Cách chữa khàn tiếng lâu ngày hiệu quả

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Văn Bội Ngọc - Bác sĩ Tai mũi họng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Khàn tiếng thường gặp ở những người công việc đặc thù phải nói nhiều nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh tiềm ẩn. Do đó, khi bị khàn tiếng lâu ngày, nên thận trọng và đi thăm khám để điều trị sớm.

1. Khàn tiếng lâu ngày là dấu hiệu bệnh gì?

Khàn tiếng là tình trạng giọng nói thay đổi, âm thanh không rõ, khó nghe hoặc người nói có cảm giác mệt do tổn thương ở dây thanh quản.

Trường hợp khàn tiếng xuất hiện và kéo dài trong 1 hoặc vài ngày rồi biến mất, là điều hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu khàn tiếng kéo dài quá 3 tuần có thể là dấu hiệu một số bệnh lý sau đây:

1.1 Bệnh viêm thanh quản

Khàn tiếng là 1 trong những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm thanh quản cấp tính hoặc mạn tính. Trong đó, khi mắc viêm thanh quản cấp tính, 2 dây thanh quản thường bị sưng và phù nề. Từ đó, các mép dây không thể rung linh hoạt, dẫn đến tình trạng khàn tiếng, thậm chí mất tiếng. Khi 2 dây thanh quản được phục hồi, khàn tiếng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hiệu quả, viêm thanh quản cấp tính sẽ có thể chuyển sang thể mạn tính, bệnh kéo dài.

1.2 Bệnh hạt xơ dây thanh

Đây là 1 trong những bệnh lý thường gặp ở những người phải dùng giọng nói quá mức như ca sĩ, giáo viên, phát thanh viên và báo cáo viên.

Khi mắc bệnh hạt xơ dây thanh, người bệnh thường có sức khỏe ổn định nhưng lại đi kèm dấu hiệu khàn tiếng kéo dài. Nguyên nhân chính là do phải gắng sức nói hoặc hát trong khi chứng viêm thanh quản cấp chưa được hồi phục khiến các sợi cơ trong dây thanh bị đứt.

Trong trường hợp này, dịch tiết ra để hàn gắn các sợi cơ sẽ tích tụ lại thành một hạt nhỏ ở mép dây thanh (có thể xuất hiện 1 bên hoặc ở cả 2 bên) làm ảnh hưởng đến chất lượng rung của dây thanh, gây khàn tiếng và rè tiếng. Bên cạnh đó, hạt xơ dây thanh ở một mức độ nhất định có thể làm cho hai mép của dây thanh không khép sát với nhau, tạo khe hở thanh môn nên người mắc bệnh thường nhanh mệt khi phải nói.

1.3. Ung thư thanh quản

Là một trong những bệnh lý ác tính gặp ở những người lớn tuổi, đặc biệt là người sử dụng thuốc lá lâu năm. Ung thư thanh quản khó phát hiện, một trong những dấu hiệu điển hình giúp chẩn đoán bệnh là tình trạng khàn tiếng kéo dài.

Khi mắc ung thư thanh quản, người bệnh thường bị khàn giọng, âm thanh phát ra đục hơn bình thường, thậm chí mất tiếng. Bên cạnh đó có một số dấu hiệu đi kèm khác như rát họng, đau đầu và sốt nhẹ.

2. Cách chữa khàn tiếng lâu ngày hiệu quả

Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định sử dụng thuốc điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để khắc phục vấn đề hiệu quả trong thời gian ngắn.

2.1. Sử dụng thuốc trị khàn tiếng lâu ngày

Các bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị sau đây:

  • Nhóm thuốc kháng sinh Beta-lactam: Nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây ra một số bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dẫn đến khàn tiếng.
  • Nhóm thuốc kháng sinh Macrolid: Đây cũng là nhóm thuốc tác dụng khá mạnh trong điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhưng cần thận trọng khi sử dụng để tránh gây hại cho gan.
  • Thuốc tiêu đờm: Sử dụng trong trường hợp người bệnh bị khàn tiếng lâu ngày đi kèm các triệu chứng như ho gió, ho khan và ho có đờm.
  • Thuốc kháng viêm, chống dị ứng: Các loại thuốc được dùng thường chứa Corticoid và histamin, khắc phục tình trạng khàn giọng do dị ứng. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên sử dụng các loại thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.

2.2. Sử dụng thảo dược trị khàn tiếng

Trước nay, người bệnh thường tự điều trị khàn tiếng ở nhà bằng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giảm ho... Tuy nhiên thuốc chỉ giúp cải thiện triệu chứng tạm thời, lại tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn. Bệnh tái đi tái lại nhiều lần còn gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Đây là lý do các sản phẩm thảo dược chứa thành phần kháng sinh, kháng viêm thực vật thân thiện với cơ thể, có thể sử dụng lâu dài mà vẫn an toàn, hiệu quả ngày càng được ưa chuộng.

Trong đó, một số dược liệu phổ biến gồm rẻ quạt, bán biên liên, bồ công anh, sói rừng... có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm tự nhiên, có tác dụng tiêu diệt virus, vi khuẩn.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, các thành phần hóa học trong cây rẻ quạt như glucozit, iridium, tectoridin, belamcanda, tectorigenin, iridian, iris florentin, noririsflorentin, tectoridin, irigenin, methyl Irisolidone và muningin... có tác dụng tốt trong:

  • Chữa bệnh đường hô hấp: Nước sắc từ cây rẻ quạt có công dụng trong điều trị bệnh viêm họng, khàn tiếng, đau họng, ho đờm, viêm amidan... cải thiện chức năng hô hấp.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Cây rẻ quạt có khả năng ức chế các chủng vi khuẩn như liên cầu tan máu, trực khuẩn ho gà, Bacillus subtilis, nhóm tụ cầu vàng và Shigella dysenteriae.

Việc sử dụng sản phẩm thảo dược đúng cách sẽ giúp giảm viêm, chống phù nề, giảm sưng đau họng, cải thiện tình trạng khàn tiếng, mất tiếng hiệu quả. Đây là giải pháp trị khàn tiếng an toàn, cho khả năng tăng cường sức đề kháng, phục hồi và bảo vệ dây thanh âm bị tổn thương, ngăn khàn tiếng tái phát.

2.3. Một số cách thức chữa khàn tiếng khác

Khi bị khàn tiếng lâu ngày, cùng với việc thăm khám bác sĩ và sử dụng thuốc đúng cách, trong thời gian điều trị, bạn hãy tham khảo một số lời khuyên sau để nhanh chóng lấy lại giọng nói:

  • Hạn chế nói càng nhiều càng tốt.
  • Uống đủ nước, tối thiểu 2 lít mỗi ngày nhưng chỉ nên dùng nước ấm, tuyệt đối không uống nước quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Cai thuốc lá nếu đang hút hoặc tránh các khu vực có khói thuốc lá.
  • Không sử dụng rượu bia hay các đồ uống có chứa chất kích thích khác.
  • Giữ ấm cho vùng hầu họng, không để gió lạnh hay nhiệt độ điều hòa quá lạnh (dưới 25 độ).
  • Nên sử dụng thiết bị lọc và làm ẩm không khí trong phòng đặc biệt trong những ngày độ ẩm không khí thấp.
  • Ăn uống đủ chất, nên chú ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn.
  • Có thể dùng thêm mật ong, chanh, gừng để ngậm giúp phục hồi niêm mạc họng, giảm đau họng, khàn tiếng.

Trên đây là nguyên nhân và các cách chữa khàn tiếng lâu ngày hiệu quả. Trường hợp bị khàn tiếng lâu ngày, tốt nhất bạn nên tới trực tiếp các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa tai - mũi - họng để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan