Chẩn đoán điện – ưu nhược điểm trong chẩn đoán các bệnh lý hệ thần kinh ngoại biên và cơ

Bài viết được viết bởi BS.Vũ Dũng Kiên, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chẩn đoán điện (thường được gọi với tên điện cơ, điện cơ đồ, điện sinh lý thần kinh-cơ) là phương pháp thăm dò chức năng dựa trên việc ghi lại hoạt động điện của các tế bào thần kinh ngoại biên và tế bào cơ, từ đó đánh giá được tính toàn vẹn chức năng hệ thần kinh ngoại biên và cơ.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên và cơ là nhóm bệnh thường gặp, gây ra các triệu chứng về cảm giác (đau, tê bì, dị cảm...) và vận động (yếu, liệt, teo cơ ...). Nhóm bệnh này có nhiều nguyên nhân (nhiễm độc, miễn dịch, thiếu vi chất, gen-di truyền ...), gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, giảm/mất sức lao động và gây tốn kém nguồn lực xã hội. Hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào việc chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Thăm khám lâm sàng là bước quan trọng trong chẩn đoán, để hỗ trợ các bác sỹ trong việc chẩn đoán, điều trị, theo dõi và tiên lượng bệnh, các phương pháp cận lâm sàng khảo sát về chức năng và cấu trúc hệ thần kinh ngoại biên và cơ đã được sử dụng.

Có nhiều phương pháp cận lâm sàng trong chẩn đoán bệnh lý thần kinh ngoại vi và cơ như: chẩn đoán hình ảnh (MRI, siêu âm ...), sinh thiết (cơ, thần kinh), sinh hóa máu, gen, chẩn đoán điện.... Mỗi phương pháp có mục đích và những ưu nhược điểm riêng.

Chẩn đoán điện là phương pháp duy nhất khảo sát hệ thần kinh ngoại biên và cơ về chức năng. Phương pháp này sử dụng các điện cực bề mặt hoặc điện cực dạng kim có tiết diện nhỏ để ghi lại các hoạt động điện của tế bào, do vậy phương pháp này có nhiều ưu điểm nổi trội so với các phương pháp khác.

Chẩn đoán điện
Chẩn đoán điện cho phép khảo sát hệ thần kinh ngoại biên

1. Ưu điểm

  • Dễ triển khai, dễ thực hiện, không cần chuẩn bị;
  • Thực hiện được nhiều lần, đánh giá được chức năng hệ thần kinh ngoại biên và cơ theo từng thời điểm, theo dõi được diễn biến qua thời gian;
  • Phát hiện nhanh, định khu chính xác các vị trí, thành phần tổn thương thông qua phát hiện các bất thường chức năng;
  • Phát hiện sớm tổn thương ngay cả khi chưa có tổn thương cấu trúc;
  • Cho kết quả nhanh chóng ngay sau khi thực hiện xong kỹ thuật;
  • Không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu;
  • Rất ít các nguy cơ, tai biến (chảy máu, nhiễm trùng...);
  • Chi phí hợp lý.
Chi phí cao
Ưu điểm của phương pháp chẩn đoán điện là chi phí hợp lý

2. Nhược điểm

  • Yêu cầu yếu tố kỹ thuật cao (nhiệt độ, độ ẩm, lòng faraday...) đảm bảo hệ thống máy hoạt động ổn định;
  • Sử dụng kích thích điện gây khó chịu cho bệnh nhân;
  • Bác sỹ, KTV phòng chẩn đoán điện được đào tạo bài bản và chương trình tái đào tạo liên tục, nắm vững kiến thức về giải phẫu, sinh lý và bệnh học, kỹ năng lâm sàng tốt.

3. Chỉ định

Bệnh nhân có các triệu chứng sau cần được gửi đến phòng chẩn đoán điện thăm khám với bác sỹ chuyên khoa và ghi chẩn đoán điện

  • Đau;
  • Tê bì;
  • Dị cảm;
  • Yếu cơ;
  • Liệt;
  • Teo cơ;
  • Sụp mi, nhìn đôi;
  • Nhìn mờ, giảm thính lực từng đợt tái phát hoặc liên tục mà không do bệnh lý tai, mắt.

Các triệu chứng có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ, sau một chấn thương, diễn tiến liên tục hay từng đợt tái phát

Bệnh teo cơ Duchenne
Bệnh nhân teo cơ được chỉ định chẩn đoán điện

4. Chống chỉ định

Phương pháp chẩn đoán điện rất ít chống chỉ định, các chống chỉ định mang tính chất tương đối:

  • Bệnh nhân không hợp tác (tâm thần, kích động, không có ý định thăm khám);
  • Bệnh nhân còn tồn tại các tổn thương da và mô mềm tại vị trí cần thăm khám (bỏng, tổn thương nhiễm trùng-sưng nề, tổn thương phần mềm có chảy máu-dịch);
  • Chống chỉ định tương đối: bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu, đang sử dụng liệu pháp chống đông, bệnh nhân đang thực hiện bó bột-băng kín tại chi thể cẩn thăm khám. Những trường hợp này, bác sỹ chẩn đoán điện sẽ cân nhắc tình trạng hiện tại của từng bệnh nhân để quyết định kỹ thuật được áp dụng;
  • Thiết bị điện tử như máy tạo nhịp ít bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật;

Với khả năng thăm dò nhanh chóng, cho kết quả chính xác, dễ triển khai, giá cả hợp lý và là phương pháp duy nhất khảo sát chức năng hệ thần kinh ngoại biên và cơ, chẩn đoán điện là phương pháp cận lâm sàng đầu tay mà các bác sỹ lâm sàng nghĩ đến, khi muốn xác định các bất thường, tổn thương hệ thần kinh ngoại biên và cơ. Kết quả chẩn đoán điện đang dần trở thành tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ở nhiều bệnh lý thần kinh ngoại biên và cơ.

Rối loạn đông máu
Chẩn đoán điện chống chỉ định tương đối đối với bệnh nhân rối loạn đông máu

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt nhất trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan