Có bao nhiêu người mắc/ tử vong vì bệnh SARS trên toàn thế giới trong đợt bùng phát năm 2003?

Dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp khiến các nhà khoa học cũng như cộng đồng tìm kiếm các thông tin về dịch SARS toàn cầu năm 2003. Những bài học quý báu trong công tác chống dịch SARS 2003 đang là những kinh nghiệm quý giá cho cả thế giới và Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 gây ra bởi virus corona chủng mới 2019.

1. SARS là gì?

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do một loại virus được công nhận là mối đe dọa toàn cầu vào tháng 3/2003, sau khi xuất hiện lần đầu tiên ở miền Nam Trung Quốc vào tháng 11/2002.

2. Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của SARS là gì?

Sốt cao kéo dài
Sau khi nhiễm bệnh, triệu chứng đầu tiên bệnh nhân gặp phải là những cơn sốt cao, ớn lạnh

Bệnh thường bắt đầu bằng sốt cao (thân nhiệt lớn hơn 38,0 ° C). Sốt có thể rét run, ớn lạnh hoặc kèm theo các triệu chứng khác, bao gồm đau đầu, cảm giác khó chịu nói chung và đau nhức cơ thể. Một số trường hợp chỉ gặp các triệu chứng hô hấp nhẹ ngay từ lúc khởi phát. Tiêu chảy được ghi nhận ở khoảng 10 phần trăm đến 20 phần trăm bệnh nhân. Sau 2 đến 7 ngày, bệnh nhân SARS có thể bị ho khan, có thể kèm theo giảm nồng độ oxy trong máu. Khoảng 10 % - 20% bệnh nhân cần phải thở máy. Hầu hết các bệnh nhân đều bị viêm phổi.

3. Nguyên nhân của SARS là gì?

SARS được gây ra bởi một coronavirus chưa từng được biết đến trước đó, sau đó được gọi là SARS coronavirus (SARS-CoV). Khi bị mắc SARS, bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm thêm các tác nhân truyền nhiễm khác nữa.

4. Mối liên quan giữa SARS và Coronavirus

Coronavirus là gì?

Các coronavirus là một nhóm vi-rút có hình dạng quầng hoặc giống như vương miện (corona) khi nhìn dưới kính hiển vi. Những virus này là căn nguyên thường gặp, gặp gây bệnh hô hấp từ nhẹ đến trung bình ở người và có thể gây nên bệnh hô hấp, đường tiêu hóa, gan và thần kinh ở động vật.

SARS coronavirus (SARS-CoV)
Các coronavirus là một nhóm vi-rút có hình dạng quầng hoặc giống như vương miện (corona) khi nhìn dưới kính hiển vi

5. Nếu coronavirus thường gây bệnh nhẹ ở người, làm thế nào nó có thể gây ra một bệnh có khả năng đe dọa đến tính mạng như SARS?

Hiện tại chưa có đủ thông tin về loại virus này để xác định toàn bộ các triệu chứng bệnh mà nó có thể gây ra. Các coronavirus đôi khi có liên quan đến bệnh viêm phổi ở người, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu. Virus cũng có thể gây bệnh nặng ở động vật, bao gồm mèo, chó, lợn, chuột và chim.

6. SARS-CoV có thể tồn tại trong môi trường bao lâu?

Các nghiên cứu tại một số phòng thí nghiệm cho thấy virus có thể tồn tại trong môi trường trong vài ngày. Khoảng thời gian virus tồn tại có thể phụ thuộc vào một số yếu tố. Những yếu tố này có thể bao gồm loại vật liệu hoặc chất dịch cơ thể có chứa virus và các điều kiện môi trường khác nhau như nhiệt độ hoặc độ ẩm. Các nhà nghiên cứu tại CDC và các tổ chức khác đang thiết kế các thí nghiệm được tiêu chuẩn hóa để đo thời gian SARS-CoV có thể tồn tại trong các tình huống mô phỏng các điều kiện môi trường tự nhiên.

7. Đã có bao nhiêu người nhiễm bệnh ở dịch SARS năm 2003 và bao nhiêu người tử vong?

Trong tháng 11 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003, tổng cộng 8.098 người trên toàn thế giới bị mắc hội chứng hô hấp cấp tính nặng kèm theo viêm phổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong số này, 774 người đã chết. Đến cuối tháng 7 năm 2003, không có trường hợp mới mắc nào được báo cáo và WHO tuyên bố ổ dịch toàn cầu đã kết thúc.

SARS
Trong vòng 8 tháng, tổng cộng có 8.098 người trên toàn thế giới mắc hội chứng hô hấp cấp tính nặng kèm viêm phổi.

8. Dịch SARS ở Việt Nam năm 2003 như thế nào?

SARS cũng là một đại dịch kinh hoàng và đầy lo sợ, do các con số về mắc và tử vong tại Trung Quốc, cũng như trên toàn thế giới. Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia có sự lưu hành của dịch SARS, có 65 người nhiễm và 5 người tử vong tính đến ngày 28/04/2003. Ngày 28/04/2003 cũng chính là ngày Việt Nam vinh danh là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch bệnh, và không còn ca mắc mới nào được ghi nhận sau đó. Đó là 45 đầy ngày kinh hoàng chống dịch của các nhân viên y tế bệnh viện Việt Pháp và bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương. Tại Bệnh viện Việt Pháp lúc đó đã có 44 Bác sĩ và Y tá nhiễm bệnh và có 6 người đã tử vong.

Ca bệnh SARS đầu tiên ở Việt Nam là một bệnh nhân người Hong Kong, Johnny Cheng, đã tử vong trong quá trình điều trị ở bệnh viện Việt Pháp. Bệnh viện Việt Pháp chính là bệnh viện đầu tiên tham gia vào công tác chống dịch, sau đó là Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương.

Ngoài ra, câu chuyện về vị Bác sĩ người Ý Carlo Urbani, là câu chuyện gây xúc động rất nhiều người trong dịch chống SARS năm 2003. Ông chính là người đầu tiên phát hiện ra căn bệnh hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng. Ông đã dành những ngày cuối cùng trong sự nghiệp của mình chiến đấu cùng các nhân viên y tế tại bệnh viện Việt Pháp.

Sau đó ông tử vong trên đường tham dự một hội nghị về ký sinh trùng ở Thái Lan. Ông được nằm điều trị tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan và không thể qua khỏi sau 18 ngày điều trị. Trước khi qua đời ông chỉ kịp một lần nhìn và nói chuyện với vợ con qua bộ đàm và cánh cửa cách ly tại bệnh viện.

Sau đó ông đã yêu cầu cắt lá phổi của mình để làm tiêu bản nghiên cứu sau khi ông chết. Câu chuyện xúc động về vị Bác sĩ Carlo Urbani vẫn luôn được nhắc đến ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Sự cảnh báo sớm của ông với tổ chức y tế thế giới WHO khiến WHO đã kịp thời có các biện pháp phòng dịch bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm cho hàng nghìn người trên thế giới.

Sự ra đi của Bác sĩ Carlo cùng với các nhân viên y tế của bệnh viện Việt Pháp cho đến nay vẫn là những câu chuyện đầy xúc động đối với bất kỳ nhân viên Y tế nào đã tham gia vào quá trình chống dịch năm 2003. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cho tất cả các bệnh viện trên cả nước phải luôn luôn đề cao cảnh giác, và chuẩn bị tinh thần, nhân lực, nguồn lực để phòng các bệnh truyền nhiễm bất cứ khi nào. Do các bệnh dịch mới nổi và các bệnh có khả năng tái dịch là không thể lường trước được trong tương lai. Chỉ một sự chủ quan nhỏ trong công tác phòng dịch có thể hậu quả sẽ là tính mạng của người bệnh và cả những nhân viên y tế.

Sau khi Việt Nam tuyên bố khống chế dịch SARS thành công đầu tiên trên thế giới, bài học, kinh nghiệm quý báu từ quá trình chống dịch ở Việt Nam đã được chia sẻ và học hỏi bởi rất nhiều quốc gia trên thế giới. Mấu chốt của công tác phòng dịch ở Việt Nam đã được các chuyên gia nhất trí áp dụng là mở cửa phòng bệnh thông thoáng đề giảm nồng độ virus trong không khí, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh kể cả trong trường hợp có phơi nhiễm. Kinh nghiệm này vẫn đang được áp dụng cho công tác chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Như vậy các thống kê hiện tại thì con số mắc và tử vong trong dịch COVID-19 đã vượt qua con số của SARS 2003. Các bài học trong chiến đấu với dịch SARS 2003 vẫn đang được áp dụng trong phòng chống dịch COVID-19 nhưng chủ động hơn, quyết liệt hơn. Trong công cuộc phòng dịch truyền nhiễm thì ý thức phòng dịch của mỗi người dân là quan trọng. Vì vậy chủ động cập nhật thông tin và áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết tham khảo nguồn: Cdc.gov, Who.int

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

101K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan