Cách dự phòng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn dịch. Mặc dù không có biện pháp nào giúp dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để giúp trì hoãn sự khởi phát bệnh và hạn chế bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển nghiêm trọng hơn. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin tổng quan về bệnh và cách dự phòng viêm khớp dạng thấp.

1. Tổng quan về bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch, là tình trạng khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công lớp màng hoạt dịch của khớp. Điều này có thể khiến sụn và xương trong cơ thể bị phá vỡ, dẫn đến sưng và đau khớp. Hiện các nghiên cứu chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra viêm khớp dạng thấp. Một số nghiên cứu cho rằng sự kết hợp của các yếu tố môi trường và di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được của bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm:

  • Tuổi: Viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện nhiều nhất ở những người trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Nếu bố, mẹ hoặc anh chị em, có tiền sử mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng bị bệnh viêm khớp dạng thấp hơn nam giới.

Mặc dù không có biện pháp nào giúp dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ đã biết mà bạn có thể thay đổi để giúp trì hoãn sự khởi phát bệnh. Thực hiện các cách dự phòng dưới đây cũng có thể giúp cho bệnh viêm khớp dạng thấp không trở nên xấu hơn và giảm thiểu tác động của bệnh đến chất lượng cuộc sống của bạn.

2. Cách dự phòng viêm khớp dạng thấp

2.1. Bỏ thuốc lá

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp ở bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá cao gấp 1.3 đến 2.4 lần so với bệnh nhân không hút thuốc. Hút thuốc lá cũng có thể khiến các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp tiến triển nhanh hơn.

Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch bằng cách làm tăng stress oxy hóa trong cơ thể, gây viêm và thúc đẩy quá trình chết tế bào. Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa sự phát triển và dự phòng viêm khớp dạng thấp.

Nếu bạn hút thuốc lá, hãy bỏ ngay hôm nay. Bỏ thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Một số mẹo bỏ thuốc lá bạn có thể áp dụng bao gồm:

  • Lập danh sách các lý do bạn nên bỏ thuốc lá. Khi bạn thèm hút thuốc trở lại, danh sách này có thể nhắc nhở bạn lý do quan trọng cần phải tiếp tục bỏ hút thuốc là gì.
  • Đánh giá những lần bỏ thuốc thất bại trong quá khứ và tìm cách cải thiện. Nếu bạn đã từng cố gắng bỏ thuốc và không thành công, hãy xác định lý do bỏ thuốc thất bại. Nếu có thể tìm ra nguyên nhân, bạn có thể tránh chúng trong khi lần bỏ thuốc lá này.
  • Nói với bạn bè và gia đình về việc bạn bỏ thuốc lá. Bạn bè và gia đình có thể nhắc nhở cho bạn về trách nhiệm và lý do việc ngừng hút thuốc.
  • Sử dụng thuốc. Nếu bạn muốn được trợ giúp thêm, hãy xem xét sử dụng một số phương pháp được chấp thuận, như miếng dán nicotine hoặc kẹo cao su. Một số thuốc cũng được chỉ định hỗ trợ cho việc bỏ thuốc lá.

2.2. Giảm cân

Những người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở tuổi 55 trở xuống có nhiều khả năng bị thừa cân hơn. Để giảm nguy cơ và dự phòng viêm khớp dạng thấp, hãy duy trì một trọng lượng khỏe mạnh. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp để duy trì trọng lượng phù hợp sau:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị của bạn. Xác định mục tiêu cân nặng phù hợp với chiều cao và hình thể của bạn. Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn về việc áp dụng chương trình tập thể dục hoặc chế độ ăn kiêng phù hợp với sức khỏe tổng thể của bạn.
  • Đặt mục tiêu giảm cân hợp lý. Một mục tiêu an toàn và hợp lý là giảm từ 0.5 - 0.75kg mỗi tuần.
  • Có thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ như ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây, cá hoặc gà (không gồm da) trong chế độ ăn uống. Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn giàu canxivitamin D. Tránh thức ăn nhiều đường, muối và chất béo.
  • Tập thể dục. Tập luyện gia tăng sức mạnh của cơ thể có thể làm giảm sự mất xương, đây là một tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra của bệnh viêm khớp dạng thấp. Các bài tập giãn cơ có thể giúp giảm đau và cứng khớp có liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Nếu bạn hiện đang bị viêm khớp dạng thấp, hãy tránh các bài tập có cường độ cao trong giai đoạn bùng phát (giai đoạn đau khớp nghiêm trọng hơn). Tập thể dục cường độ cao có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

2.3. Hạn chế rượu/ bia

Rượu không cần hạn chế hoàn toàn ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, nhưng tốt nhất là bạn nên hạn chế uống. Uống rượu “có kiểm soát” trong thời gian dài được cho là có liên quan đến việc giảm nguy cơ viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ.

Khi bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều lưu ý nhất khi uống rượu là khả năng tương tác của nó với các loại thuốc đang dùng để điều trị bệnh. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, như methotrexate, có thể gây hại cho gan. Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.

Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn về lượng rượu mà bạn có thể uống và xem xét liệu loại thuốc bạn đang dùng có tương tác với rượu hay không.

2.4. Hạn chế tiếp xúc với chất ô nhiễm môi trường

Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng việc tiếp xúc với một số chất ô nhiễm môi trường sớm hơn trong cuộc sống có thể làm tăng nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp. Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng từ môi trường, tuy nhiên tốt nhất bạn nên tránh tiếp xúc với chất amiăng hoặc silica. Nếu bạn làm việc trong môi trường có hóa chất nguy hiểm, hãy đảm bảo luôn luôn mặc đồ an toàn thích hợp.

2.5. Đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của viêm khớp dạng thấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Theo CDC, điều trị sớm và tích cực trong giai đoạn sớm của bệnh có thể trì hoãn triệu chứng nghiêm trọng của viêm khớp dạng thấp. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển các tổn thương khớp nghiêm trọng của bệnh.

Bên cạnh một số yếu tố nguy cơ không đổi như lứa tuổi, giới tính, di truyền; vẫn có một số yếu tố có thể thay đổi để giúp trì hoãn sự khởi phát bệnh và hạn chế bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển nghiêm trọng hơn. Một số cách dự phòng viêm khớp dạng thấp là giảm cân, hạn chế uống rượu, hạn chế tiếp xúc với chất ô nhiễm môi trường. Hiện vẫn chưa có biện pháp dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp hoàn toàn, nhưng việc bỏ hút thuốc lá được cho là rất quan trọng đặc biệt nếu bạn đã có các yếu tố nguy cơ của viêm khớp dạng thấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

770 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan