Cách chữa răng bị tụt lợi hiệu quả

Tụt lợi là hiện tượng lộ chân răng do nướu bị co lại, ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ của hàm răng, gây cảm giác ê buốt, thức ăn rất dễ bị bám lại tại chân răng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy có cách chữa răng bị tụt lợi hiệu quả hay không?

1. Biểu hiện răng bị tụt lợi

Tình trạng tụt lợi có những biểu hiệu tương đối rõ ràng. Dấu hiệu răng bị tụt lợi rất dễ nhận ra chính là chân răng bị lộ rõ, xảy ra khi lợi mất dần hoặc do một nguyên nhân nào đó khiến lợi di chuyển dần sâu vào bên trong chân răng.

Thông thường, các biểu hiện của tình trạng tụt lợi sẽ xuất hiện nhỏ lẻ, nhưng sau một thời gian tình trạng sẽ ngày càng rõ rệt hơn. Tụt lợi tuy không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe tại thời điểm ban đầu, nhưng tình trạng này tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm về sau.

2. Những biến chứng có thể xảy ra của tình trạng tụt lợi

Tụt lợi gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, đây cũng chính là lý do vì sao hầu hết tất cả mọi người đều mong muốn tìm cách khắc phục răng bị tụt lợi. Thật vậy, răng bị tụt lợi có thể dẫn đến những biến chứng như sau:

  • Tạo điều kiện cho thức ăn bám vào kẽ răng;
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây nhiều bệnh lý răng miệng;
  • Ảnh hưởng trực tiếp đến tính thẩm mỹ của hàm răng, dáng răng dài trông xấu hơn, răng hở kẽ gây nhét thức ăn;
  • Tụt lợi khiến cho chân răng không được bảo vệ, mòn dần đi và chịu tổn thương từ các tác nhân xấu.
  • Tiêu xương ổ răng, răng yếu dần, mất răng vĩnh viễn...
  • Bệnh nhân bị tụt lợi răng rất dễ gặp phải cảm giác ê buốt răng gây trở ngại trong quá trình ăn nhai.
  • Viêm tủy răng.

3. Cách chữa răng bị tụt lợi hiệu quả

Bệnh nhân có thể kết hợp các cách khắc phục răng bị tụt lợi tự nhiên vào thói quen đánh răng hàng ngày, giúp cải thiện sức khỏe răng miệng. Dưới đây là một số cách khắc phục răng bị tụt lợi tự nhiên:

3.1. Sử dụng dầu để súc miệng

Súc miệng với dầu hoặc thuốc súc miệng giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại cho nướu răng. Thông thường bệnh nhân nên súc dầu trong 5- 20 phút, sau đó nhổ ra và súc miệng kỹ lại bằng nước ấm, cuối cùng vẫn phải đánh răng như bình thường. Người bệnh có thể thực hiện việc súc dầu giữa các bữa ăn bằng một trong các loại dầu sau :

  • Dầu dừa;
  • Dầu mè;
  • Dầu hướng dương.

Lưu ý không nuốt các loại dầu này. Việc súc dầu thường xuyên kết hợp với thói quen vệ sinh răng miệng thật tốt sẽ giúp làm giảm mức độ vi khuẩn răng miệng.

3.2. Súc miệng với các loại thảo dược

Nước súc miệng có chứa các thành phần chiết xuất từ cây đinh hương, húng quế và dầu của cây trà giúp chống lại các mảng bám và chống viêm nướu rất tốt. Tuy nhiên, cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác để xác định hiệu quả lâu dài của các chế phẩm có nguồn gốc từ các loại thảo dược.

Một ví dụ trong trường hợp này là tinh dầu bạc hà, cỏ xạ hương và cây chà là những loại thảo dược có đặc tính khử trùng, chống lại vi khuẩn đường miệng. Tuy nhiên tốt hơn hết nên tham khảo ý kiến ​​nha sĩ trước khi sử dụng các loại tinh dầu này để điều trị tụt lợi, do một số loại tinh dầu có thể gây độc nếu nuốt phải.

3.3. Bổ sung các chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa là những hợp chất giúp chống lại hiện tượng tổn thương các tế bào của cơ thể do các chất oxy hóa gây ra. Việc bổ sung các chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm lợi và cải thiện tình trạng sức khỏe răng miệng như:

  • Giảm mảng bám;
  • Giảm tình trạng chảy máu nướu răng;
  • Cải thiện sự gắn kết giữa răng và lợi.

3.4. Nhai kẹo cao su trà xanh

Hành động hết sức đơn giản mà ai cũng có thể thường xuyên thực hiện này sẽ giúp bệnh nhân cải thiện được các tình trạng sau đây:

  • Hình thành mảng bám;
  • Chảy máu nướu răng;
  • Cải thiện hiệu quả tình trạng viêm nướu.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng việc bệnh nhân nhai kẹo cao su trà xanh có thể giúp điều trị viêm nướu hiệu quả khi áp dụng đồng thời với các phương pháp khắc phục răng bị tụt lợi khác

3.5. Axit béo omega-3

Axit béo omega- 3 là chất béo không bão hòa được tìm thấy trong các loại thực phẩm: Cá, quả hạch, hạt.... cho thấy những cải thiện đáng kể về sức khỏe nướu:

  • Giảm viêm nướu;
  • Cải thiện sự gắn kết giữa răng và nướu.

3.6. Đánh răng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa đúng cách

Thường xuyên đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa giúp ngăn ngừa tình trạng tích tụ của vi khuẩn và mảng bám, giúp ngăn ngừa viêm nướu và tụt lợi. Bệnh nhân nên đánh răng tối thiểu hai lần một ngày bằng bàn chải lông mềm và dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần mỗi ngày. Đánh răng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa là cách khắc phục răng bị tụt lợi đơn giản mà hiệu quả.

4. Biết được nguyên nhân gây ra bệnh tụt lợi để phòng tránh hiệu quả

Tình trạng tụt lợi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến những tác nhân chính sau đây:

  • Cách đánh răng: đánh răng hoạt động giúp làm sạch khoang miệng và tiêu diệt vi khuẩn có hại sau khi ăn uống, tuy nhiên việc đánh răng sai cách không chỉ gây phản tác dụng mà còn khiến lợi bị tổn thương nghiêm trọng. Đánh răng với lực quá mạnh, chải ngang bề mặt răng là những hành động không hề tốt cho nướu răng.
  • Vệ sinh sinh răng miệng: đánh răng thôi là chưa đủ, nếu chúng ta muốn loại bỏ triệt để vi khuẩn và các mảng bám cứng đầu cần thực hiện thêm động tác súc miệng, cạo lưỡi, dùng chỉ tơ nha khoa kết hợp. Đặc biệt, thói quen xỉa răng bằng tăm, nghiến răng... là thói quen rất xấu, gây hại đến răng miệng mà chúng ta cần phải hạn chế.
  • Viêm nha chu: Đây có thể được xem là một nguyên nhân hàng đầu trong những nguyên nhân chính dẫn đến tụt lợi, khi mô nướu bị viêm sẽ trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, xâm nhập khiến lợi dần dần co lại, chân răng lộ nhiều ra. Do đó, khi phát hiện tình trạng viêm nha chu, chúng ta cần thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh kéo dài gây biến chứng răng bị tụt lợi.
  • Di truyền: Theo các con số thống kê, có đến hơn 30% người thường xuyên mắc các bệnh lý răng miệng dù đã chăm chỉ vệ sinh, nguyên nhân gây bệnh lúc này có thể kể đến là do cơ địa răng của họ vốn nhạy cảm và yếu, không đủ sức đề kháng chống lại các loại vi khuẩn có hại.
  • Rối loạn nội tiết: Nướu lợi và sức khỏe răng miệng nói chung thường sẽ trở nên nhạy cảm và dễ viêm hơn trong giai đoạn thai kỳ do nội tiết tố thay đổi thất thường.

Ngoài ra, tình trạng răng mọc lệch, cắn sai khớp, khớp cắn sang chấn hoặc phanh má – môi bị căng kéo quá mức cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng răng bị tụt lợi.

Bệnh nhân nên cố gắng cải thiện và khắc phục các nguyên nhân nêu trên để hạn chế phòng ngừa và cải thiện tình trạng răng bị tụt lợi hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan