Chữa bệnh thuỷ đậu bằng cách nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh thủy đậu (dân gian còn gọi là bệnh trái rạ) đã từng bị nhầm lẫn với bệnh đậu mùa cho đến tận thế kỷ 19. Thủy đậu xảy ra với mọi lứa tuổi song bệnh rất phổ biến ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh lý này hoàn toàn có thể chữa được, vậy cách chữa bệnh thuỷ đậu như thế nào cho nhanh khỏi?

1. Tác nhân gây bệnh thủy đậu là gì?

Để chữa bệnh thuỷ đậu hiệu quả nhất, chúng ta cần nắm được nguyên nhân gây bệnh là do đâu. Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra với biểu hiện phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch, gây ngứa ngáy nhiều cho bệnh nhân. Thủy đậu rất dễ lây lan, đặc biệt ở những người chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng nhiễm virus thủy đậu varicella-zoster.

Bệnh thủy đậu được tìm ra từ thời cổ đại, tuy nhiên thời bấy giờ người ta cho rằng đây là một dạng của bệnh đậu mùa mức độ nhẹ. Mãi đến năm 1765, các nhà khoa học đã đặt tên bệnh thủy đậu là Varicella và chứng minh bệnh đậu mùa khác với bệnh thủy đậu với những bệnh cảnh lâm sàng riêng biệt. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây trực tiếp qua đường hô hấp như ho khan, hắt hơi hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với nước miếng, dịch tiết, chất dịch chảy ra từ mụn nước. Virus có thể lây cho những người xung quanh chỉ trong 1 – 2 ngày trước khi người bệnh xuất hiện các nốt mụn nước và chỉ ngừng lây khi tất cả các mụn nước đã đóng vảy. Trên thực tế hầu hết các nguyên nhân gây bệnh thủy đậu là do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

2. Ai có thể mắc bệnh thủy đậu?

Bệnh thủy đậu xảy ra phổ biến với trẻ em ở độ tuổi dưới 10, tuy nhiên điều này không có nghĩa là người lớn không mắc bệnh. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh thuỷ đậu nhưng ở người lớn (trên 20 tuổi) thì tỷ lệ mắc thủy đậu sẽ ít hơn.

Những người đã từng mắc bệnh thủy đậu sẽ có miễn dịch bền vững suốt đời với bệnh. Tuy nhiên điều này không tuyệt đối 100%, vẫn có khoảng 1% người đã mắc thủy đậu bị tái nhiễm và bị thủy đậu nhiều hơn một lần trong đời, những trường hợp này rất hiếm gặp.

Với những người đã tiêm vắc xin thủy đậu vẫn có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên bệnh nhân sẽ có các triệu chứng nhẹ hơn, ít mụn nước hơn hoặc không gây sốt.

3. Cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất

Để chữa bệnh thủy đậu, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu sau tiếp xúc người bệnh thủy đậu có các mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn, sốt nhẹ, chảy mũi, đau họng, nổi mẩn ngứa màu đỏ trên da. Khi bệnh chuyển nặng với các nốt phát ban lan sang 1 hoặc cả 2 mắt, nốt phát ban rất đỏ, ấm hoặc mềm có thể do nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn. Hoặc phát ban kèm chóng mặt, mất phương hướng, tim nhanh, khó thở, run, cơ mất phối hợp, nôn mửa nhiều, cứng cổ hoặc thân nhiệt trên 38,9 độ C.

3.1. Chữa bệnh thủy đậu bằng thuốc

Trong những cách chữa bệnh thủy đậu hiện nay, bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng, bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc đặc trị để người bệnh mau hồi phục.

Chữa bệnh thủy đậu bằng thuốc kháng virus, các loại thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, vitamin... Các loại thuốc kháng virus chữa bệnh thủy đậu như Valacyclovir, Famciclovir hoặc Acyclovir được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh từ trung bình đến nặng:

  • Liều dùng của thuốc chữa bệnh thủy đậu Famciclovir: Liều 500mg sử dụng 3 lần/ngày hoặc có thể sử dụng thuốc Valacyclovir với liều 1g, 3 lần/ngày cho bệnh nhân là người lớn;
  • Hoạt chất Acyclovir là một lựa chọn thứ yếu hơn trong chữa bệnh thủy đậu vì sinh khả dụng của thuốc khi dùng qua đường uống thấp, nhưng thuốc vẫn có thể được chỉ định sử dụng với liều 20mg/kg, sử dụng với 4 lần/ngày và có thể sử dụng trong 5 ngày cho trẻ em từ 2 tuổi và cân nặng ≤ 40kg;
  • Đối với trẻ em nặng trên 40kg dùng Acyclovir với liều 800mg, dùng 4 lần mỗi ngày và kéo dài trong 5 ngày;
  • Trẻ vị thành niên và người lớn có thể uống thuốc Acyclovir với liều 800mg 5 lần/ngày trong giai đoạn mắc bệnh thủy đậu;
  • Đối với trẻ em > 1 tuổi bị suy giảm miễn dịch nên dùng Acyclovir với liều 20mg/kg, dùng mỗi 8 giờ qua đường tiêm tĩnh mạch. Người lớn bị suy giảm miễn dịch cần điều trị với Acyclovir liều 10 - 12 mg/kg, dùng theo đường tĩnh mạch, tiêm thuốc mỗi 8 giờ;
  • Với bệnh nhân thủy đậu là thai phụ sẽ phải đối diện nguy cơ cao bị biến chứng thủy đậu, lúc này thai phụ có thể uống Acyclovir hoặc Valacyclovir. Acyclovir đường tiêm tĩnh mạch được khuyến cáo cho thai phụ mắc bệnh thủy đậu nghiêm trọng;

Bên cạnh các thuốc chống virus đặc hiệu, người bệnh thủy đậu có thể được chỉ định uống thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất paracetamol, thuốc an thần, thuốc chống co giật, thuốc kháng histamin để giảm ngứa... Nếu có dấu hiệu bị bội nhiễm sẽ được dùng thêm thuốc kháng sinh thích hợp. Lưu ý thuốc kháng khuẩn (kháng sinh các loại) không nên được sử dụng trừ khi các tổn thương da có dấu hiệu bị bị nhiễm trùng, chỉ trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn mới được điều trị bằng kháng sinh.

Có thể thấy cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em thường là điều trị triệu chứng, giảm đau, giảm ngứa, ngăn không cho trẻ gãi các nốt ban để tránh tình trạng nhiễm trùng. Có thể dùng gạc ướt để làm sạch vết thương, sử dụng thêm các loại thuốc kháng histamin toàn thân để giảm ngứa ngáy...

Khi điều trị bệnh thủy đậu tại nhà cho trẻ, phụ huynh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Có thể chấm dung dịch xanh methylen hoặc dung dịch thuốc tím 1/4000 vào các nốt loét cho trẻ Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường rất dễ dàng vượt qua, tuy nhiên vẫn cần đề phòng và phát hiện sớm biến chứng để nhập viện kịp thời.

3.2. Sử dụng gel bôi có chứa nano bạc, dịch chiết neem chữa bệnh thủy đậu nhanh khỏi, không để lại sẹo

Bố mẹ có thể sử dụng sản phẩm gel bôi có thành phần thảo dược tự nhiên nhằm tăng hiệu quả trong điều trị thủy đậu, đồng thời ngăn ngừa sẹo. Trong đó, gel bôi có thành phần nano bạc, dịch chiết neem, kẽm salicylate... được ứng dụng phổ biến hơn cả. Những hạt nano bạc có diện tích bề mặt tiếp xúc với tác nhân gây bệnh rất lớn, do đó giúp tiêu diệt ngay vi khuẩn, virus khi vừa tiếp xúc. Nano bạc thường được chỉ định điều trị trong nhiều trường hợp bệnh ngoài da, trong đó có thủy đậu.

Hiệu quả của nano bạc thấy rõ ở ngay lần bôi đầu tiên, người bệnh sẽ giảm đau rát. Sử dụng sản phẩm sau 1 - 2 ngày tổn thương, các bọng mụn nước do thủy đậu sẽ khô và se miệng lại. Đặc biệt, gel bôi có các thành phần này còn giúp kích thích tái tạo tế bào da mới, ngăn ngừa sẹo thủy đậu, an toàn với cả trẻ sơ sinh và bôi được cả trong miệng.

3.3. Chữa bệnh thủy đậu theo dân gian

Theo mẹo chữa bệnh thủy đậu dân gian, nên kiêng gió, kiêng tắm... Cách này lại có thể khiến bệnh tình trở nặng hơn. Việc điều trị thủy đậu sai cách gây sẹo lồi, sẹo lõm trên khắp cơ thể, đặc biệt là sẹo ở vùng mặt, gây ra nhiều mặc cảm, tự ti về sau. Bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào mùa nắng nóng, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi gây ứ đọng bã nhờn, bết dính khó chịu trên da, không tắm gội sẽ càng khiến nốt phỏng mụn nước có nguy cơ bị nhiễm trùng, bệnh lâu khỏi, triệu chứng ngứa ngáy lại càng dữ dội.

Không nên tắm lá cho người bệnh thủy đậu đặc biệt là trẻ nhỏ, do da của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Ngay cả lá bàng, lá chè xanh cũng có thể không an toàn, có thể khiến bệnh nặng hơn vì có chất tanin (chất chát) khiến da trẻ bị tổn thương.

Một trong những di chứng của bệnh thủy đậu là sẹo. Các nốt mụn nước thủy đậu thường tập trung nhiều ở các vùng mặt, chân, tay, lưng, ngực... gây rát, ngứa, sau khô lại, tạo vảy và bong ra, để lại nhiều vết thâm. Sử dụng thuốc bôi đúng cách sẽ giúp bệnh thủy đậu không để lại sẹo.

Nhiều người truyền miệng cách trị sẹo thủy đậu bằng nghệ tươi. Tuy nhiên chỉ nên dùng kem nghệ bôi lên vùng da non màu hồng nhạt sau khi nốt thủy đậu đã rụng vảy . Không sử dụng nghệ tươi, tinh bột nghệ vì nhựa nghệ có thể làm da non bị thâm. Sau khi da đã ổn khoảng 3-4 ngày thì có thể đắp nghệ tươi bình thường.

Thuốc xanh Methylen hay Methylene blue cũng là một loại thuốc bôi thuỷ đậu quen thuộc với tính sát khuẩn nhẹ, tránh sự lây lan của virus và giúp các vết mụn nước khô nhanh. Chú ý không bôi mỡ tetracyclin, penicillin hay thuốc đỏ.

Lưu ý một số loại thuốc bôi thủy đậu giúp ngừa sẹo chỉ dùng khi các nốt mụn khô, kích thích tăng sinh liên kết collagen dưới da, tăng đàn hồi và làm lành vết thương, không lưu lại sẹo.

Hy vọng bài viết đã đem đến cho các bạn những thông tin hữu ích về cách chữa bệnh thủy đậu, giúp bạn và người thân nhanh chóng vượt qua thời gian bị bệnh này.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan