Các thuốc điều trị bệnh cường giáp

Cường giáp là bệnh lý ở tuyến giáp thường hay gặp nhất. Bệnh có thể được kiểm soát và điều trị bằng các loại thuốc điều trị bệnh cường giáp. Vậy các thuốc trị bệnh cường giáp bao gồm những thuốc nào?

1. Bệnh cường giáp là bệnh gì?

Cường giáp (cường tuyến giáp) là hội chứng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến việc sản xuất nhiều hormone giáp hơn so với nhu cầu của cơ thể. Nồng độ hormon giáp trong máu tăng cao gồm Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3). Các hormon giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, chuyển hóa và phát triển cơ thể, vì vậy tuyến giáp ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh của sức khỏe.

2. Khái quát về các thuốc điều trị bệnh cường giáp

Thuốc trị bệnh cường giáp thường là chỉ định đầu tiên được bác sĩ ưu tiên chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh. Nhóm thuốc điều trị cường giáp sẽ có mức độ tác động khác nhau lên cơ thể của người bệnh. Thông thường thuốc trị bệnh cường giáp được chia thành 3 loại chính: thuốc kháng giáp (ngăn tuyến giáp hoạt động), i-ốt phóng xạ (phá hủy tuyến giáp) và thuốc chẹn beta (giảm nhẹ các triệu chứng). Cả ba nhóm thuốc điều trị cường giáp nêu trên đều là thuốc kê đơn vì vậy khi sử dụng cần phải có đơn của bác sĩ. Bệnh nhân không tự ý mua thuốc bên ngoài để tránh các rủi ro nguy hiểm đến sức khỏe do sử dụng thuốc sai cách hoặc do các tác dụng phụ của thuốc.

Có hơn 90% bệnh nhân cường giáp đã bình phục nhờ sử dụng 1 nhóm thuốc điều trị cường giáp hoặc là cả 3 loại thuốc nêu trên. Trường hợp không khỏi bệnh thậm chí đã dùng nhóm thuốc điều trị cường giáp là do nhiều nguyên nhân khác nhau như: phát hiện bệnh muộn, bệnh xuất hiện biến chứng nghiêm trọng (cơn bão giáp, mắt lồi...).

3. Các nhóm thuốc điều trị cường giáp

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp: điều trị nội khoa bằng thuốc, áp dụng liệu pháp điều trị phóng xạ bằng cách sử dụng iod có gắn chất phóng xạ hoặc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật tuyến giáp). Mục đích chung của việc điều trị cường giáp là đưa lượng hormone giáp trở lại bình thường, giảm các triệu chứng khó chịu do gia tăng hormon giáp trong máu gây nên. Theo đó các thuốc điều trị bệnh cường giáp bao gồm:

3.1. Thuốc kháng giáp

Thuốc kháng giáp có tác dụng giúp tuyến giáp giảm tiết hormon. Thuốc thường sẽ bắt đầu cho tác dụng sau 1 - 3 tháng sử dụng, sau đó bác sĩ sẽ điều chỉnh giảm liều. Bệnh nhân cũng không được tự ý ngưng thuốc kháng giáp một cách đột ngột vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp cơn bão giáp vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. 2 loại thuốc kháng giáp - thuốc điều trị bệnh cường giáp thường dùng:

Propylthiouracil (PTU): được ưu tiên lựa chọn do dùng được cho phụ nữ có thai. Khi điều trị cường giáp bằng thuốc này thì nguy cơ sảy thai là rất thấp.

  • Propylthiouracil được bào chế dưới dạng viên 50mg. Bệnh nhân cường giáp cần uống Propylthiouracil 8 tiếng/lần và duy trì lịch uống thuốc đều đặn để thuốc phát huy hết tác dụng.
  • Methimazole: thuốc này thường được bào chế dưới dạng viên loại 5mg và 10mg. Methimazole tác dụng nhanh hơn khi dùng PTU.

Thuốc có rất ít phản ứng phụ, chiếm 1 - 3% trường hợp xảy ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Ngứa ngáy, phát ban;
  • Sốt;
  • Rụng tóc;
  • Phù, buồn nôn;
  • Tức ngực;
  • Đau đầu;
  • Đau xương khớp;
  • Hiếm: giảm bạch cầu, tổn thương gan... cần đến gặp bác sĩ ngay.

Thuốc kháng giáp giúp bảo vệ tuyến giáp. Trong khi đó bệnh cường giáp rất dễ xuất hiện các dấu hiệu tái phát, đặc biệt là khi người bệnh chuyển sang giai đoạn giảm liều thuốc kháng giáp đang dùng, nhiều trường hợp còn phải uống liên tục từ 12 - 18 tháng, thậm chí là cả đời. Do đó một số trường hợp cường giáp bác sĩ sẽ cân nhắc đổi sang phương pháp điều trị khác khi bệnh nhân gặp phải nhiều tác dụng phụ trầm trọng hoặc tái phát cường giáp thường xuyên.

3.2. Thuốc trị bệnh cường giáp là i-ốt phóng xạ

I-ốt phóng xạ thường được bào chế dưới dạng thuốc viên. Tuyến giáp của con người có xu hướng hấp thụ i-ốt phóng xạ để phục vụ cho quá trình tổng hợp ra các hormon tuyến giáp, vì vậy sau khi uống i-ốt phóng xạ sẽ đi vào máu và tập trung vào tuyến giáp. I-ốt phóng xạ sẽ hủy hoại dần tuyến giáp để khiến cơ quan này mất đi khả năng tiết ra hormon giáp nhờ đó đẩy lùi bệnh cường giáp.

I-ốt phóng xạ sẽ có tác dụng khi dùng khoảng 6 tháng, do đó trong thời gian đợi thuốc phát huy tác dụng, bệnh nhân cần dùng kết hợp với thuốc trị bệnh cường giáp chẹn beta để hạn chế triệu chứng cường giáp. 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh sau 1 liều i-ốt phóng xạ duy nhất, rất ít trường hợp phải dùng đến liều thứ 2. Nếu đã dùng 2 liều mà bệnh vẫn chưa khỏi cần phải cân nhắc đến phương án phẫu thuật để điều trị cường giáp dứt điểm.

Tương tự các thuốc trị bệnh cường giáp khác, i-ốt phóng xạ có thể gây ra các tác dụng phụ khi dùng thuốc như sau:

  • Buồn nôn, nôn;
  • Vị kim loại trong miệng, bệnh nhân có thể thêm đường vào món ăn để cải thiện khẩu vị;
  • Viêm tuyến nước bọt: sưng 1 hoặc cả 2 bên cằm, khi đó người bệnh nên uống một chút nước chanh pha đường;
  • Tuy đây là thuốc điều trị cường giáp nhưng i-ốt phóng xạ có thể gây suy giáp. Do đó, bệnh nhân có thể sẽ phải dùng đến thuốc trị suy giáp levothyroxine suốt đời nếu gặp phải tác dụng phụ này.

Sử dụng i-ốt phóng xạ cần lưu ý những điều sau đây:

  • Phụ nữ mang thai, có dự định mang thai trong 6 tháng tới hoặc phụ nữ đang cho con bú không được dùng i-ốt phóng xạ để điều trị bệnh cường giáp;
  • Nên ngủ một mình trong vòng 5 ngày sau khi uống i-ốt phóng xạ nhằm ngăn chặn việc phóng xạ ảnh hưởng đến người xung quanh;
  • Tránh việc ra khỏi nhà trong 3 ngày đầu tiên tính từ thời điểm dùng thuốc;
  • Cần thiết phải uống nhiều nước;
  • Không tiếp xúc với trẻ em trong tuần đầu tiên dùng i-ốt phóng xạ;
  • Không sử dụng chung đồ cá nhân như khăn tắm, bàn chải... với người khác;
  • Thường xuyên rửa tay.

3.3. Thuốc trị bệnh cường giáp thuộc nhóm thuốc chẹn beta

  • Thuốc chẹn beta giúp cải thiện rất tốt các triệu chứng cường giáp trong thời gian đợi thuốc điều trị chính bắt đầu phát huy tác dụng. Những triệu chứng có thể kiểm soát được nhờ vào thuốc chẹn beta có thể kể đến bao gồm:
  • Nhịp tim nhanh;
  • Đánh trống ngực;
  • Nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài,
  • Run rẩy,...

Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc trị bệnh cường giáp nhóm chẹn beta khởi đầu với liều thấp nhất, sau đó tăng dần đến khi các triệu chứng cường giáp của bệnh nhân được kiểm soát. Thuốc chẹn beta có thể gây ra tác dụng không mong muốn là chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hoá. Khi gặp phải hiện tượng này, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng liều lượng thuốc hoặc đổi sang thuốc khác thích hợp hơn.

Lưu ý khi dùng thuốc trị bệnh cường giáp nhóm chẹn beta:

  • Người lớn tuổi bị cường giáp có thể không đáp ứng với thuốc trị bệnh cường giáp nhóm chẹn beta;
  • Báo ngày với bác sĩ nếu bệnh nhân có mắc các bệnh như huyết áp thấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh đường hô hấp, hen suyễn... trước khi dùng thuốc chẹn beta. Đặc biệt thuốc chẹn beta sẽ khiến triệu chứng hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn;
  • Thuốc chẹn beta làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với môi trường bên ngoài, do đó người bệnh cần bảo vệ da để tránh cháy nắng, dị ứng, phát ban,...

Có thể thấy bệnh cường giáp là bệnh đòi hỏi nhiều thời gian và công sức chữa trị, vì vậy người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các chỉ định sử dụng thuốc trị bệnh cường giáp của bác sĩ để bệnh nhanh có những tiến triển tích cực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan