Các thuốc điều trị đau nửa đầu migraine

Migraine là một bệnh lý thần kinh mạn tính với biểu hiện là cơn đau đầu một bên, có tính chất mạch đập, đau tăng khi hoạt động thể chất và đi kèm triệu chứng sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn/nôn, dị cảm vùng da đầu. Vậy hiện nay có những thuốc điều trị đau nửa đầu migraine nào hiệu quả?

1. Bệnh đau nửa đầu Migraine là gì?

Đau nửa đầu Migraine là bệnh lý khá phổ biến, tạo nên gánh nặng bệnh tật đáng kể. Tỷ lệ hiện mắc của căn bệnh này hàng năm là 18% ở phụ nữ và 6% đối với nam giới, độ tuổi thường hay gặp nhất là 25 – 55.

Đau đầu migraine hay còn gọi là hội chứng đau nửa đầu là tình trạng bệnh nhân xuất hiện các cơn đau đầu dữ dội, nhói theo từng đợt, xuất hiện một bên đầu kèm cảm giác buồn nôn, rối loạn thị lực, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Căn bệnh này có thể chỉ xảy ra 1 hoặc 2 lần/năm, hoặc 2 đến 3 lần/tuần. Nếu tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu tăng lên đến 15 lần/tháng thì đau đầu Migraine đã trở thành bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ mắc đau nửa đầu migraine cao hơn nam giới 3 lần. Độ tuổi trung bình của nữ giới có tỉ lệ đau nửa đầu cao nhất là từ 40 - 45 tuổi. Sau độ tuổi 45 - 50 thì tỉ lệ đau nửa đầu sẽ giảm dần.

2. Phân loại đau nửa đầu migraine

Phân loại đau nửa đầu Migraine theo các triệu chứng cảnh báo sớm được chia thành 2 loại chính, bao gồm:

  • Đau nửa đầu migraine có tiền triệu: đau đầu có triệu chứng cảnh báo trước, báo hiệu sớm cơn đau đầu sẽ bùng phát;
  • Đau nửa đầu migraine không có tiền triệu: đau đầu xảy ra bất ngờ, không có dấu hiệu cảnh báo cụ thể.

Đau đầu migraine có tiền triệu là loại đau đầu migraine có “giai đoạn báo hiệu” sớm, xuất hiện trong khoảng 24 - 48 giờ trước khi cơn đau đầu bùng phát. Đau nửa đầu migraine có tiền triệu chiếm khoảng 10 - 25% tổng số ca đau đầu migraine mỗi năm với 4 đại diện sau:

  • Đau nửa đầu võng mạc: đau nửa đầu kèm mất thị lực tạm thời hoặc thấy ánh sáng nhấp nháy ở 1 bên mắt trước khi cơn đau bắt đầu;
  • Đau đầu migraine thân não: các tiền triệu chứng có nguồn gốc xuất phát ở đáy não gây rối loạn khả năng giữ thăng bằng, chóng mặt, nhịp tim tăng mạnh;
  • Đau đầu migraine liệt nửa người: đau nửa đầu migraine có dấu hiệu cảnh báo là tình trạng liệt tạm thời 1 bên cơ thể, thường biến mất sau 24 giờ hoặc không quá 72 giờ.
  • Chứng đau đầu migraine thầm lặng: không có cảm giác nhức đầu nào, bệnh rất dễ nhầm lẫn với cơn thoáng thiếu máu não, đặc biệt khi lần đầu xuất hiện với người lớn tuổi.

Đau đầu migraine không tiền triệu: chiếm 75% cơn đau đầu do hội chứng migraine sẽ không có triệu chứng báo trước, chúng thường xảy ra bất ngờ khiến bệnh nhân không kịp chuẩn bị hay không thể lường trước hậu quả. Đau nửa đầu Migraine không tiền triệu đặc trưng bởi các cơn đau kịch phát, kéo dài từ 4 - 72 giờ, kết hợp một số triệu chứng: buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng/âm thanh.

3. Các thuốc điều trị đau nửa đầu migraine

3.1. Các thuốc điều trị đau nửa đầu Migraine mức độ nhẹ đến trung bình

Bao gồm các thuốc giảm đau không đặc hiệu gồm: thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc giảm đau non-opioid, Acetaminophen, kết hợp thuốc giảm đau có chứa caffeine, ví dụ acetaminophen và cafein. Các thuốc điều trị đau nửa đầu Migraine không đặc hiệu cụ thể là:

  • NSAIDs: aspirin, celecoxib dung dịch dạng uống, diclofenac, ibuprofen, naproxen, flurbiprofen, ketoprofen, Ketorolac tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp;
  • Thuốc giảm đau kết hợp: acetaminophen + aspirin + caffeine;
  • Magnesium tiêm tĩnh mạch;
  • Hợp chất có chứa Isometheptene;
  • Thuốc chống nôn: chlorpromazine, droperidol, metoclopramide, prochlorperazine, promethazine

3.2. Các thuốc điều trị đau nửa đầu Migraine đặc hiệu

Các thuốc điều trị đau nửa đầu Migraine mức độ trung bình đến nặng, hoặc đau mức độ nhẹ đến trung bình nhưng đáp ứng kém với các thuốc điều trị đau nửa đầu Migraine không đặc hiệu: các triptans, thuốc đối vận thụ thể CGRP phân tử nhỏ (gepants), thuốc chủ vận thụ thể serotonin 5-HT 1F chọn lọc (ditans), các dẫn xuất của Ergotamin... Cụ thể gồm có:

  • Dihydroergotamine: hàm lượng 0,5-1 mg tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch, nồng độ 4 mg/mL xịt mũi; Có thể gây buồn nôn và chống chỉ định dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh động mạch vành và không sử dụng đồng thời với triptans
  • Triptans: Có thể gây ra đỏ mặt, dị cảm, cảm thấy như bị đè ép vùng ngực hoặc họng. Sử dụng lặp lại liều thuốc lên đến 3 lần/ngày nếu đau đầu tái phát. Chống chỉ định sử dụng cho bệnh nhân động mạch vành, tăng huyết áp không kiểm soát, liệt nửa người, bệnh mạch máu trong não:
    • Almotriptan: hàm lượng 12,5 mg đường uống;
    • Eletriptan: hàm lượng 20-40 mg đường uống;
    • Frovatriptan: hàm lượng 2,5 mg đường uống;
    • Naratriptan: hàm lượng 2,5 mg đường uống;
    • Rizatriptan: hàm lượng 10 mg đường uống;
    • Sumatriptan: hàm lượng 50–100 mg uống, hàm lượng 5–20 mg xịt mũi, 6 mg tiêm dưới da, hoặc một miếng dán qua da hàm lượng 6,5 mg, nếu cần dùng miếng dán thứ hai sau 2 giờ (không quá 2 miếng dán trong 24 giờ);
    • Zolmitriptan: hàm lượng 2,5-5 mgm đường uống hoặc hàm lượng 5mg xịt mũi.

3.3. Thuốc phòng ngừa đau nửa đầu Migraine

Thuốc có thể được dùng hàng ngày để giảm mức độ nghiêm trọng hoặc tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu Migraine gồm: thuốc hạ huyết áp (chẹn beta, chẹn kênh canxi), thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh (valproate, topiramate), tiêm botox, kháng thể đơn dòng CGRP...

  • Divalproex: gây rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan, giảm tiểu cầu, run, tăng cân
    • Loại phóng thích thông thường: 250-500 mg đường uống, dùng 2 lần/ngày;
    • Phóng thích kéo dài: 500-1000 mg đường uống, dùng 1 lần/ngày.
  • Lithium: có thể gây yếu cơ, khát, run, đa niệu, dùng liều 300 mg đường uống, dùng 2 - 4 lần/ngày.
  • Topiramate: gây giảm cân và các tác dụng bất lợi trên hệ thần kinh trung ương (lú lẫn, trầm cảm), dùng liều 50-200 mg đường uống, thường 1 lần/ngày.
  • Verapamil: có thể gây hạ huyết áp và táo bón, dùng liều 240mg/lần, có thể dùng đến 3 lần/ngày.
  • Galcanezumab: sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, liều 300mg tiêm dưới da một lần một tháng.

Lưu ý, các thuốc điều trị đau nửa đầu Migraine dạng uống nên được khởi đầu ở liều thấp, chỉnh liều từ từ cho đến khi đạt mục tiêu điều trị, và đạt tới liều tối đa hoặc liều đích. Khi bệnh nhân chỉ có đáp ứng 1 phần hoặc chưa tối ưu với các thuốc điều trị đau nửa đầu Migraine, hoặc xảy ra tác dụng không mong muốn làm hạn chế liều, từ đó việc kết hợp các thuốc dự phòng từ các loại thuốc khác có thể hữu ích.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan