Đặt stent niệu quản (double j) dưới X quang tăng sáng được thực hiện ra sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hẹp niệu quản là một biến chứng thường gặp trên lâm sàng, bệnh nhân có thể gặp tình trạng hẹp niệu quản trong nhiều bệnh lý khác nhau hoặc sau các can thiệp tại đường niệu. Đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng là một trong những biện pháp giải quyết được tình trạng hẹp một cách có hiệu quả, thường được thực hiện kết hợp cùng các phẫu thuật sữa chữa hay nong rộng lòng niệu quản.

1. Hiện tượng hẹp niệu quản

Niệu quản là một ống cơ nằm sau phúc mạc, được lót bởi các biểu mô chuyển tiếp, nối giữa bể thận đến bàng quang. Chiều dài trung bình của niệu quản là 20 đến 30cm, thay đổi tùy thuộc vào chiều cao của từng người.

Hẹp niệu quản là tình trạng hẹp lòng niệu quản gây tắc nghẽn và rối loạn hoạt động hệ tiết niệu. Vị trí hẹp niệu quản thường gặp nhất là hẹp khúc nối bể thận niệu quản có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Phân tích các trường hợp hẹp niệu quản phát hiện có sự rối loạn lắng đọng các sợi collagen, xơ hóa và tình trạng viêm, thay đổi tùy theo từng nguyên nhân gây hẹp niệu quản.

Thiếu máu dẫn đến xơ hóa là nguyên nhân thường gặp gây hẹp niệu quản. Nguyên nhân ít gặp hơn có liên quan đến các yếu tố cơ học như sau các phẫu thuật khâu nối niệu quản. Việc sử dụng phổ biến kỹ thuật nội soi đường tiết niệu trên làm tăng nguy cơ mắc hẹp niệu quản. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng hẹp niệu quản chiếm khoảng 3% đến 11% bệnh nhân điều trị sỏi bằng nội soi đường niệu. Những nghiên cứu gần đây được thực hiện trên những kỹ thuật có tiến bộ hơn như nội soi bằng ống nhỏ hơn hoặc các thiết bị ít sang chấn hơn, ghi nhận tỷ lệ này nhỏ hơn 1%.

Hẹp niệu quản còn là một biến chứng của phẫu thuật ghép thận, chiếm khoảng 3 đến 8%. Các phẫu thuật vùng chậu, phẫu thuật phụ khoa cũng được xem là nguyên nhân gây hẹp niệu quản.

Một số bệnh nhân bị hẹp niệu quản không có triệu chứng, số khác có biểu hiện bởi các rối loạn bài tiết nước tiểu hoặc phải trải qua những cơn đau quặn thận nặng nề. Mức độ nặng của các triệu chứng không có mối tương quan với mức độ tắc nghẽn. Một tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trên lâm sàng.

Tình trạng hẹp niệu quản lâu dần thường dẫn đến tắc nghẽn đường niệu, giãn đoạn niệu quản phía trên chỗ hẹp không triệu chứng và gây thận ứ nước. Biến chứng nặng nề nhất của hẹp niệu quản là tắc nghẽn hoàn toàn đường niệu và gây mất chức năng thận hay suy thận. Vì thế sau khi được chẩn đoán, hẹp niệu quản cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để bảo tồn chức năng thận.

Suy thận sau ghép thận
Ghép thận có thể là nguyên nhân gây hẹp niệu quản

2. Chỉ định/ Chống chỉ định đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng trong trường hợp nào

Đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng được lựa chọn để giải quyết tình trạng hẹp bàng quang khi tiến hành đặt stent niệu quản ngược dòng thất bại. Đặt stent niệu quản ngược dòng thường được ưu tiên lựa chọn hơn vì tính xâm lấn tối thiểu tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công và cần hệ thống máy nội soi đắt tiền. Đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng thường được thực hiện kết hợp với nong sửa chữa niệu quản qua da, tăng khả năng phục hồi sự lưu thông của đường niệu.

Chỉ định của đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng bao gồm:

  • Hẹp niệu quản thất bại với đặt stent niệu quản qua nội soi
  • Sau một chấn thương gây tổn thương niệu quản
  • Sau các phẫu thuật sửa chữa và tạo hình niệu quản
  • Sau khi tiến hành thủ thuật nội soi niệu quản ngược dòng
  • Chuẩn bị trước khi thực hiện tán sỏi qua da hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.

Đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng có các chống chỉ định sau:

  • Rối loạn bài xuất nước tiểu, tiểu không kiểm soát
  • Bàng quang kích thước nhỏ hoặc có túi thừa
  • Viêm thận bể thận cấp hoặc nhiễm trùng bàng quang, niệu đạo cấp tính
  • Xuất huyết từ hệ tiết niệu
bàng quang
Bệnh nhân có bàng quang nhỏ chống chỉ định thực hiện

3. Quy trình thực hiện đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng

Đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng cần thực hiện theo các bước sau:

  • Chuẩn bị máy chụp X quang tăng sáng và các đồ bảo hộ đi kèm
  • Chuẩn bị thuốc như thuốc cản quang, thuốc gây tê, gây mê nếu có chỉ định, bộ thuốc xử trí sốc phản vệ, và các vật tư y tế bao gồm bơm tiêm các loại, găng tay, mũ, băng, gạc, ống thông niệu quản JJ, ống thông dẫn lưu ...
  • Người bệnh không ăn không uống gì trước thời điểm tiến hành thủ thuật khoảng 6 giờ.
  • Thăm khám kỹ trước khi thực hiện để loại trừ các chống chỉ định.
  • Đặt người bệnh nằm nghiêng về một phía hoặc nằm sấp.
  • Sát khuẩn vùng da cần can thiệp.
  • Tiến hành đặt ống thông bể thận qua da, tiêm thuốc cản quang qua ống thông để khảo sát hình dạng đài bể thận và niệu quản, qua đó xác định được vị trí và đánh giá mức độ tắc nghẽn.
  • Đưa dây dẫn vào bể thận theo đường đi của ống thông, sau đó rút ống thông dẫn lưu.
  • Tiếp tục đưa stent niệu quản hay ống sonde JJ đến niệu quản và bàng quang qua đường vào từ bể thận sau đó rút dây dẫn. Hai đầu uốn cong của niệu quản cần đặt bên trong lòng bàng quang và bên trong bể thận.
  • Tiến hành đặt ống thông dẫn lưu bể thận qua da. Ống thông này sẽ được rút ra sau khoảng 48 giờ stent niệu quản lưu thông tốt.
  • Bơm thuốc cản quang và quan sát dưới màn hình X quang tăng sáng, xác định vị trí của stent niệu quản và lưu thông đường niệu qua stent.
nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết có thể xảy ra sau khi thực hiện thủ thuật

4. Xử trí các biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt stent niệu quản dưới x quang tăng sáng

Sau đặt stent niệu quản dưới X quang tăng sáng bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng có thể xảy ra tại vùng da bên ngoài, nhiễm trùng hệ tiết niệu hoặc nặng nề hơn là nhiễm trùng huyết. Khi nhiễm trùng khu trú tại chỗ, cần tiến hành thay băng hằng ngày và vệ sinh vết thương sạch sẽ. Nhiễm trùng hệ tiết niệu cần được điều trị nội khoa và dẫn lưu mủ niệu quản bể thận nếu cần. Khi nhiễm trùng huyết xảy ra, bệnh nhân cần được nhập đơn vị hồi sức tích cực để được điều trị và theo dõi sát.
  • Chảy máu: Biến chứng chảy máu có thể được phát hiện bằng sự xuất hiện của khối lớn dần sau phúc mạc nếu chảy máu sau phúc mạc hoặc đi tiểu ra máu nếu chảy máu đường tiết niệu.Thông thường, bệnh nhân sẽ được theo dõi, vị trí chảy máu có thể tự cầm. Nếu tình trạng mất máu không cải thiện, bệnh nhân cần được đưa đến phòng can thiệp đẻ xử trí.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Trước khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 12 năm 2017, Bác sĩ Đặng Mạnh Cường có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh ở các Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng, Phòng MRI bệnh viện Nguyễn Tri Phương và khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Quốc tế Becamex.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

205 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan