Cập nhật thông tin về rửa tay ngoại khoa

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Thị Thanh Thủy - Bác sĩ Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) là loại nhiễm khuẩn thường gặp nhất trong các loại nhiễm khuẩn sau phẫu thuật. Một trong biện pháp phòng ngừa NKVM là vệ sinh tay ngoại khoa. Vi khuẩn trên bàn tay phẫu thuật viên có thể xâm nhập vào vết mổ nếu găng tay vô tình bị thủng mà không phẫu thuật viên không chú ý.

1. Mục đích của rửa tay ngoại khoa

Vệ sinh tay ngoại khoa có thể làm giảm số lượng vi khuẩn trên bàn tay của nhân viên tham gia phẫu thuật. Hóa chất vệ sinh tay ngoại khoa phải hạn chế sự lan truyền và làm giảm đáng kể các vi khuẩn định cư trên tay từ khi bắt đầu cuộc mổ và duy trì việc giải phóng vi khuẩn từ bàn tay ở dưới mức cơ bản cho đến khi kết thúc phẫu thuật.

Có 2 phương pháp vệ sinh tay ngoại khoa gồm:

  • Rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn
  • Chà tay bằng dung dịch chứa cồn
bàn tay
Vi khuẩn trên tay phẫu thuật viên có thể xâm nhập và làm nhiễm trùng vết mổ của bệnh nhân

2. Phương pháp rửa tay ngoại khoa bằng xà phòng khử khuẩn

Rửa tay ngoại khoa bằng xà phòng khử khuẩn và nước được coi là phương pháp rửa tay truyền thống. Trong thế kỷ 19, phẫu thuật viên rửa tay trước phẫu thuật bằng xà phòng khử khuẩn, nước ấm và việc sử dụng bàn chải để cọ tay.

Nửa đầu thế kỷ 20, các phẫu thuật viên sau khi rửa tay ngoại khoa bằng xà phòng khử khuẩn và nước, được khuyến cáo nhúng tay vào dung dịch khử khuẩn như dung dịch iod. Trong nhiều năm, các phẫu thuật viên rửa tay ngoại khoa 10 phút thường dẫn đến tổn thương da. Vào các năm cuối thế kỷ 20, nghiên cứu của O’Farrell và cộng sự so sánh số lượng vi sinh vật trên bàn tay sau khi rửa bằng xà phòng chlohexidine 4% sau 10 phút và 5 phút cho thấy: Tại thời điểm ngay sau rửa tay 10 phút thì số lượng vi sinh vật trên bàn tay giảm hơn so với rửa tay 5 phút. Sau phẫu thuật, số lượng vi sinh vật trên tay các phẫu thuật viên rửa 5 phút tăng nhẹ so với các phẫu thuật viên thực hiện 10 phút nhưng không có ý nghĩa thống kê. Vì vậy nghiên cứu khuyến nghị chỉ cần rửa tay ngoại khoa 5 phút đối với các phẫu thuật tạo hình khớp háng.

Trong các nghiên cứu khác, rửa tay 2-3 phút cũng giảm được số lượng vi khuẩn ở mức chấp nhận. Nghiên cứu của O’Shaughnessy và các đồng nghiệp đã sử dụng 4% chlorhexidine gluconate để rửa tay ngoại khoa trong 2, 4 và 6 phút. Kết quả cho thấy rửa tay ngoại khoa nhiều hơn 2 phút cũng không hiệu quả hơn. Nghiên cứu này khuyến nghị các phẫu thuật viên rửa tay ngoại khoa 4 phút đối phẫu thuật đầu tiên và 2 phút đối các phẫu thuật tiếp theo.

Hầu hết các nghiên cứu đều không khuyến khích sử dụng bàn chải để đánh tay ngoại khoa. Những năm 1980, Mitchell và cộng sự gợi ý hạn chế sử dụng bàn chải. Đánh tay bằng miếng bọt biển hoặc bàn chải-bọt biển có hiệu quả tương tự như sử dụng bàn chải. Gần đây, nghiên cứu ngẫu nhiên, có kiểm định lâm sàng cũng không chỉ ra hiệu quả kháng khuẩn của bàn chải. Có thể hiểu rằng bàn chải có thể hiệu quả đối các vết bẩn trên kẽ móng tay.

Rửa tay ngoại khoa
Hướng dẫn các bước rửa tay ngoại khoa bằng xà phòng khử khuẩn

3. Phương pháp vệ sinh tay ngoại khoa bằng dung dịch chứa cồn

Hiệu quả kháng khuẩn của các công thức chứa cồn hiệu quả tốt hơn so với các sản phẩm rửa tay ngoại khoa hiện tại. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng công thức chứa cồn 60-95% hoặc với nồng độ 50–95% khi kết hợp với các hóa chất khử khuẩn khác như QAC, hexachlorophene hoặc chlorhexidine gluconate, làm giảm số lượng vi khuẩn trên da ngay sau khi vệ sinh tay tốt hơn các hóa chất khác.

Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo không cần thiết rửa tay bằng nước trước khi chà tay bằng dung dịch chứa cồn trừ khi bàn tay có vết bẩn nhìn thấy. Các phẫu thuật viên nên rửa tay sạch bằng xà phòng trung tính trước khi vào khu vực phòng mổ là đủ. Rửa tay bằng nước có thể hạn chế nguy cơ ô nhiễm bào tử vi khuẩn, chứ không hỗ trợ làm giảm số lượng vi khuẩn trên bàn tay. Thao tác chà tay bằng dung dịch chứa cồn thậm chí có thể bị ảnh hưởng nếu tay không khô hoàn toàn trước khi chà cồn hoặc bị ảnh hưởng bởi chính giai đoạn rửa tay bằng nước.

Vì vậy, đối với các phẫu thuật liên tiếp, nhân viên y tế chỉ cần lặp lại các bước chà tay khử khuẩn mà không cần rửa tay bằng nước trước khi chuyển sang cuộc mổ tiếp theo. Kỹ thuật chà tay ngoại khoa khá đơn giản, bàn tay luôn được chà tay cuối cùng để đảm bảo bàn tay được sạch nhất.

>>> Dung dịch rửa tay sát khuẩn: Sau mấy phút thì an toàn?

Vệ sinh tay ngoại khoa bằng dung dịch chứa cồn được yêu cầu 3 phút theo phương pháp tham chiếu trong tiêu chuẩn EN 12791 của Châu Âu. Theo kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy thậm chí chà tay ngoại khoa 90 giây có hiệu quả tương đương như chà tay 3 phút với dung dịch hỗn hợp cồn iso- and n-propanol and mecetronium etilsulfate.

Dung dịch chứa cồn dạng gel không nên sử dụng cho vệ sinh tay ngoại khoa trừ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn EN 12791 về vệ sinh tay ngoại khoa của Châu Âu hoặc các tiêu chuẩn tương đương, ví dụ FDA TFM 1994 của Hoa Kỳ.

Dung dịch rửa tay sát khuẩn: Sau mấy phút thì an toàn?
Các dung dịch chứa cồn mang lại hiệu quả khử khuẩn cao hơn nhiều lần sản phẩm rửa tay thông thường

Nhiều loại gel có sẵn trên thị trường hiện tại dành cho vệ sinh tay không đạt tiêu chuẩn EN 1500 về vệ sinh tay thường quy của Châu Âu. Một số hóa chất khuyến cáo 3 phút chà tay ngoại khoa, một vài loại khác thì đề nghị thời gian chà tay ngoại khoa ngắn hơn, 1 phút hoặc 1,5 phút. Vì vậy, thời gian vệ sinh tay ngoại khoa bằng dung dịch chứa cồn dựa trên khuyến cáo của nhà sản xuất. Khuyến cáo của nhà sản xuất ít nhất nên dựa trên bằng chứng trong phòng thí nghiệm.

Tóm lại, cả hai phương pháp vệ sinh tay ngoại khoa đều phù hợp trong phòng ngừa NKVM. Tuy nhiên, hiệu quả kháng khuẩn của các chế phẩm chứa cồn vượt xa bất kỳ loại xà phòng khử khuẩn hiện nay. Thêm vào nữa, sự giảm nhanh chóng số lượng vi sinh vật ngay sau rửa tay và hiệu quả ức chế vi khuẩn tái phát triển ở mức chấp nhận sau khi vệ sinh tay 6 giờ khiến phương pháp vệ sinh tay ngoại khoa bằng dung dịch chứa cồn đang được ưu tiên lựa chọn tại nhiều cơ sở y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Y tế, 2012, Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ, ban hành kèm theo quyết định số 3671/QĐ-BYT.
  2. WHO, 2009, Guidelines on Hand Hygiene in Health Care
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan