biện pháp để làm chậm sự lão hóa và giúp đôi bàn tay của bạn nhìn trẻ trung hơn.

  • Tập tăng sức mạnh của cơ: Những bài tập thường xuyên giúp khối cơ phát triển tốt hơn, giảm tình trạng cầm nắm không chắc. Bạn có thể thực hiện các bài tập như bóp chặt một vật gì đó giống như một quả bóng tennis hay quả bóng hơi hết sức có thể trong 3 đến 5 giây, sau đó nghỉ ngơi một lúc, rồi làm như vậy 10 lần với mỗi tay. Bắt đầu với mỗi ngày một lần hoặc cách ngày một lần, tùy thuộc vào cảm giác của tay bạn.
  • Sử dụng kem chống nắng: Không chỉ sử dụng kem chống nắng cho mặt, mà bạn cũng nên dùng kem chống nắng cho cả bàn tay của mình. Vì tác động của tia UV tới da sẽ làm da của bạn lão hóa nhanh hơn, xuất hiện các vết đồi mồi trên da, bàn tay nhăn nheo hơn...
  • Tẩy tế bào chết: Những lớp da khô, tróc vảy là những lớp da đã chết, cho nên bạn cần thực hiện loại bỏ lớp da chết này để bàn tay nhìn trông mịn màng hơn. Có thể dùng tẩy da chết 1-2 lần mỗi tuần.
  • Dưỡng ẩm: Dưỡng ẩm là một bước rất quan trọng để tránh da bị mất nước sau khi rửa tay, tẩy tế bào chết... Dưỡng ẩm giúp da nhìn căng mọng do hạn chế mất nước và đặc biết tránh khô, nứt nẻ vào khoảng thời gian độ ẩm môi trường thấp.
  • Đeo găng tay khi làm việc: Hạn chế việc tiếp xúc của tay với nước hay hóa chất quá lâu, bạn nên sử dụng găng tay khi làm việc hoặc thậm chí khi đi ra khỏi nhà để tránh da bị mất nước.
  • Nên sử dụng các loại xà phòng có mùi nhẹ và độ tẩy rửa không quá mạnh để tránh khô da.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều vitamin chống oxy hóaaxit béo omega-3 giúp nuôi dưỡng làn da và phát triển móng tay khỏe mạnh. Tránh xa các chất kích thích, rượu và thuốc lá cũng là một biện pháp giúp bàn tay nhăn nheo trở nên trẻ hóa.
  • Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý: Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày, ngủ đủ giấc và tránh làm việc căng thẳng.
  • Một số lưu ý: Nếu như tay của bạn run thụ động, kèm theo những cử động cứng hay theo khối thì có thể là một tình trạng bệnh lý cần được điều trị. Khi bàn tay bị lão hóa mà bạn không thấy cải thiện sau các biện pháp trên có thể tới gặp các chuyên gia về da liễu để được tư vấn những liệu trình phù hợp.

Tay nhăn nheo khi già đi hay bàn tay bị nổi các đốm đen, gân guốc khiến cho bạn cảm thấy mất tự tin. Tuy đấy là những dấu hiệu lão hóa bình thường nhưng không phải không phòng ngừa và làm chậm quá trình đó lại được. Cho nên, hãy chăm sóc đôi tay ngay bây giờ để bàn tay của bạn trẻ trung hơn nhé!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, health.clevelandclinic.org, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan