Các triệu chứng cảnh báo sớm lao phổi

Bệnh lao rất nguy hiểm, có khả năng lây lan trong cộng đồng và nếu không được phát hiện sớm thì thời gian điều trị sẽ rất dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc nhận biết sớm các triệu chứng lao phổi sẽ giúp kiểm soát bệnh một cách tốt hơn cũng như tránh lây lan cho cộng đồng.

1. Bệnh lao phổi là gì?

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp gây ra bởi vi khuẩn lao M. Tuberculosis. Vi khuẩn lao có thể ủ bệnh trong vài tuần cho tới vài năm, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà vi khuẩn hoạt động và gây ra triệu chứng. Vì là vi khuẩn ái khí nên M. Tuberculosis thường tập trung ở môi trường có nhiều oxy như phổi là chủ yếu, nhiều nhất trong các hang lao có phế quản thông. Vi khuẩn lao có thể tồn tại từ 3-4 tháng ở điều kiện tự nhiên nhưng sẽ chết trong vòng 1,5 giờ nếu có tác động của ánh sáng mặt trời.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao gồm có:

  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch do HIV, bệnh gan lách,...;
  • Người sử dụng ma tuý;
  • Bệnh bụi phổi silic;
  • Bệnh nhân suy thận, đái tháo đường;
  • Bệnh nhân cắt dạ dày hay ruột non;
  • Bệnh nhân ghép tạng;
  • Bệnh nhân dùng corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch kéo dài;
  • Bệnh nhân ung thư.
triệu chứng lao phổi
Nhận biết sớm các triệu chứng lao phổi sẽ giúp kiểm soát bệnh một cách tốt hơn

2. Triệu chứng của bệnh lao phổi là gì?

Triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu có thể khó nhận biết khiến người bệnh không phát hiện và điều trị sớm dẫn tới diễn tiến nặng nề hơn. Do đó để nhận biết triệu chứng bệnh lao phổi cần chú ý các biểu hiện sau:

  • Ho trên 3 tuần không do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản hay ung thư phổi và không đáp ứng với kháng sinh thì cần nghĩ đến lao phổi;
  • Khạc đờm không giảm sau khi dùng khác sinh ở người bệnh ho khạc trên 3 tuần;
  • Ho ra máu: là triệu chứng gặp ở 60% bệnh nhân lao phổi, biểu hiện một tình trạng tổn thương và chảy máu trong đường hô hấp;
  • Đau ngực, khó thở: là tình trạng dễ gặp nhất ở bệnh nhân mắc lao phổi, ho nhiều gây ức chế phế quản, gây khó thở, đau ngực và khó khăn trong trao đổi khí;
  • Gầy, sụt cân cũng là biểu hiện thường gặp của bệnh nhân lao, bệnh nhân thường gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không do tiêu chảy hay suy dinh dưỡng kèm với các triệu chứng hô hấp kể trên;
  • Sốt cao, thất thường, sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều nghĩ tới lao phổi khi phối hợp các triệu chứng ho, khạc đờm ra máu,...;
  • Ra mồ hôi nhiều do rối loạn thần kinh thực vật cũng dễ thấy ở người mắc lao phổi;
  • Chán ăn, mệt mỏi là dấu hiệu phổ biến nhưng không đặc hiệu, có thể theo dõi như một chỉ báo để tránh bỏ sót bệnh lao phổi.

Khi nghi ngờ mắc lao, người bệnh sẽ được cho thực hiện các phương pháp sau để chẩn đoán gồm có:

  • Xét nghiệm Mantoux: là xét nghiệm tiêm dưới da một lượng nhỏ và an toàn tuberculin để xem người bệnh đã nhiễm vi trùng lao hay chưa;
  • Xét nghiệm máu giúp diễn dịch kết quả của xét nghiệm đầu;
  • Chụp X-quang phổi để nhận biết rõ các biểu hiện của bệnh lao thể hiện trên phim.
Triệu chứng lao phổi
Triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu có thể khó nhận biết khiến người bệnh không phát hiện

3. Các biện pháp phòng tránh lao phổi

Khi có các biểu hiện nghi ngờ lao giai đoạn sớm, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị dứt điểm nhằm tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần ăn uống hợp lý, đủ chất, nghỉ ngơi và không sử dụng các chất kích thích, bia rượu, thuốc lá vì sẽ làm giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc.

Để tránh lây cho người xung quanh người bệnh cần tránh tiếp xúc với người khác trong vài tuần đầu điều trị, đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng vải che miệng bất cứ khi nào cười, nói, ho hay hắt hơi, sau đó để miếng vải trong túi, buộc kín vứt thùng rác. Đặc biệt cần tuân thủ điều trị để sớm đạt được hiệu quả khỏi bệnh.

Cách phòng ngừa lao phổi tốt nhất là tiêm vắc-xin BCG ngừa lao, đồng thời thực hiện lối sống lành mạnh, vệ sinh và an toàn như sau:

  • Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh lao phổi;
  • Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên;
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân;
  • Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ;
  • Khám sức khỏe định kỳ;
  • Không ngủ cùng phòng với người bệnh, nơi đông người.

Tóm lại, bệnh lao rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm để điều trị. Do đó, việc nhận biết sớm các triệu chứng lao phổi sẽ giúp kiểm soát bệnh một cách tốt hơn cũng như tránh lây lan cho cộng đồng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan