Cách xử lý khi răng bị vỡ mẻ

Răng bị vỡ mẻ sẽ dẫn đến tình trạng đau nhức, ê buốt, đặc biệt là trong quá trình ăn uống. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến các bệnh lý về răng vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, mọi người cần phải tìm hiểu và biết được cách xử lý phù hợp khi răng bị mẻ.

1. Tìm hiểu về sứt mẻ răng

Cấu tạo của răng gồm có 3 lớp: men răng, ngà răng và tủy răng. Men răng là lớp ngoài cùng bao bọc răng. Men răng cứng, chắc chắn giúp bảo vệ các mô ở bên trong. Tuy nhiên, khi có tác động mạnh do va đập sẽ khiến cho men răng bị tổn thương, cấu trúc răng sẽ bị vỡ 1 phần. Khi đó gọi là sứt mẻ răng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sứt mẻ răng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do lực tác động mạnh vào răng như:

  • Chấn thương: hàm va chạm mạnh vào một vật cứng hoặc do có lực tác động từ bên ngoài vào khiến cho răng bị nứt, mẻ.
  • Nghiến răng: do những người có thói quen nghiến răng trong khi ngủ say khiến cho răng bị mài mòn, trở nên yếu hơn và dễ bị nứt, mẻ.
  • Cắn vật cứng: khi bạn cố nhai hoặc cắn thức ăn quá cứng hoặc dùng răng để cắn, cạy đồ vật quá cứng thì cũng sẽ gây ra tình trạng nứt, mẻ cho răng.
  • Bị mài mòn: khi ăn những loại thực phẩm có nhiều axit như cam, chanh, dưa chua, cà phê, dâu tây, rượu,... sẽ khiến cho răng bị mài mòn tự nhiên, trở nên yếu và nhạy cảm hơn
  • Do thiếu canxi: khi bạn ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu hụt canxi ở răng, khiến cho răng dễ bị gãy và vỡ khi nhai thức ăn.
  • Mắc các bệnh lý răng miệng: nếu bạn đang bị viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy,... thì răng cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn bình thường, dễ bị sứt mẻ trong quá trình nhai thức ăn.

2. Những tác hại mà mẻ răng gây ra

Khi răng bị mẻ thì sẽ trở nên nhạy cảm và yếu hơn nhiều so với các răng kế cận còn lại, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống, đặc biệt là với những răng đảm nhận chức năng quan trọng như răng nanh, răng cấm,... Thức ăn trong quá trình nhai nếu không được nghiền nát thì sẽ khiến cho dạ dày và ruột phải hoạt động nhiều hơn, lâu ngày dẫn đến mắc các bệnh tiêu hóa.

Bên cạnh đó, tình trạng sứt mẻ ở răng sẽ rất dễ tiếp diễn do các mảng nứt ở răng khá yếu. Nếu nguy hiểm hơn, trong quá trình đang ăn, 1 mảnh răng nhỏ vỡ ra và trôi theo thức ăn xuống các cơ quan tiêu hóa, có thể gây xước, chảy máu và thậm chí là thủng các cơ quan tiêu hóa.

Đồng thời, nếu chiếc răng bị mẻ của bạn là răng cửa hoặc răng nanh thì sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cả hàm răng và gương mặt, ngoài ra còn gây cản trở đến khả năng phát âm với các âm cần bật hơi như âm "th", "ph", "s", ....

Khi răng bị mẻ, nứt có thể sẽ làm lộ ngà răng, khiến cho răng nhạy cảm, đau nhức do các kích thích từ bên ngoài xâm nhập vào các ống dẫn nhỏ li ti trên ngà răng. Ngoài ra, việc lộ 1 phần của răng cũng sẽ khiến cho răng dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào, từ đó dễ hình thành các bệnh lý như sâu răng, viêm tủy, áp xe răng, viêm nha chu,... . Hậu quả nghiêm trọng nhất là có thể gây mất răng hoàn toàn và phá hủy đến các răng liền kề.

3. Cách xử lý khi răng bị vỡ mẻ

Nếu bạn cảm thấy răng bị đau nhức hoặc răng vừa bị nứt, mẻ thì có thể xử lý bằng những cách dưới đây:

  • Khạc, nhổ mảnh răng vỡ ra ngoài

Nhổ mảnh răng vỡ ra ngoài hoặc cả miếng thức ăn có chứa mảnh vỡ để tránh tình trạng các mảnh vỡ làm tổn thương nướu. Bạn cũng không nên nuốt tiếp miếng thức ăn đang nhai bởi vì lúc này vẫn có thể còn chứa mảnh vỡ lẫn vào, gây nguy hiểm nếu chúng theo thức ăn trôi xuống các cơ quan tiêu hóa.

  • Không được sử dụng tay hoặc lưỡi sờ, chạm vào gờ răng bị mẻ

Bạn không nên tự ý kiểm tra gờ răng bị mẻ bằng tay hoặc lưỡi. Vì lúc này, gờ răng khá sắc bén, có thể sẽ gây đứt tay hoặc làm tổn thương lưỡi, nướu bên trong. Việc bạn nên làm lúc này là đặt 1 cục bông gòn sạch vào hàm răng bị vỡ rồi cắn chặt lại, tránh các phần còn lại của răng bị mẻ tiếp xúc với các mô mềm xung quanh, cũng như tránh vi khuẩn và thức ăn ngấm vào, gây ra tình trạng nhiễm trùng răng.

  • Giữ lại các mảnh răng đã vỡ

Các bác sĩ có thể sẽ cần các mảnh vỡ của răng để gắn lại chúng. Chính vì vậy, hãy thu gom và giữ lại mảnh mỡ, sau đó bảo quản chúng trong 1 hộp kín với 1 ít sữa hoặc nước bọt. Lưu ý, bạn không nên tự ý gắn lại các mảnh vỡ vào răng vì nếu không có các thiết bị chuyên dụng thì có thể sẽ gây ra tình trạng nướu bị tổn thương.

  • Súc miệng

Khi răng bị vỡ, mẻ thì phần còn lại của răng như ngà răng, tủy răng, phần nướu bên trong răng có thể sẽ bị lộ ra ngoài. Những phần này rất nhạy cảm, nếu bị vi khuẩn xâm nhập sẽ rất dễ bị nhiễm trùng và tổn thương. Chính vì vậy, sau khi lấy được hết các mảnh vỡ của răng ra ngoài thì bạn nên súc miệng lại thật sạch với nước muối loãng, sau đó cắn lại bằng 1 cục bông gòn mới.

  • Che phủ gờ răng sắc nhọn lại

Nếu vì lý do nào đó mà bạn chưa thể gặp bác sĩ ngay thì hãy sử dụng sáp nha khoa hoặc kẹo cao su không đường để che lại gờ răng sắc nhọn tạm thời, tránh gây tổn thương đến các mô mềm bên trong miệng. Sáp nha khoa có thể mua dễ dàng ở các hiệu thuốc Tây.

  • Cẩn thận trong quá trình ăn uống

Vì răng đã bị mẻ nên bạn cần phải cẩn thận trong các bữa ăn để tránh làm tổn thương đến các phần răng còn lại. Bạn nên ăn các loại thực phẩm lỏng, mềm như cháo, súp, bột, sinh tố, ... . Tránh ăn những loại thực phẩm dẻo, dai, cay, chua, quá lạnh hoặc quá nóng. Đồng thời, hạn chế sử dụng bên hàm có chứa răng bị mẻ, vỡ để nhai, tránh được việc gờ răng sắc nhọn làm tổn thương lưỡi và nướu.

  • Hẹn gặp bác sĩ

Việc làm cực kỳ quan trọng sau khi phát hiện ra răng mình bị mẻ đó là lên lịch hẹn gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Để bác sĩ có thể kịp thời xử lý những gờ răng sắc nhọn và giảm thiểu khả năng các mô răng hở bị vi khuẩn xâm nhập và gây ra các bệnh lý về răng miệng.

4. Các phương pháp điều trị răng bị vỡ, mẻ

Mài răng: Nếu chiếc răng của bạn chỉ bị vỡ 1 mảnh rất nhỏ thì khả năng cao phần gờ răng bị vỡ sẽ chỉ cần mài nhẵn đi và đánh bóng. Việc này sẽ ngăn những gờ nhọn có thể làm tổn thương các mô mềm trong miệng.

Trám lại vết nứt: Nếu chiếc răng chỉ bị nứt không quá nghiêm trọng, thì răng của bạn sẽ được bác sĩ tiến hành trám lại bằng Plastic hoặc Amalgam bạc. Việc trám này sẽ giúp ngăn vi khuẩn và thức ăn đọng lại ở bên trong vết nứt khiến cho răng bị viêm nhiễm, sâu răng.

Gắn lại mảnh răng vỡ: Nếu răng của bạn bị mẻ một mảng lớn nhưng chưa gây hở chân răng, tủy răng thì bác sĩ có thể hàn gắn lại mảnh vỡ bằng các dụng cụ nha khoa chuyên dụng. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể được thực hiện khi các mảnh răng vỡ không bị sâu, được bảo quản tốt và chưa có dấu hiệu bị hư hỏng.

Nhổ và trồng răng mới: nếu răng bị vỡ một mảng lớn gây ra tình trạng hở tủy hoặc tổn thương nghiêm trọng, không còn có thể phục hồi thì bác sĩ sẽ tiến hành nhổ răng và trồng răng mới cho bạn. Khi đó, có nhiều phương pháp phục hình răng, bạn có thể lựa chọn kiểu mà mình muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan