Chỉ định sinh thiết thận ở bệnh nhân viêm thận lupus

Với bệnh lupus, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào các mô của chính cơ thể. Có tới 60% bệnh nhân lupus sẽ bị viêm thận lupus, xảy ra khi tự kháng thể lupus ảnh hưởng đến các cấu trúc bên trong thận có nhiệm vụ lọc chất thải.

1. Triệu chứng viêm thận Lupus

Viêm thận lupus (tên tiếng Anh là Lupus nephritis) là một biến chứng thường gặp ở những người bị lupus ban đỏ hệ thống hay gọi ngắn gọn hơn là bệnh lupus.

Bệnh Lupus là một bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch của chính người bệnh sản xuất các protein gọi là tự kháng thể và các tự kháng thể này tấn công các mô và cơ quan của người bệnh, trong đó có thận. Viêm thận lupus xảy ra khi tự kháng thể lupus ảnh hưởng đến các cấu trúc bên trong thận có nhiệm vụ lọc chất thải. Cơ chế này gây ra viêm thận và có thể dẫn đến có máu trong nước tiểu, protein trong nước tiểu, huyết áp cao, suy giảm chức năng thận hoặc thậm chí suy thận.

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm thận lupus bao gồm:

  • Người bệnh Lupus đi đái ra máu
  • Nước tiểu có bọt (do thừa protein trong nước tiểu)
  • Huyết áp cao
  • Sưng ở tay, mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Nồng độ creatinin trong máu tăng
Những người mắc bệnh thận thường sẽ có huyết áp cao do nhiều yếu tố
Huyết áp cao là triệu chứng của viêm thận lupus

2. Bệnh Lupus ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Viêm thận lupus là thuật ngữ được sử dụng khi lupus gây viêm ở thận, khiến nephron (các cấu trúc bên trong thận có chức năng lọc máu) không thể loại bỏ chất thải ra khỏi máu của người bệnh hoặc không kiểm soát lượng chất lỏng trong cơ thể.

Nếu không được điều trị, lượng chất thải bất thường có thể tích tụ trong máu trong viêm thận Lupus có thể dẫn đến sẹo và tổn thương vĩnh viễn cho thận và có thể dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD). Những người bị ESRD cần lọc máu thường xuyên để đào thải chất thải cơ thể bằng máy hoặc ghép thận để ít nhất một quả thận hoạt động bình thường.

Viêm thận lupus thường xuất hiện trong vòng năm năm đầu tiên sau khi các triệu chứng của bệnh lupus bắt đầu. Bệnh này thường ảnh hưởng đến những người từ 20 đến 40 tuổi. Trong giai đoạn đầu của viêm thận lupus, có rất ít dấu hiệu để người bệnh phát hiện viêm thận. Thông thường các triệu chứng đầu tiên của viêm thận lupus là tăng cân và phù ở bàn chân, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay và/hoặc mí mắt. Sưng này thường trở nên năng hơn trong suốt cả ngày. Ngoài ra, nước tiểu có thể có bọt hoặc nổi bọt hoặc có màu đỏ. Tuy nhiên, nếu người bệnh đi khám định kỳ thì những dấu hiệu đầu tiên của viêm thận lupus thường xuất hiện trong các xét nghiệm nước tiểu.

Các chuyên gia ước tính rằng, có tới 60% những người bị lupus và có đến 2/3 số trẻ mắc lupus sẽ bị viêm thận lupus và có các biến chứng trên thận cần được đánh giá và điều trị. Có tới 25% những người mắc lupus sẽ bị bệnh thận giai đoạn cuối hoặc suy thận.

Xét nghiệm nước tiểu đóng vai rất quan trọng do có rất ít triệu chứng của bệnh thận để phát hiện sớm. Tổn thương nặng trên thận có thể xảy ra trước khi người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh lupus.

Các xét nghiệm thường được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán viêm thận lupus là: Xét nghiệm nước tiểu, thường trong khoảng thời gian 24 giờ; xét nghiệm máu; và sinh thiết thận.

nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu được bác sĩ chỉ định trong chẩn đoán viêm thận lupus

3. Chỉ định sinh thiết thận ở người bệnh viêm thận lupus

Sinh thiết thận được thực hiện trong bệnh viện, người bệnh sẽ nằm sấp, bác sĩ sẽ đâm vào thận một cây kim rất mỏng và dài đi qua da lưng, lấy một mảnh mô nhỏ ra khỏi một trong hai quả thận của người bệnh. Sau đó, các mô thận sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định mức độ viêm hoặc sẹo.

Theo các chuyên gia, sinh thiết thận là kỹ thuật tốt để chẩn đoán sớm bệnh viêm thận ở người bệnh Lupus. Bên cạnh đó, sinh thiết thận cũng được sử dụng để theo dõi và đánh giá kết quả của quá trình điều trị.

Hiện nay, có năm loại viêm thận lupus khác nhau nên việc điều trị loại viêm thận lupus cần được xác định bằng sinh thiết. Do các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau nên bác sĩ cần xây dựng phác đồ riêng để đáp ứng tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người bệnh.

4. Điều trị viêm thận lupus


Hiện nay, không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn viêm thận lupus. Các phương pháp điều trị nhằm mục đích:

  • Giảm triệu chứng hoặc làm cho các triệu chứng biến mất
  • Giữ cho bệnh không nặng hơn
  • Duy trì giai đoạn thuyên giảm
  • Tránh phải lọc máu hoặc ghép thận

4.1 Phương pháp điều trị bảo tồn

Nhìn chung, các bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị cho những người bị bệnh thận lupus như:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Hạn chế lượng protein và muối trong chế độ ăn uống có thể cải thiện chức năng thận.
Hạn chế ăn muối
Người bệnh cần hạn chế sử dụng muối trong chế độ ăn hằng ngày

  • Thuốc huyết áp: Các loại thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) có thể giúp kiểm soát huyết áp. Những loại thuốc này cũng ngăn chặn protein rò rỉ từ thận vào nước tiểu. Thuốc lợi tiểu có thể giúp người bệnh loại bỏ chất lỏng dư thừa.

Tuy nhiên, điều trị bảo tồn một mình thì sẽ không hiệu quả đối với viêm thận lupus. Do đó, người bệnh cần thực hiện thêm các biện pháp điều trị kết hợp.

4.2 Thuốc ức chế miễn dịch

Đối với người bệnh viêm thận lupus nặng, người bệnh được chỉ định dùng thuốc làm chậm hoặc ngăn hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh, chẳng hạn như:

  • Steroid, như prednison
  • Cyclosporine
  • Tacrolimus
  • Cyclophosphamide
  • Azathioprine (Imuran)
  • Mycophenolate (CellCept)
  • Rituximab (Rituxan)

4.3 Điều trị suy thận

Đối với những người tiến triển thành suy thận, các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Lọc máu: Lọc máu giúp loại bỏ chất lỏng và chất thải ra khỏi cơ thể, duy trì sự cân bằng các chất điện giải trong máu và kiểm soát huyết áp bằng cách lọc máu thông qua máy chạy thận nhân tạo.
  • Ghép thận: Người bệnh được ghép thận mới từ người hiến tặng nếu thận của người bệnh không thể hoạt động được nữa.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: webmd.com, lupus.org, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan