Cảnh giác hôn mê do suy chức năng tuyến giáp

Suy giáp là bệnh lý phổ biến tuy nhiên, hôn mê do suy chức năng tuyến giáp là bệnh hiếm gặp. Đó là biến chứng nguy hiểm của suy giáp với tiên lượng tử vong cao.

1. Hôn mê do suy chức năng tuyến giáp là gì?

Hôn mê do suy chức năng tuyến giáp (Myxedema coma) là biến chứng nguy hiểm của bệnh lý suy giáp giai đoạn nặng, đây là biểu hiện của tình trạng mất bù trong suy giáp.

Hôn mê do suy giáp là bệnh khá hiếm gặp, thường thấy ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên đã mắc bệnh suy giáp. Bệnh thường tiến triển nặng với nguy cơ tử vong cao khoảng 50%.

2. Nguyên nhân gây hôn mê do suy giáp

Nguyên nhân gây suy giáp (chủ yếu là suy giáp tiên phát) là:

  • Mắc bệnh tự miễn
  • Sau khi điều trị phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp (một phần hoặc toàn phần)
  • Điều trị tuyến giáp bằng xạ trị iod
  • Điều trị tuyến giáp bằng lithium
  • Lạm dụng iod
Tăng liều thuốc ngủ
Lạm dụng thuốc ngủ cũng có thể khởi phát hôn mê ở những bệnh nhân suy giáp

Ngoài ra, các yếu tố sau cũng được xem là khởi phát hôn mê ở những bệnh nhân suy giáp:

  • Điều trị hormon thay thế không đủ hoặc ngừng điều trị
  • Cơ thể bị nhiễm lạnh, chấn thương, hạ đường máu
  • Lạm dụng một số loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc lợi tiểu, phenothiazin, thuốc làm dịu, ...
  • Phải gây mê và điều trị can thiệp phẫu thuật bệnh lý khác
  • Bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp, tổn thương đường ruột gây xuất huyết tiêu hóa.

3. Biểu hiện hôn mê do suy chức năng tuyến giáp

  • Biểu hiện của suy giáp: mặt phù, da thâm và khô, tóc rụng, bướu giáp lớn khi tuyến giáp teo, nếu đã điều trị tuyến giáp có thể thấy sẹo lồi sau phẫu thuật ở cổ, ...
  • Biểu hiện của hôn mê do suy giáp: Hạ thân nhiệt (thường < 35 độ C), nhưng không bị rét run, tay chân lạnh, tụt huyết áp, nhịp thở chậm hoặc nhanh, suy hô hấp khi nhịp thở yếu.
  • Biểu hiện thần kinh của hôn mê: từ nhẹ như dấu hiệu ngủ gà gật đến nặng là lơ mơ, hôn mê sâu và có thể co giật.
  • Biểu hiện khác: táo bón do liệt ruột, tắc ruột, giảm nhu động ruột, nhiễm trùng tiểu, bí tiểu.

4. Chẩn đoán hôn mê do suy chức năng tuyến giáp

Chẩn đoán hôn mê do suy chức năng tuyến giáp tương đối không gặp nhiều khó khăn khi đã xác định bệnh nhân bị suy giáp, đồng thời biểu hiện lâm sàng của bệnh rõ ràng. Tuy nhiên, cần chẩn đoán phân biệt với nguyên nhân gây hôn mê trên bệnh nhân suy giáp và hội chứng bệnh bình giáp.

Ngoài triệu chứng lâm sàng, các phương pháp sau được dùng để chẩn đoán xác định:

  • Xét nghiệm máu: TSH tăng, T4 và T3 giảm, nồng độ natri giảm, glucose giảm, các men Creatine-kinase, aspartate-aminotransferase, lactico-dehydrogenase tăng (không kèm bằng chứng hoại tử cơ tim), máu loãng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: ADH và độ thẩm thấu nước tiểu tăng.
  • Xét nghiệm khí máu: O2 giảm, CO2 tăng, pH giảm.
  • Huyết đồ: bạch cầu bình thường nhưng thiếu máu đẳng sắc hồng cầu bình thường.
  • Điện não đồ khi hôn mê do suy giáp: sóng alpha lác đác, không rộng và không đáp ứng với kích thích ánh sáng.
  • Xét nghiệm dịch não tủy: tăng protein làm tăng áp lực tăng trong dịch não tuỷ.
  • Điện tim: nhịp xoang chậm, điện thế thấp và lan rộng, có thể thấy hình ảnh thiếu máu cơ tim.
  • Chụp phim X-quang ngực: bóng tim lớn, do tràn dịch màng tim.
Cách lấy máu để làm xét nghiệm khí máu động mạch
Xét nghiệm máu là một trong các phương pháp để chẩn đoán hôn mê do suy chức năng tuyến giáp

5. Điều trị và tiên lượng hôn mê do suy chức năng tuyến giáp

5.1 Điều trị hôn mê do suy chức năng tuyến giáp

Bệnh nhân hôn mê do suy chức năng tuyến giáp cần nhanh chóng được điều trị tích cực khi gợi ý trong chẩn đoán mà không cần chờ đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Tuy nhiên, cần lưu ý việc dùng quá liều thuốc và ngộ độc nước.

Phác đồ điều trị hôn mê do suy giáp như sau:

  • Điều trị hạ thân nhiệt: Đắp chăn là biện pháp làm ấm cơ thể thụ động giúp tăng thân nhiệt. Lưu ý, làm tăng thân nhiệt chủ động có thể làm giãn mạch và choáng khi bệnh nhân đang có thể tích máu giảm. Nếu nhiệt độ trung ương giảm dưới 30 độ C, có thể phối hợp truyền máu toàn phần.
  • Điều trị thiếu oxy: Hỗ trợ hô hấp bằng đặt nội khí quản thở oxy, một số trường hợp cần được thở máy và kèm theo dõi khí máu. Trường hợp hôn mê do suy giáp có co giật cần lưu ý tránh ức chế hô hấp.
  • Điều trị tụt huyết áp, trợ tim mạch: Cần thận trọng trong sử dụng thuốc co mạch, chỉ truyền dịch phù hợp, truyền máu toàn phần khi choáng.
  • Điều trị tuyến giáp: Dùng hormon thay thế và Levothyroxin bằng tiêm tĩnh mạch và đường uống.
  • Điều trị hạ natri: Hạn chế nước.
  • Điều trị hạ đường huyết: Truyền tĩnh mạch glucose.
  • Điều trị co giật khi hôn mê do suy giáp: Cần thận trọng khi sử dụng barbituric và benzodiazepin vì làm ức chế hô hấp và cải thiện tri giác chậm.
  • Điều trị thiếu máu: Truyền hồng cầu khối.
  • Đề phòng suy thượng thận bằng corticoid tiêm tĩnh mạch, đề phòng suy tim sung huyết, tích cực tìm kiếm các yếu tố gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn để điều trị, tránh dùng thuốc quá liều...

Hôn mê do suy chức năng tuyến giáp là bệnh nặng có khả năng gây tử vong cao, vì vậy bệnh nhân suy giáp cần được chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị và theo dõi tình trạng suy giáp.

Đặt ống nội khí quản
Đặt nội khí quản thở oxy khi điều trị thiếu oxy

5.2 Tiên lượng hôn mê do suy chức năng tuyến giáp

Như đã đề cập ở trên, hôn mê do suy chức năng tuyến giáp là bệnh hiếm gặp nhưng tiến triển nặng, nguy cơ tử vong cao lên đến 50%. Nếu điều trị hiệu quả, sức khỏe người bệnh có thể nhanh chóng cải thiện trong vài giờ đến vài ngày. Yếu tố dẫn đến tử vong trên bệnh nhân hôn mê do suy giáp chủ yếu là do suy hô hấp.

Ngoài ra, các yếu tố sau đây làm tăng tiên lượng tử vong trên bệnh nhân hôn mê do suy giáp:

  • Bệnh nhân lớn tuổi, suy giáp nặng
  • Thân nhiệt giảm dưới 30 độ C, xử trí không làm tăng thân nhiệt.
  • Nhịp tim yếu, quá chậm.
  • Hỗ trợ hô hấp chậm hoặc ngừng.
  • Suy tuần hoàn nặng.
  • Lạm dụng thuốc lợi tiểu hoặc điều trị T3.

Bệnh nhân suy giáp cần sớm phát hiện bệnh, điều trị và theo dõi tình trạng tuyến giáp để đề phòng và cảnh giác hôn mê do suy chức năng tuyến giáp gây ra. Để đảm bảo kết quả điều trị thì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Nội tiết. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan