Chẩn đoán ung thư phổi: Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh có ý nghĩa như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Ths.Bs Nguyễn Viết Thụ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, nguyên là Thư ký Chẩn đoán hình ảnh Hà Nội, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Ung thư phổi là bệnh lý nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu bệnh được chẩn đoán và điều sớm thì tiên lượng rất tốt, giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay có nhiều các phương pháp chẩn đoán ung thư phổi như chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp PET/CT, sinh thiết, nội soi phế quản, siêu âm nội phế quản. Các lựa chọn điều trị phụ thuộc vào mức độ của bệnh, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, điều trị đích và liệu pháp toàn thân hoặc kết hợp các phương pháp.

1. Ung thư phổi và những điều cần biết

Ung thư phổi hình thành trong các mô của phổi, thường là trong các tế bào lót đường dẫn khí. Khoảng 85% các khối u ung thư phổi xảy ra ở những người đang hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác của ung thư phổi có thể bao gồm: Tuổi, tiếp xúc với khói thuốc, tiếp xúc với amiăng hoặc khí radon, yếu tố di truyền học.

Các triệu chứng điển hình của ung thư phổi phụ thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của khối ung thư nhưng nó cũng có thể có các dấu hiệu như hụt hơi, đau ngực, ho mãn tính, ho ra máu, đau vai mãn tính, khàn giọng, khó nuốt, giảm cân không giải thích được, mệt mỏi, đau xương bất thường. Trong hầu hết các trường hợp, ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng và nó chỉ có thể được phát hiện dựa trên các kết quả xét nghiệm hình ảnh. Nếu ung thư phổi di căn đến não, bệnh nhân có thể bị mờ mắt, co giật, đau đầu hoặc các triệu chứng của đột quỵ.

Có hai loại ung thư phổi chính với các biểu hiện vi thể khác nhau là Ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer - SCLC) thường được tìm thấy ở những người đang hoạt động hoặc hút thuốc lá trước đây. Mặc dù SCLC là một loại ung thư phổi ít phổ biến, nhưng độ ác tính cao và có nhiều khả năng di căn sang các vị trí khác trên cơ thể. Ung thư phổi không tế bào nhỏ (non-small cell lung cancer - NSCLC) có xu hướng phát triển chậm hơn và quá trình di căn ra ngoài phổi lâu hơn.

Ho ra máu
Ho ra máu là một triệu chứng dễ gặp ở bệnh nhân ung thư phổi

Đối với bệnh nhân ung thư phổi tại chỗ chưa có di căn có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ. Nếu bệnh nhân không phải là đối tượng để phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thì xạ trị là phương pháp được cân nhắc để áp dụng. Bệnh nhân ở giai đoạn rất sớm có thể được điều trị bằng liệu pháp xạ phẫu định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy - SBRT), đây là một phương pháp thay thế cho phẫu thuật ở những người già yếu hoặc những người từ chối phẫu thuật. Đối với bệnh nhân bị ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc di căn đến các bộ phận khác của cơ thể qua đường máu thì sẽ được xạ trị cùng với hóa trị và đôi khi phẫu thuật. Liệu pháp điều trị đích ung thư là một phương pháp sử dụng thuốc cho các đột biến gen, mục tiêu giúp ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của khối u. Thuốc có tác dụng tấn công vào các gen hay protein chuyên biệt.

2. Các biện pháp chẩn đoán bệnh ung thư phổi

Chẩn đoán ung thư phổi được bắt đầu bằng các bước tìm hiểu về tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng của bệnh và các xét nghiệm đánh giá. Ngay cả khi không có các triệu chứng bệnh, bệnh nhân cũng nên kiểm tra tầm soát ung thư phổi thường xuyên. Các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán ung thư phổi phổ biến là các xét nghiệm hình ảnh dưới đây:

  • Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (Low dose computed tomography - LDCT): Là sự kết hợp chụp CT với liều thấp tạo ra hình ảnh có chất lượng đủ để phát hiện nhiều bệnh phổi và phát hiện ra những bất thường khác. Lượng bức xạ ion hóa trong chụp cắt lớp vi tính liều thấp sẽ ít hơn tới 90% so với lượng bức xạ ion hóa trong kỹ thuật chụp CT ngực tiêu chuẩn.
  • Chụp X quang tim phổi: Với phương tiện đơn giản hơn CT, được sử dụng phổ biến để kiểm tra lồng ngực, tim và trung thất. Đây là xét nghiệm dùng tia X với liều bức xạ thấp, cũng là loại xét nghiệm hình ảnh đầu tiên được thực hiện khi bệnh nhân có các triệu chứng của hệ hô hấp. Trên phim chụp X quang tim phổi, bác sĩ có thể phát hiện được các u, nốt mờ, các đám mờ bất thường ở phổi, đánh giá bóng tim to, hay các tràn dịch màng phổi ... là kỹ thuật không xâm lấn cung cấp hình ảnh cơ bản của lồng ngực. Nếu nghi ngờ có u hay tổn thương chưa xác định được, người bệnh sẽ được khuyến cáo kết hợp với chụp CT lồng ngực.
  • Xét nghiệm tế bào đờm: Xét nghiệm chẩn đoán này được tiến hành bằng cách lấy mẫu đờm (chất nhầy ho ra) và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định xem có các tế bào bất thường hay không. Xét nghiệm tìm tế bào ung thư trong mẫu đờm có thể có tác dụng trong việc phát hiện sớm ung thư phổi. Nhưng đây là xét nghiệm cung cấp thông tin về tế bào ung thư trên tiêu bản nên nó cần phải được thực hiện với những tiêu chuẩn kỹ thuật tốt.
X-quang phổi bình thường
Chụp X-quang ngực cho phép chẩn đoán bệnh ung thư phổi

Để đánh giá mức độ ung phổi, các xét nghiệm hình ảnh khác có thể bao gồm:

  • CT ngực: với liều thông thường, hay độ phân giải cao có hoặc không tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch, có thể được thực hiện để xem các chi tiết nhỏ hơn bên trong phổi và phát hiện các khối u có thể khó thấy khi chụp X-quang quy ước. Nó cũng được sử dụng để đánh giá chi tiết hơn các yếu tố bất thường chưa được đánh giá đầy đủ trên chụp CT liều thấp. CT ngực là xét nghiệm hình ảnh chính để đánh giá ung thư phổi. Chụp CT vùng bụng và tiểu khung cũng có thể được thực hiện khi cần đánh giá các tổn thương thứ phát.
  • Chụp cắt lớp PET/CT: Đây là một xét nghiệm sử dụng cả máy PET kết hợp với máy CT và một lượng nhỏ dược chất phóng xạ (Fluorodeoxyglucose, FDG), giúp xác định chính xác vị trí, diện tổn thương của ung thư phổi, và hỗ trợ đánh giá kết quả sau khi điều trị. Chụp cắt lớp PET/CT còn có tác dụng trong việc phát hiện các tổn thương di căn vào xương, màng phổi, hạch và các tổn thương ở các bộ phận khác.
  • Nội soi phế quản: Đây là xét nghiệm được chỉ định cho hầu hết những trường hợp có khối u phổi. Tiến trình của nội soi phế quản là kiểm tra trực quan bên trong đường thở (khí quản và cây phế quản) bằng cách sử dụng một ống cứng hoặc ống mềm có đèn chiếu sáng đưa vào khí quản qua mũi.
  • Siêu âm nội phế quản: Là cách dùng một đầu dò nội soi phế quản, xác định sự xâm lấn của u và hướng dẫn sinh thiết, ngoài ra cũng đánh giá các hạch lân cận trong trường quan sát của đầu dò.
  • MRI sọ não: được thực hiện để đánh giá các khối u di căn đến não.
  • MRI ngực: MRI ngực thường không phổ biến trong ung thư phổi. Nhưng nó có thể cho chúng ta hình ảnh chi tiết của trung thất, thành ngực, màng phổi, tim và mạch máu. Do đó, bác sĩ có thể đánh giá các đặc điểm của khối u, bao gồm ung thư phổi hoặc các mô khác mà không được đánh giá đầy đủ bằng các phương thức hình ảnh khác (như là CT). MRI ngực cũng rất hữu hiệu cho những bệnh nhân chống chỉ định sử dụng các xét nghiệm hình ảnh tiêu chuẩn.
chup-ct-mri-trong-chan-doan-viem-ruot-thua-3
Chụp MRI cho phép chẩn đoán hình ảnh ung thư phổi chính xác hơn
  • Nếu các xét nghiệm có thể cho thấy bất thường là ung thư phổi, thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân được xét nghiệm sinh thiết. Sinh thiết phổi là cách lấy mô phổi để kiểm tra sự hiện diện của các tế bào bất thường. Sinh thiết được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Một số sinh thiết có thể lấy một lượng nhỏ mô u bằng kim thông qua nội soi hoặc sinh thiết xuyên thành ngực dưới sự dẫn đường của CT. Sau đó sẽ làm mô bệnh học đánh giá bản chất u.
  • Ung thư phổi là dạng u ác tính đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong. Do đặc tính không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng là ở giai đoạn đầu, nên chúng ta cần có hướng điều chỉnh thói quen về lối sống và kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh.
  • Bệnh ung thư vốn dĩ vẫn không chừa một ai, ước tính trên thế giới hàng năm có một tỷ lệ người tử vong do bệnh ung thư rất lớn. Thực tế, nếu bệnh ung thư có thể phát hiện ở giai đoạn sớm thì tiên lượng rất tốt, giảm nguy cơ tử vong. Vì thế, việc tầm soát ung thư là việc làm cần thiết, nhất là với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan