Cách sống chung với người bị bệnh lao

Lao là 1 trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh này, mọi người trong gia đình đó cần phải học cách sống chung với người bị bệnh lao để đề phòng nguy cơ lây nhiễm.

1. Bệnh lao lây qua con đường nào?

Lao là 1 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây hại đến tính mạng của con người. Hầu hết các ca mắc lao thường theo con đường phát tán qua không khí, vi khuẩn lao được đưa vào không khí thông qua hành động ho hay hắt hơi của người bị lao. Người lành chỉ cần hít phải bầu không khí có chứa vi khuẩn lao là có thể bị nhiễm bệnh.

Vi khuẩn lao sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ diễn biến theo 2 giai đoạn bệnh đó là lao nhiễm và lao bệnh.

Ở giai đoạn lao nhiễm, vi khuẩn sẽ ở trong cơ thể nhưng ở trạng thái bất hoạt, đợi cho đến khi miễn dịch cơ thể bị suy yếu thì mới bắt đầu tấn công bằng cách sinh sôi và len lỏi vào trong các hạch bạch huyết. Khi vi khuẩn lao đã sinh sôi với số lượng lớn và tạo nên một số triệu chứng như thường xuyên ho, khó thở thì đây chính là giai đoạn lao bệnh.

Khi ở giai đoạn lao bệnh thì người bị bệnh lao có khả năng lây bệnh cho những người xung quanh mình. Do đó, nếu gia đình có người ở giai đoạn lao bệnh thì bạn nên biết cách sống cung với người bệnh lao phổi để hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm bệnh.

2. Cần biết gì khi sống chung với người bị lao phổi?

Theo thống kê từ những trường hợp bị lây nhiễm lao, tình trạng nhiễm lao và trở thành lao bệnh chỉ chiếm 10%, với những bệnh nhân có yếu tố miễn dịch suy giảm như HIV/ AIDS thì tỷ lệ trở thành lao bệnh là 30%. Trong các đối tượng dễ nhiễm lao nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Nếu sống chung người bị bệnh lao, nên cách ly trẻ em và không cho tiếp xúc, vì vi khuẩn lao nếu xâm nhập cơ thể trẻ nhỏ sẽ có nhiều cơ hội tấn công các cơ quan khác như hạch, màng não, xương khớp, và nặng hơn là lao kê.

Lao kê là tình trạng vi khuẩn lao lan tỏa và phân bố rộng khắp cơ thể, phá hủy các tế bào và gây ra tổn thương có thể thấy trên phim x-quang với kích thước 1-5mm. Rõ ràng nhất là khi quan sát phim x-quang ngực của người bệnh lao kê có thể phát hiện các đốm nhỏ rải rác có hình dạng giống như hạt kê, lao kê chủ yếu lan tỏa ở phổi, gan và lách của người bệnh.

3. Cách sống chung với người bị bệnh lao

Nếu sống chung với người bị lao phổi, bạn cần biết rằng nguy cơ nhiễm bệnh của mình có thể tồn tại tiềm tàng trong không khí, những người thường xuyên tiếp xúc với người bị lao đều có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.

Nên dành một không gian sống riêng cho người bị lao:

Nên cách ly bệnh nhân lao trong phòng riêng để thực hiện việc điều trị bệnh một cách hiệu quả, nhất là với những người mắc bệnh lao hoạt động hoặc lao đa kháng thuốc. Có thể tiếp xúc nếu bác sĩ đã thăm khám và xác nhận người bệnh không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác

Chăm sóc người bị lao bằng cách cho uống thuốc theo đúng toa của bác sĩ, khuyên người bị lao nên nghỉ ngơi và tránh vận động quá sức.

Không để người bị lao khạc nhổ bừa bãi:

Khạc nhổ bừa bãi chính là nguy cơ gây ra sự lây nhiễm vì lúc này các vi khuẩn lao sẽ có cơ hội để tiếp xúc với cơ thể mới và lây bệnh. Do đó nếu sống chung với người bị lao phổi phổi thì nên nhắc nhở họ rằng không được khạc nhổ bừa bãi.

Sử dụng khẩu trang hợp lý khi sống chung với người bị lao phổi:

Cách duy nhất để phòng tránh và không hít phải không khí có chứa giọt bắn của người bị lao phổi đó chính là đeo khẩu trang. Khi tiếp xúc với người bị lao, nhất là tiếp xúc gần thì cần đeo khẩu trang cho người bệnh và cả cho bản thân. Sau khi tiếp xúc xong với người bệnh thì nên vứt bỏ khẩu trang vừa đeo vào thùng rác có nắp đậy, tiến hành rửa tay với xà phòng.

Không nên cho trẻ em và người già tiếp xúc với người bị lao:

Trẻ em và người cao tuổi, người có bệnh nền là những đối tượng có khả năng dễ bị lây nhiễm và khi lây nhiễm thì nhanh chóng bị vi khuẩn lao tấn công. Do đó nếu sống chung với người bị lao phổi thì cần chú ý tránh để tiếp xúc với trẻ em và người cao tuổi, người có bệnh nền.

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Trong môi trường không khí, nếu người lành hít phải không khí có chứa giọt bắn hắt hơi của người bị lao, hoặc tiếp xúc gần với hơi thở của người bị lao thì nguy cơ bị nhiễm bệnh là rất cao. Do đó, học cách sống chung với người bị bệnh lao bằng các lưu ý trên đây sẽ giúp người bình thường giảm nguy cơ lây nhiễm từ người bị lao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan