Chất cản quang dùng trong CT scan khác với chụp X-quang thông thường như thế nào?

Bài được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Hùng - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chất cản quang sử dụng trong chụp CT Scan chủ yếu là thuốc cản quang tan trong nước và đường dùng cho bệnh nhân là đường nội mạch. Không như thuốc cản quang dùng trong X quang thường quy có thể dùng loại không tan trong nước, chủ yếu là dùng qua đường uống hoặc bơm thụt qua các hốc tự nhiên.

1. Chất cản quang là gì?

Thuốc cản quang chứa Iod có bản chất là polymer gắn Iod. Tác dụng của thuốc cản quang phụ thuộc vào lượng Iod được gắn vào polymer. Thuốc cản quang chứa Iod là loại thuốc cản quang có số lượng sử dụng nhiều nhất hiện nay (trên 50% theo số lượng thống kê tại Mỹ vào năm 2006). Thuốc cản quang chứa Iod được phân thành hai nhóm: thuốc cản quang chứa Iod tan trong dầu và thuốc cản quang chứa Iod tan trong nước.

Thuốc cản quang sử dụng trong chụp CT Scan chủ yếu là thuốc cản quang tan trong nước và đường dùng cho bệnh nhân là đường nội mạch (tiêm tĩnh mạch với tốc độ cao). Không như thuốc cản quang dùng trong X quang thường quy có thể dùng loại không tan trong nước, chủ yếu là dùng qua đường uống hoặc bơm thụt qua các hốc tự nhiên (uống trong chụp dạ dày - thực quản, bơm trong chụp khung đại tràng, chụp tìm đường rò (cản quang tan trong nước). Vì sử dụng trực tiếp qua đường nội mạch nên chúng ta cần hiểu rõ các thông tin sau đây ra chỉ định hoặc thực hiện các thăm khám chẩn đoán bằng CT Scan có dùng thuốc cản quang.

Tiêm thuốc
Thuốc cản quang sử dụng trong chụp CT Scan dùng tiêm tĩnh mạch với tốc độ cao

2. Chụp CT có cản quang là gì?

Chụp CT hay còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật dùng những tia X-quang quét lên một khu vực của cơ thể theo lát cắt ngang phối hợp với những xử lý bằng máy vi tính để được một hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều bộ phận cần chụp.

Chụp CT có thuốc cản quang áp dụng trong một số trường hợp, cần khảo sát tổn thương và mạch máu kỹ lưỡng hơn, chuyên viên y tế sẽ tiêm vào cơ thể một loại thuốc cản quang. Thuốc cản quang có chứa Iod sẽ làm cho những cấu trúc hoặc tổn thương bắt thuốc có màu trắng sáng trên hình chụp cắt lớp vi tính, điều này sẽ giúp phân biệt vùng bất thường với các cấu trúc khác xung quanh nó.

3. Chất cản quang dùng trong CT scan có những loại nào?

Các thế hệ thứ nhất là các chất cản quang ion và có độ thẩm thấu cao so với huyết tương (1400 đến 1800 mosmol/kg) Những loại này bây giờ không còn được sử dụng vì độc cho thận nhiều hơn những thế hệ sau này.

Hiện nay các loại cản quang đang sử dụng có độ thẩm thấu cao hơn so với huyết tương (500 đến 850 mosmol/kg) và không ion (ngoại trừ Hexabrix). Chỉ có Iso-osmolal (Iodixanol) là không ion và độ thẩm thấu thấp nhất (290 mosmol/kg).

Ultravist là loại không ion, độ thẩm thấu cao hơn so với huyết tương (607 – 774 mosmol/kg). Với Ultravist có thể đảm bảo được mục đích khảo sát khi chụp CT scan.

Ultravist thuốc cản quang
Thuốc cản quang Ultravist được sử dụng trong chụp CT scan

4. Những nguy cơ khi chụp CT Scan có thuốc cản quang

Khi tiêm thuốc cản quang chụp CT scan có thể có một số nguy cơ, đòi hỏi xử lý kịp thời nếu xảy ra trên bệnh nhân.

  • Phản vệ: Sau khi tiêm thuốc, trong vòng 1 giờ xuất hiện các triệu chứng bừng mặt, ngứa, mày đay cấp, phát ban, phù mạch, co thắt phế quản gây khó thở, thở rít, phù thanh quản, rút lõm lồng ngực, tụt huyết áp, sốc, mất ý thức. Phản vệ thường không liên quan đến liều và tốc độ tiêm thuốc. Nó có thể xuất hiện ngay cả khi chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ thuốc cản quang. Và biểu hiện ở nhiều mức độ.
  • Suy thận do thuốc cản quang: Là tình trạng xuất hiện suy thận cấp hoặc tăng mức độ suy thận sau dùng thuốc cản quang (đã loại trừ các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến chức năng thận): tăng thêm 25 % hoặc > 0,5 mg/dl (44,2 mmol/l) so với creatinin ban đầu. Thường xuất hiện trong vòng 24-48 giờ sau khi dùng thuốc cản quang, creatinin tăng cao nhất sau 5-7 ngày và hầu hết các trường hợp trở về bình thường sau 7-10 ngày.
  • Cơn cường giáp cấp: Là một tình trạng nặng trên những đối tượng đang bị bệnh lý tăng năng tuyến giáp. Vì vậy bệnh nhân cần thiết phải thông báo cho bác sĩ tiền sử bệnh, đặc biệt là bệnh lý tuyến giáp.
  • Các nguy cơ khác: Nguy hại cho thai nhi. Trên đối tượng là phụ nữ có thai cần cân nhắc kỹ, lựa chọn các biện pháp khác như siêu âm, chụp X quang thường có áo bảo vệ. Một số trường hợp có phản ứng giống dị ứng như ngứa nhẹ, tuy nhiên các phản ứng này nhanh chóng biến mất.
Mày đay tiếp xúc
Một số trường hợp có thể xuất hiện mày đay sau khi tiêm thuốc cản quang

5. Lưu ý sau khi thực hiện chụp CT có cản quang

Với các bệnh nhân thực hiện chụp CT có bổ sung thêm thuốc cản quang thì chưa ăn uống hay hoạt động bình thường trở lại ngay mà cần được theo dõi thêm trong khoảng 30 phút. Việc theo dõi này để đảm bảo rằng bạn không phải đối mặt với bất cứ vấn đề bất thường nào do sử dụng thuốc.

Trong vòng 24 giờ đồng hồ tiếp theo bạn sẽ được khuyến khích uống nhiều nước hơn bình thường để cơ thể đào thải hết thuốc ra ngoài theo đường bài tiết. Thuốc cản quang đúng là đã được cân nhắc để sử dụng với liều lượng hợp lý nhưng nếu nó không được bài tiết ra ngoài kịp thời thì rất có thể gan và thận của bạn sẽ bị quá tải, về lâu về dài gây suy giảm chức năng.

Đặc biệt nếu bạn có các dấu hiệu nôn ói nghiêm trọng hoặc bị mẩn ngứa, sốt cao kèm khó thở sau khi chụp CT cản quang thì cần liên lạc lại ngay với bác sĩ chuyên khoa hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tiến hành theo dõi và xử lý.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan