Chảy máu trong não nguy hiểm thế nào?

Chảy máu trong não là tình trạng chảy máu thành ổ từ một mạch máu trong nhu mô não. Nguyên nhân thường là do tăng huyết áp gây nên. Các triệu chứng điển hình thường khởi phát đột ngột đau đầu, buồn nôn, thiếu sót chức năng thần kinh khu trú và suy giảm ý thức. Phương pháp điều trị bao gồm kiểm soát tăng huyết áp, điều trị hỗ trợ và phẫu thuật lấy khối máu tụ.

1. Chảy máu trong não là gì?

Chảy máu trong não là tình trạng chảy máu thành ổ từ một mạch máu trong nhu mô não. Nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu trong não thường là do tăng huyết áp gây nên. Những triệu chứng điển hình khi chảy máu trong não bao gồm thường khởi phát đột ngột đau đầu, buồn nôn, thiếu sót chức năng thần kinh khu trú và suy giảm ý thức.

Máu từ một ổ chảy máu trong não sẽ tích tụ lại thành một khối và có thể lan ra xung quanh chèn ép vào các mô não lân cận, gây ra rối loạn chức năng thần kinh. Các khối máu tụ có kích thước lớn làm tăng áp lực nội sọ. Áp lực từ khối máu tụ trên lều và phù não kèm theo có thể gây ra thoát vị não xuyên lều, ép vào thân não và thường gây ra chảy máu thứ phát ở trung não và cầu não. Nếu khối máu tụ vỡ vào hệ thống não thất hay còn gọi là chảy máu não thất, máu có thể làm tràn dịch não cấp. Các khối máu tụ tại vị trí tiểu não có thể lan rộng và gây tắc não thất 4, cũng như dẫn tới tràn dịch não cấp hoặc máu có thể xuyên vào thân não. Các khối máu tụ có đường kính > 3cm ở tiểu não có thể làm chuyển dịch đường giữa hoặc thoát vị não.

Các tình trạng như chảy máu cầu não hoặc trung não, chảy máu trong não thất, thoát vị não, tràn dịch não cấp hoặc máu lóc tách vào thân não có thể gây nguy hiểm cho người bệnh và dẫn tới suy giảm ý thức, gây hôn mê và thậm chí là tử vong.

2. Nguyên nhân gây chảy máu trong não

Nguyên nhân chảy máu trong não là kết quả của sự xơ vữa động mạch dẫn tới một động mạch nhỏ bị vỡ, chủ yếu là do tăng huyết áp động mạch mạn tính. Chảy máu trong não như vậy thường lớn, một ổ và gây ra hậu quả nặng nề. Các yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong não do tăng huyết áp xơ vữa mạch bao gồm

  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Chế độ ăn nguy cơ cao: giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển dạng vào năng lượng
  • Sử dụng cocaine
  • Đôi khi các loại thuốc giống giao cảm khác có thể gây ra tăng huyết áp nặng thoáng qua và dẫn tới chảy máu não.

Những nguyên nhân gây chảy máu não ít gặp hơn như

  • Phình động mạch bẩm sinh
  • Dị dạng động tĩnh mạch hoặc dị dạng mạch máu khác
  • Phình động mạch hình nấm
  • Nhồi máu não
  • Khối u não nguyên phát hoặc di căn
  • Quá liều thuốc chống đông
  • Bất thường tế bào máu
  • Tách động mạch trong sọ
  • Bệnh moyamoya
  • Bệnh lý viêm mạch
  • Bệnh lý chảy máu.

chảy máu trong não
Hút thuốc lá là yếu tố có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong não

3. Chảy máu trong não nguy hiểm như thế nào?

Chảy máu trong não có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • Cơn đau đầu: điển hình khởi đầu với cơn đau đầu đột ngột, thường là trong khi hoạt động. Tuy nhiên, ở người cao tuổi đau đầu có thể nhẹ hoặc chóng mặt.
  • Mất ý thức: thường chỉ xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút.
  • Buồn nôn, nôn
  • Mê sảng
  • Cơn co giật cục bộ hoặc toàn bộ cũng thường xảy ra.

Thiếu sót chức năng thần kinh thường xảy ra đột ngột và tiến triển nặng dần. Nếu chảy máu não ở bán cầu có thể gây liệt nửa người. Nếu ở vị trí hố sau sẽ gây ra thiếu sót chức năng thần kinh của thân não hoặc tiểu não (ví dụ như hai mắt nhìn lệch về một hướng hoặc liệt vận nhãn, đồng tử co nhỏ, thở ngáy, hoặc hôn mê).

Ngoài ra, chảy máu trong não lớn có thể dẫn tới tử vong trong vòng vài ngày chiếm khoảng một nửa số bệnh nhân. Ở những bệnh nhân có thể vượt qua cơn chảy máu trong não, ý thức và các thiếu sót chức năng thần kinh dần hồi phục theo các mức độ khác nhau khi khối máu tụ được hấp thu từ từ. Một số bệnh nhân khác có tiến triển tốt hơn, chỉ có một vài thiếu sót chức năng thần kinh nhẹ vì chảy máu ít gây hủy hoại mô não hơn nhồi máu.

4. Chẩn đoán chảy máu trong não

Chẩn đoán chảy máu não trong não được gợi ý khi có triệu chứng khởi phát đột ngột như đau đầu, thiếu sót chức năng thần kinh khu trú và suy giảm ý thức, đặc biệt ở các bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ. Các phương pháp chẩn đoán chảy máu trong não đó là chụp CT hoặc MRI. Hình ảnh thần kinh thường có thể chẩn đoán được. Nếu trường hợp hình ảnh thần kinh không chỉ ra chảy máu nhưng vẫn nghi ngờ chảy máu dưới nhện trên lâm sàng thì phương pháp chọc dịch não tủy là cần thiết. Chụp mạch CT được tiến hành trong vòng vài giờ sau khi khởi phát chảy máu, có thể có hình ảnh của thuốc cản quang thoát mạch vào trong khối máu tụ hay còn gọi là dấu hiệu điểm chấm, dấu hiệu này chỉ ra rằng chảy máu não vẫn đang tiếp tục và gợi ý khối máu tụ sẽ lan rộng hơn, tiên lượng bệnh nhân thường xấu.

Chảy máu trong não cần được phân biệt với các bệnh như:

  • Đột quỵ thiếu máu não cục bộ
  • Chảy máu dưới nhện
  • Các nguyên nhân khác của thiếu sót thần kinh cấp tính ví dụ như: động kinh, hạ đường máu. Do vậy, cần phải tiến hành đo đường máu ngay tại giường.
chảy máu trong não
Đau đầu đột ngột là triệu chứng chảy máu trong não

5. Điều trị chảy máu trong não

Các phương pháp điều trị chảy máu trong não bao gồm kiểm soát tình trạng tăng huyết áp, điều trị hỗ trợ đối với một số bệnh nhân, và phẫu thuật lấy khối máu tụ. Phẫu thuật lấy khối máu tụ cần được tiến hành đối với các khối máu tụ não > 3cm.

Chống chỉ định sử dụng thuốc chống đông và thuốc chống tiểu cầu ở bệnh nhân chảy máu não. Nếu người bệnh đã từng sử dụng thuốc chống đông thì có thể chỉ định huyết tương tươi đông lạnh, phức hợp prothrombin cô đặc, vitamin K hoặc truyền tiểu cầu. Phương pháp lọc máu có thể loại bỏ được khoảng 60% dabigatran.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ và Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ năm 2015, tăng huyết áp có thể được giảm xuống mức an toàn với huyết áp tâm thu 140 mmHg ở những trường hợp có huyết áp tâm thu từ 150 mmHg đến 220 mmHg và nếu không có chống chỉ định giảm huyết áp cấp cứu. Nếu huyết áp tâm thu > 220mmHg, tăng huyết áp có thể phải được điều trị tích cực với truyền tĩnh mạch liên tục. Trong những trường hợp như vậy, huyết áp tâm thu phải được theo dõi liên tục và thường xuyên hơn. Nicardipine đường tĩnh mạch với liều khởi đầu 2,5 mg/giờ, liều được tăng thêm 2,5 mg/giờ mỗi 5 phút đến tối đa 15 mg/giờ khi cần thiết để giảm huyết áp tâm thu 10 đến 15%.

Khối máu tụ có bán kính > 1,5cm ở bán cầu tiểu não có thể gây ra chuyển dịch đường giữa hoặc thoát vị não, do vậy phẫu thuật lấy máu tụ thường là phương pháp để cứu sống bệnh nhân. Phẫu thuật lấy khối máu tụ lớn sớm ở thùy não cũng có thể giúp cứu sống người bệnh, nhưng thường có biến chứng chảy máu tái phát, đôi khi làm nặng thêm tình trạng thiếu sót chức năng thần kinh. Hiếm khi chỉ định phẫu thuật lấy khối máu tụ ở sâu bên trong não vì tỷ lệ tử vong do phẫu thuật là cao và để lại biến chứng thiếu sót chức năng thần kinh thường nặng. Thuốc chống co giật thường không được sử dụng trong phác đồ để dự phòng, chúng chỉ được sử dụng khi bệnh nhân có xuất hiện cơn động kinh.

Tóm lại, chảy máu trong não là tình trạng máu chảy thành ổ từ một mạch máu trong nhu mô não. Nguyên nhân thường là do tăng huyết áp gây nên. Các triệu chứng điển hình thường khởi phát đột ngột đau đầu, buồn nôn, thiết sót chức năng thần kinh khu trú và suy giảm ý thức. Chảy máu trong não có thể gây ra những tình trạng nguy hiểm và thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Do vậy, khi có những biểu hiện bất thường cần cho gọi cấp cứu để được nhận trợ giúp từ nhân viên y tế.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Thần Kinh. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan