Chụp x quang chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm với hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Co thắt tâm vị là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng co của cơ thắt thực quản dưới khi nuốt khiến thức ăn không xuống được dạ dày. Triệu chứng lâm sàng của bệnh co thắt tâm vị khá đa dạng nhưng không đặc hiệu. X quang chẩn đoán co thắt tâm vị là phương tiện khảo sát hình ảnh được sử dụng phổ biến.

1. Bệnh co thắt tâm vị là gì?

Co thắt tâm vị là bệnh lý thuộc nhóm rối loạn hoạt động co thắt của thực quản, cụ thể là sự co thắt quá mức của cơ thắt thực quản dưới. Thực quản của những người mắc bệnh co thắt tâm vị thực quản thường không có nhu động và giãn lớn, tạo nên hình ảnh mỏ chim trên phim chụp X quang thực quản.

Bệnh co thắt tâm vị thực quản không phải là một bệnh lý phổ biến trên lâm sàng. Người mắc bệnh thường là nhóm người trẻ, tập trung ở độ tuổi từ 30 đến 50 và không có sự khác biệt giữa hai giới.

Co thắt tâm vị thực quản không phải là một bệnh lý cấp tính đe dọa tính mạng nhưng diễn tiến âm thầm kéo dài và có thể đưa đến các biến chứng nặng nề. Người mắc bệnh co thắt tâm vị nếu không được phát hiện và điều trị có thể gặp phải các vấn đề sau:

  • Gầy mòn, suy kiệt do thức ăn không xuống được dạ dày để tiêu hóa và hấp thu
  • Viêm thực quản tái phát nhiều lần
  • Hẹp lòng thực quản
  • Ung thư thực quản
  • Biến chứng tại đường hô hấp do thức ăn trào ngược như viêm phổi tái phát nhiều lần, tắc nghẽn đường hô hấp, áp xe phổi.
Ung thư thực quản
Ung thư thực quản là biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh co thắt tâm vị

Đặc trưng của bệnh co thắt tâm vị là diễn tiến âm thầm trong thời gian dài. Bệnh không phải là tình trạng cấp cứu gây nguy hiểm và đòi hỏi điều trị ngay lập tức nhưng mang lại nhiều phiền toái và gây suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Giai đoạn đầu tiên của bệnh thường không biểu hiện dấu hiệu gợi ý nào. Các triệu chứng của bệnh co thắt tâm vị thường xuất hiện trên lâm sàng sau một thời gian, có thể là:

  • Nuốt nghẹn: bệnh nhân thường than phiền nhiều nhất về triệu chứng nuốt nghẹn với cả thức ăn lỏng và thức ăn đặc. Nuốt nghẹn trong co thắt tâm vị không xuất hiện tuần tự từ thức ăn đặc đến thức ăn lỏng như với bệnh lý ung thư thực quản mà xuất hiện đồng thời, ngẫu nhiên với cả các loại thức ăn lỏng và đặc. Triệu chứng nuốt khó cũng không xuất hiện liên tục trong suốt đời sống của người bệnh.
  • Đau ngực: đau ngực âm ỉ vùng phía sau xương ức tương ứng với đường đi của thực quản trong lồng ngực. Đau ngực tăng lên sau khi nuốt, do thức ăn ứ đọng lâu ngày ở thực quản
  • Trào ngược dạ dày thực quản, ợ hơi, ợ chua, hơi thở có mùi do thức ăn cũ tồn đọng trong thức quản
  • Sụt cân, suy kiêt: khi co thắt tâm vị tiến triển kéo dài nhưng không được phát hiện và điều trị, người bệnh dễ trở nên gầy gò và suy kiệt do thức ăn không xuống được dạ dày để được tiêu hóa và hấp thu.
  • Biểu hiện tại đường hô hấp: khi thức ăn trào ngược vào đường hô hấp, người bệnh có thể có các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa như ho, khó thở, đau ngực tăng lên, sốt cao trong bối cảnh viêm phổi hoặc áp xe phổi.

Các triệu chứng của bệnh co thắt tâm vị thực quản khá đa dạng nhưng không đặc trưng. Nhiều bệnh lý khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Vì thế, việc chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị chủ yếu dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng.

Ợ hơi ợ chua ợ cay trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản, ợ hơi, ợ chua, hơi thở có mùi là dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh lý co thắt tâm vị

3. Chẩn đoán co thắt tâm vị

Chẩn đoán co thắt tâm vị cần được thực hiện chính xác và nhanh chóng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng lâm sàng của co thắt tâm vị thường mang ý nghĩa gợi ý tình trạng bất thường tại đường tiêu hóa trên hơn là chẩn đoán bệnh do độ nhạy không cao. Có nhiều phương tiện cận lâm sàng giúp ích cho việc chẩn đoán co thắt tâm vị, trong đó chụp X quang thực quản được sử dụng phổ biến nhất. Chụp X quang chẩn đoán co thắt tâm vị được thực hiện cùng với việc sử dụng các thuốc cản quang. Trong các trường hợp điển hình, bệnh lý co thắt tâm vị biểu hiện trên phim chụp X quang bằng các hình ảnh:

  • Thực quản giãn lớn, cơ thắt thực quản dưới co tạo hình ảnh mỏ chim ở đoạn cuối thực quản.
  • Chuyển động co thắt thực quản ít xuất hiện
  • Thành trong thực quản thường trơn láng, có thể thấy hình ảnh ổ loét nếu xuất hiện biến chứng viêm thực quản
  • Không quan sát thấy bóng hơi dạ dày

Ngoài ra, chẩn đoán co thắt tâm vị còn được củng cố bằng các phương tiện sau:

  • Đo áp lực trong lòng thực quản bằng áp lực kế: đây là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác nhất bệnh co thắt tâm vị thực quản. Cơ thắt dưới thực quản không giãn nở ra khi bệnh nhân nuốt là dấu hiệu chắc chắn nhất. Áp lực trong lòng thực quản lúc nghỉ tăng cao và không quan sát thấy nhu động ở đoạn dưới thực quản cũng là đặc điểm giúp chẩn đoán bệnh.
  • Nội soi thực quản dạ dày tá tràng: đây là phương tiện đóng vai trò cho việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác ở thực quản gây ra các triệu chứng tương tự như nuốt khó, nuốt đau. Ung thư thực quản và viêm thực quản do trào ngược là các bệnh lý cần được ưu tiên loại trừ.

Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ không có nhiều vai trò trong chẩn đoán và theo dõi bệnh co thắt tâm vị thực quản.

4. Chuẩn bị gì khi thực hiện chụp Xquang chẩn đoán co thắt tâm vị thực quản?

Nhịn ăn
Người bệnh cần lưu ý nhịn ăn và uống hoàn toàn trước khi thực hiện thủ thuật ít nhất 6 tiếng

Khi nghi ngờ bệnh lý co thắt tâm vị thực quản, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang thực quản để chẩn đoán bệnh. Đây là phương tiện chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X để khảo sát hình ảnh của thực quản, phát hiện các bất thường bên trong lòng ống hoặc các khu vực xung quanh.

  • Người bệnh trước khi thực hiện chụp X quang thực quản để chẩn đoán co thắt tâm vị thực quản cần lưu ý các điều sau:
  • Nhịn ăn và uống hoàn toàn trước khi thực hiện thủ thuật ít nhất 6 giờ. Người bệnh có thể uống ít nước lọc 2 giờ trước khi tiến hành chụp x quang.
  • Khai báo với nhân viên y tế về tiền sử dị ứng, đặc biệt dị ứng với thuốc cản quang.
  • Không mang theo trang sức vào phòng chụp
  • Thông báo ngay với bác sĩ điều trị nếu người bệnh có các triệu chứng bất thường nghi ngờ thủng thực quản, thủng ruột, tắc ruột, táo bón nặng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

800 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan