Cách xử trí tăng đường huyết

Tình trạng đường huyết tăng cao gây ảnh hưởng xấu đến những người đang mắc bệnh tiểu đường. Có nhiều yếu tố có thể làm gia tăng tình trạng tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường, bao gồm không kiểm soát quá trình ăn uống, hoạt động thể chất, bệnh mãn tính, thuốc,...Vậy khi bị tăng đường huyết cần xử trí như thế nào?

1. Thế nào là tăng đường huyết?

Tăng đường huyết là tình trạng chỉ số đường glucose trong máu tăng vượt ngưỡng mức bình thường, thể hiện ở những chỉ số dưới đây:

  • Đường huyết khi đói > 7.7 mmol/L (>140 mg/dL).
  • Đường huyết sau ăn 2 tiếng > 10 mmol/L (> 180 mg/dL).
  • Đường huyết báo động > 250- 300 mg/dL (>13 mmo/L).
  • Đường huyết quá cao > 600 mg/dL → HI (máy test đường huyết không đo được vì quá cao)

Triệu chứng khi tăng đường huyết thường có các dấu hiệu như:

  • Tăng đường huyết nhẹ: Biểu hiện triệu chứng không rõ ràng trên lâm sàng.
  • Tăng đường huyết > 250- 300 mg/dL: Người bệnh biểu hiện triệu chứng bao gồm mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, tiểu đêm, tê bì tay chân, mắt mờ...
  • Tăng đường huyết > 600 mg/dL: Khi đường huyết tăng cao kéo dài mà không được điều trị, các triệu chứng trên trở nên nặng hơn, có thể gặp tình trạng hôn mê nhiễm toan ceton ( thường gặp ở người trẻ), hoặc hôn mê tăng áp lực thẩm thấu ( thường gặp ở người già). Nếu không điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong cao (2-5% nhiễm ceton. 12%-24% tăng áp lực thẩm thấu).

2. Nguyên nhân gây đường huyết tăng cao là gì?

Thông thường gặp tình trạng tăng đường huyết trong những trường hợp sau:

  • Bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán và điều trị trước đó.
  • Bệnh nhân không tuân thủ thuốc đã được chỉ định.
  • Bệnh nhân không tuân thủ chế độ ăn phù hợp, ít vận động.
  • Bệnh nhân dùng các nhóm thuốc gây tăng đường huyết ( corticoid,...)
  • Người bệnh có các bệnh lý liên quan đến yếu tố stress bao gồm tình trạng nhiễm trùng, phẫu thuật, sang chấn,...

3. Những dấu hiệu và triệu chứng của đường huyết tăng cao

Khi tăng đường máu sớm thường không có biểu hiện triệu chứng, do đó người bệnh có thể bị chẩn đoán chậm nhiều năm và không được điều trị, từ đó gây ra tình trạng tăng đường huyết quá cao

Tăng đường máu đáng kể gây ra xuất hiện glucose ở nước tiểu, đi tiểu ra đường, và tình trạng lợi tiểu thẩm thấu khiến cho người bệnh tiểu thường xuyên, tiểu nhiều, và khát nhiều, có thể tiến triển tới tình trạng hạ huyết áp khi thay đổi tư thế và tình trạng mất nước. Khi tình trạng mất nước nặng gây ra yếu, mệt, và thay đổi trạng thái tâm thần người bệnh.

Triệu chứng của người bệnh có thể thay đổi khi nồng độ glucose trong máu người bệnh dao động.

4. Khi nào người bệnh tăng đường máu cao cần gặp bác sĩ?

Người bệnh có tình trạng tăng đường máu cao nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào dưới đây:

  • Người bệnh bị tiêu chảy hoặc nôn mửa liên tục dù vẫn có thể ăn và uống.
  • Người bệnh bị sốt kéo dài hơn 24h đồng hồ.
  • Kiểm tra đường trong máu có giá trị cao hơn 240 mg/dl (13 mmol/l) mặc dù đã dùng thuốc tiểu đường.
  • Người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết trong giới hạn cho phép.

Người bệnh cần được xử lý cấp cứu ngay nếu:

  • Người bệnh xuất hiện tình trạng bệnh hoặc có bệnh lý nền nghiêm trọng (tai biến mạch máu não, bệnh tim mạch, yếu chi, lờ đờ, dấu hiệu thần kinh khu trú, mất ý thức, không thể ăn bất kỳ thức ăn hoặc chất lỏng nào,...)
  • Kiểm tra lượng đường trong máu cao liên tục trên 240 mg/dl (13 mmol/l) và trong nước tiểu có mùi ceton.

5. Một số phương pháp xử trí tăng đường máu tại nhà

Khi người bệnh có tình trạng tăng đường máu quá cao, người bệnh nên liên hệ ngay bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Đồng thời có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để hỗ trợ làm giảm đường huyết:

  • Uống nhiều nước: Khi uống nhiều nước sẽ giúp pha loãng, làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên cách này cần thận trọng khi áp dụng với người có bệnh thận nặng hoặc suy tim nặng chưa được kiểm soát.
  • Tiêm thêm 1 - 2 đơn vị Insulin (so với liều thường dùng) để giảm nhanh đường huyết. Tuy nhiên phương pháp này chỉ thực hiện khi người bệnh đang được chỉ định tiêm insulin và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Vận động 15 - 20 phút: Khi người bệnh còn tỉnh táo có thể vận động tại chỗ hoặc một số bài tập nhẹ nhàng nhằm tăng nhu cầu sử dụng glucose của cơ thể ở cơ bắp, từ đó giảm đường máu. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không nên tập luyện khi cảm thấy choáng váng, chóng mặt, hoặc có biểu hiện sốt.

Lưu ý: Các biện pháp kể trên chỉ được thực hiện khi người bệnh có đường huyết cao do thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt mà không áp dụng trong trường hợp người bệnh quên không uống thuốc.

6. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa đường huyết tăng cao

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp người bệnh hạn chế tiến triển đến tình trạng đường huyết tăng cao.

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường và những bệnh lý khác kèm theo.
  • Người bệnh cần hạn chế căng thẳng, stress trong cuộc sống, duy trì lối sống tích cực.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong quá trình điều trị.
  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên và thăm khám sức khỏe định kỳ để người bệnh được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và khi thăm khám định kỳ thì bác sĩ có thể đưa ra được phương hướng điều trị phù hợp nếu người bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm bệnh đái tháo đường.
  • Tăng hoạt động thể lực giúp người bệnh cải thiện chỉ số đường huyết, kiểm soát được cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bệnh nhân nên chọn hình thức hoạt động thể lực phù hợp để có thể duy trì lâu dài. Đi bộ là hình thức vận động thuận tiện về thời gian và không tốn chi phí, người bệnh có thể đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc là 30 phút/ ngày), và nên tập đều đặn hàng ngày. Mỗi tuần nên tập kháng lực khoảng 2 - 3 lần ( nâng tạ, kéo dây thun) để tăng sức cơ.
  • Kiểm soát cân nặng: Những người béo phì, thừa cân cần phải giảm cân, mục tiêu là giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể trong thời gian từ 3 - 6 tháng. Do vậy mức năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng nên giảm dần, giảm khoảng 250 - 500 kcal/ngày (giảm từng giai đoạn chứ không nên giảm đột ngột).

Chế độ dinh dưỡng

  • Người bệnh cần phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cả về chất lượng và số lượng. Bổ sung đầy đủ chất đạm, bột, đường, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước với khối lượng hợp lý và đều đặn.
  • Nên được duy trì cân nặng ở mức lý tưởng hoặc giảm cân đến mức hợp lý.
  • Chất bột đường (Glucid): Trong bữa ăn, người bệnh nên sử dụng nhóm thực phẩm có chứa nhiều chất xơ như rau, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, khoai, bánh mì đen, hoa quả. Hạn chế sử dụng nhóm thực phẩm làm gia tăng đường huyết nhanh chóng như là: Khoai lang nướng, bánh mì, đường kính, bột dong, mật ong, hoa quả ngọt như mít, xoài, đu đủ,...
  • Chất béo (Lipid): Cần lựa chọn nhóm thực phẩm có ít chất béo bão hòa như: Cá, thịt nạc, lạc, vừng, đậu phụ,.... Tránh ăn thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa như: Nội tạng động vật, thịt mỡ, dầu cọ, dầu dừa, hoặc thực ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ. Không nên tái sử dụng lại dầu đã qua sử dụng ở nhiệt độ cao.
  • Chất đạm: Cần ăn hạn chế nhóm thực phẩm giàu Cholesterol như Phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, ...
  • Trái cây: Trái cây có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên không nên ăn quá 20% mức năng lượng hàng ngày, vì khi nạp quá mức sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới quá trình chuyển hóa chất béo, chất bột đường. Lựa chọn những trái cây có lượng đường thấp như: Ổi, lê, táo, cam. Hạn chế trái cây có lượng đường huyết cao như vải, nhãn, xoài,.....
  • Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối bao gồm: Cà muối, dưa muối, mì tôm, xúc xích,...
  • Kiểm soát dinh dưỡng: Người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn thành các bữa chính và bữa phụ, để tránh tăng đường huyết quá cao sau khi ăn. Cần đảm bảo có đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin trong thực đơn hàng ngày.

Hy vọng những thông tin trên đây giúp người đọc hiểu rõ hơn về tình trạng tăng đường huyết và cách xử lý khi gặp vấn đề này. Nếu người bệnh có biểu hiện hoặc kiểm tra thấy đường huyết tăng cao, tốt nhất nên liên hệ bác sĩ uy tín để được tư vấn điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan