Cảnh giác nguy cơ tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Những bệnh nhân suy thận ở giai đoạn cuối, mức lọc cầu thận thấp để loại bỏ các sản phẩm dư thừa của cơ thể và lượng nước thừa cần tiến hành lọc máu. Tuy nhiên trong quá trình lọc máu có thể xảy ra một số biến chứng, trong đó tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo là biến chứng hay gặp.

1. Phương pháp chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp lọc máu ngoài cơ thể để lấy đi khỏi cơ thể những sản phẩm cặn bã và lượng nước dư thừa. Nhờ phương pháp lọc máu bằng thận nhân tạo nên giúp bệnh nhân bị bệnh suy thận ở giai đoạn cuối được cải thiện và kéo dài tuổi thọ.

Các bệnh nhân mắc hội chứng suy thận đã gây nên rối loạn chức năng của não, có tăng kali máu mà biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, toan hóa máu không thể điều trị được bằng nội khoa, hệ số thanh thải creatinin dưới 10ml/phút/1,73m2 có chỉ định điều trị bằng chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên khi chạy thận nhân tạo thì có thể xảy ra những biến chứng như:

  • Tụt huyết áp: đây là một biến chứng thường gặp trong khi chạy thận nhân tạo. Chủ yếu liên quan tới tới việc giảm khối lượng tuần hoàn khi hút dịch để chạy thận nhân tạo.
  • Chuột rút: Chuột rút cũng thường gặp ở những tháng đầu chạy thận nhân tạo hơn vào những giai đoạn về sau.
  • Nôn và buồn nôn: Có thể xảy ra với tỷ lệ khoảng 10% trường hợp chạy thận nhân tạo thường quy và có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến chứng này. Nguyên nhân hầu hết do tụt huyết áp; ngoài ra, buồn nôn và nôn có thể là triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng.
  • Nhức đầu: Là một biến chứng thường gặp trong lúc chạy thận nhân tạo, tuy nhiên nguyên nhân chưa được biết rõ.
  • Đau ngực và đau lưng: Khi chạy thận nhân tạo có thể gây đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực, nhưng cần phải chẩn đoán phân biệt với những nguyên nhân gây đau ngực khác như tán huyết, thuyên tắc khí, viêm màng ngoài tim...có thể kèm dấu hiệu đau lưng kèm theo.
  • Ngứa: Biến chứng thường gặp ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân có thể xuất hiện ngứa khi chạy thận nhân tạo, hay tăng nặng tình trạng ngứa, cũng có trường hợp bị ngứa mạn tính khi bệnh nhân nằm lâu trên giường hoặc ngồi ghế khi chạy thận nhân tạo.
  • Các biến chứng ít gặp nhưng nghiêm trọng cần cảnh giác là hội chứng mất cân bằng nước và điện giải, phản ứng dị ứng, rối loạn nhịp tim, chèn ép tim, xuất huyết nội sọ, co giật, và thuyên tắc khí...
Đau thắt lưng
Người bệnh có thể xuất hiệu triệu chứng bất thường như đau lưng và ngực

2. Nguyên nhân thường gặp gây tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo như:

  • Tụt huyết áp do sự giảm quá mức hoặc nhanh chóng thể tích máu như: Tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận gần nhau, thời gian chạy thận ngắn, trọng lượng khô thấp hơn trọng lượng khô thực tế, do tính số ký rút không chính xác hoặc nhầm dẫn tới rút quá nhiều. Tụt huyết áp trong chạy thận bắt nguồn chủ yếu từ giảm thể tích máu do hút dịch mà đáp ứng bù trừ không đủ.
  • Tụt huyết áp do giãn mạch máu
  • Khi chạy thận nhân tạo nhiệt độ dịch lọc cần được duy trì, nếu nhiệt độ dịch lọc cao hơn mức lý tưởng làm cho mạch máu bị giãn, để tản bớt nhiệt độ. Từ đó gây ra hiện tượng tụt huyết áp.
  • Ăn khi chạy thận nhân tạo dẫn tới các mạch máu ở hệ tiêu hóa giãn ra, tăng lưu lượng máu về hệ tĩnh mạch của đường tiêu hóa, nên gây hạ huyết áp động mạch.
  • Sử dụng thuốc hạ áp: Bệnh nhân tăng huyết áp cần sử dụng thuốc hạ áp nhưng nên tránh uống thuốc huyết áp trước chạy thận nhằm hạn chế biến chứng tụt huyết áp khi chạy thận.
  • Tụt huyết áp liên quan đến yếu tố tim mạch: Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo.
  • Thiếu máu cục bộ cơ tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, chèn ép tim.
  • Chức năng tâm trương. Rối loạn chức năng tâm trương thường gặp ở bệnh nhân chạy thận do tăng huyết áp, bệnh mạch vành và hội chứng urê huyết.
  • Tụt huyết áp trong lúc chạy thận thường liên quan giảm cung lượng tim, người suy tim nhưng cơ chế bù trừ ở tim không làm tăng được cung lượng tim.
  • Những nguyên nhân hiếm gặp: Thuyên tắc khí, dị ứng màng lọc, tán huyết, nhiễm trùng huyết.

3. Cách phòng tránh tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo

Để hạn chế tình trạng tụt huyết áp chạy thận nhân tạo cần thực hiện một số biện pháp sau:

  • Trước khi chạy thận nhân tạo đầu tiên, bệnh nhân cần phải được chuẩn bị từ vài tuần. Các chỉ số cần chuẩn bị trước khi chạy thận nhân tạo như cân nặng, huyết áp, mạch và nhiệt độ cơ thể, bệnh nhân được tiếp cận mạch máu.
  • Dùng máy chạy thận có bộ phận kiểm soát siêu lọc. Hiện nay, hầu hết các máy chạy thận đều có thiết bị này.
Phòng điều trị dành cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Sử dụng máy chạy thận có bộ phận kiểm soát siêu lọc giúp phòng tránh tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo
  • Tránh hiện tượng tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận, bằng cách hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể (< 1 kg/ngày). Người ta nhận thấy việc hạn chế ăn muối có hiệu quả hơn nhiều trong việc giảm tăng cân giữa hai lần chạy thận bằng cách giảm uống nước
  • Tăng thời gian chạy thận là một cách hiệu quả làm giảm tốc độ rút dịch và nguy cơ tụt huyết áp trong chạy thận. Theo khuyến cáo thời gian mỗi lần chạy thận không nên giảm dưới 3 giờ (đối với chế độ ba lần/tuần) ở những bệnh nhân thiểu niệu hoặc vô niệu. Ở những bệnh nhân có hiện tượng tụt huyết áp trong các lần chạy thận trước nên kéo dài thời gian chạy thận thêm 30 phút.
  • Đánh giá nhiều lần và thật cẩn thận trọng lượng khô. Việc tính nhầm trọng lượng khô có thể sẽ gây tụt huyết áp trong lúc chạy thận, thường là tụt huyết áp sau chạy thận kèm theo chuột rút, choáng váng, khó chịu và mệt lả.
  • Những bệnh nhân bị tăng huyết áp nên dùng thuốc hạ áp hàng ngày sau khi chạy thận.
  • Dùng dịch lọc có nhiệt độ 35.5°C, có thể giảm hoặc tăng nếu cần và theo sự dung nạp của bệnh nhân.
  • Bảo đảm không quá thiếu máu khi chạy thận nhân tạo. Lượng hemoglobin trước chạy thận khoảng 11 g/dL.
  • Không ăn uống bất cứ thứ gì hoặc dùng glucose đường uống trong lúc chạy thận ở những bệnh nhân dễ tụt huyết áp.

Tụt huyết áp là một biến chứng hay gặp, đôi khi có thể nhận thấy qua các dấu hiệu lâm sàng. Tuy nhiên nếu không chú ý người bệnh có thể bị tụt huyết áp dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng, chính vì vậy cần theo dõi huyết áp trong suốt quá trình chạy thận nhân tạo.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm. Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan