Các thuật ngữ cơ bản về đường huyết bạn cần biết

Khi bắt đầu tìm hiểu về bệnh tiểu đường, nhiều người không rõ insulin, glucose hay đường huyết là gì. Bài viết dưới đây giải thích một số thuật ngữ phổ biến nhất mà các bác sĩ thường dùng khi nói về căn bệnh này.

1. Đường huyết/ Glucose huyết

Glucose là một loại đường mà tế bào sử dụng để tạo năng lượng. Cơ thể tạo ra glucose từ thực phẩm bạn ăn và cung cấp glucose đến các tế bào thông qua máu. Mức "đường huyết/ glucose huyết" - hay còn gọi là lượng đường trong máu, thường được đo bằng đơn vị miligam trên decilit (mg / dL).

2. Máy đo đường huyết

Đây là một thiết bị đo lượng đường trong máu của bạn. Đầu tiên bạn cần đặt một que thử vào máy đo. Sau đó, bạn chích đầu ngón tay của mình bằng một cây bút có lò xo và gắn kim nhỏ trên đầu để lấy một giọt máu. Chạm que thử vào máu và chỉ số đường huyết của bạn sẽ hiển thị trên màn hình.

Đọc hướng dẫn sử dụng riêng cho từng loại máy đo đường huyết để đảm bảo rằng bạn sử dụng đúng.

đo đường huyết
Máy đo đường huyết giúp xác định lượng đường máu của bệnh nhân

3. Tăng đường huyết và hạ đường huyết

Đây là thuật ngữ bác sĩ dùng để mô tả lượng đường trong máu của bạn cao hay thấp. Thông thường đường máu tăng khi bạn có chỉ số trên 160 mg / dL, nhưng mỗi đối tượng sẽ được đặt ra những giới hạn khác nhau. Đôi khi một số người có lượng đường trong máu cao vào sáng sớm - được gọi là “hiện tượng bình minh”. Đường máu giảm thường là chỉ số dưới 70 mg / dL; bạn có thể bất tỉnh nếu tình trạng này nghiêm trọng.

4. Hiệu ứng Somogyi

Còn được gọi là "hiệu ứng phục hồi", chỉ tình trạng lượng đường trong máu của bạn giảm rất thấp rồi lại tăng rất cao, thường xảy ra khi bạn đang ngủ. Nếu hiệu ứng này xảy ra nhiều, bạn có thể cần phải kiểm tra lượng đường trong máu vào nửa đêm. Có thể ngăn ngừa hiệu ứng Somogyi bằng cách ăn nhẹ vào buổi tối hoặc điều chỉnh liều lượng dùng insulin.

5. Tuyến tụy

Tuyến tụy có kích thước bằng bàn tay của bạn, nằm ngay bên dưới và phía sau dạ dày. Các nhóm tế bào được gọi là tiểu đảo tụy (hay tiểu đảo Langerhans) tạo ra các hormone và dịch tiêu hóa giúp cơ thể phân hủy và sử dụng thức ăn.

Các tế bào beta của tuyến tụy tạo ra insulin và các tế bào alpha tạo ra glucagon.

6. Insulin

Hormone này giúp tế bào sử dụng glucose. Nếu tuyến tụy của bạn không tạo ra hoặc không thể sản xuất đủ, bạn có thể dùng insulin nhân tạo. Các loại insulin được chia theo khả năng hoạt động, bao gồm: insulin tác dụng nhanh, tác dụng thường xuyên hoặc tác dụng ngắn, tác dụng trung gian và tác dụng kéo dài. Người bệnh có thể cần dùng kết hợp nhiều loại insulin để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

đường máu tăng
Insulin giúp kiểm soát rối loạn chỉ số đường máu tăng hoặc giảm của bệnh nhân

7. Tiêm insulin

Có 2 cách đưa insulin vào cơ thể là bắn bằng kim và dùng ống tiêm. Ống tiêm có hai phần: ống chứa insulin và pít-tông để đẩy xuống. Bút tiêm insulin trông rất giống với bút viết thông thường. Bạn cần đổ đầy một hộp mực, điều chỉnh liều lượng và tiêm thuốc. Kim phun phản lực sử dụng áp suất cao thay vì kim đẩy insulin qua da.

8. Máy bơm insulin

Người bệnh sẽ đeo hoặc mang thiết bị này, bao gồm một ống mỏng nối với một cây kim luồn ngay dưới da. Máy bơm sẽ cung cấp một lượng nhỏ insulin trong suốt cả ngày để giữ lượng đường trong máu của bạn ổn định. Bạn cũng có thể lập trình chỉ bơm insulin vào bữa ăn hoặc khi đường máu tăng quá cao. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 thường sử dụng thiết bị này hơn những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

9 .Insulin cơ bản

Còn gọi là insulin nền, giúp giữ lượng đường trong máu của bạn ổn định giữa các bữa ăn và qua đêm. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 dùng insulin cơ bản do tuyến tụy của họ bị hỏng. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể cần hoặc không.

10. Insulin bữa ăn

Đây là loại insulin mà người bệnh tiểu đường sử dụng khi ăn hoặc khi cần giảm lượng đường trong máu. Những người sử dụng máy bơm insulin hay mũi tiêm insulin sẽ được truyền loại insulin bolus này.

đường máu tăng
Khi đường máu tăng, người bệnh có thể áp dụng insulin bữa ăn để giảm

11. Glucagon

Đây là một loại hormone khác mà tuyến tụy tạo ra, hoạt động ngược lại với insulin và làm tăng lượng đường trong máu. Glucagon cũng có trong một bộ dụng cụ để cấp cứu đường huyết thấp, trong trường hợp bạn không thể ăn hoặc uống để đường máu tăng. Nếu bạn đã ngất đi hoặc lên cơn co giật, người khác có thể tiêm glucagon cho bạn.

12. Kháng insulin

Tình trạng xảy ra khi các tế bào không sử dụng đúng insulin, ngay cả khi bạn có nhiều insulin. Bạn thường không thể biết mình bị kháng insulin, nhưng tình trạng này sẽ dẫn đến tiền tiểu đường và tiểu đường vì glucose không thể đi từ máu vào tế bào. Kháng insulin có liên quan đến béo phì, huyết áp cao và cholesterol cao. Giảm cân lành mạnh có thể giúp cải thiện tình trạng này.

13. Tiền tiểu đường

Glucose trong máu cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để trở thành bệnh tiểu đường. Tình trạng này còn được gọi là rối loạn dung nạp glucose và rối loạn đường huyết lúc đói. Nếu mắc bệnh này, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm cân, tích cực vận động hoặc dùng thuốc tiểu đường có tên là metformin.

14. Bệnh tiểu đường

Là căn bệnh mà cơ thể gặp khó khăn trong việc sử dụng hoặc không thể sử dụng glucose trong máu để tạo năng lượng. Với tiểu đường loại 1, hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể sẽ tiêu diệt các tế bào beta trong tuyến tụy sản xuất insulin. Với tiểu đường loại 2, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng tốt insulin.

đo đường huyết
Người bệnh nên kiểm tra và đo đường huyết theo chỉ dẫn của bác sĩ

15. Tiểu đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai có thể mắc một loại bệnh đái tháo đường và thường tự khỏi sau khi sinh. Điều chỉnh thực đơn và tăng cường hoạt động thể chất sẽ giúp giảm lượng đường trong máu, đảm bảo mẹ và thai nhi khỏe mạnh. Một số phụ nữ cũng cần dùng insulin. Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ 1 lần sẽ khiến bạn có nhiều khả năng bị lại trong lần mang thai sau, cũng như phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2 sau này.

16. Nhiễm toan xeton do tiểu đường

Đây là trường hợp khẩn cấp xảy ra khi bạn có nhiều glucose trong máu nhưng rất ít insulin. Để có năng lượng, cơ thể sẽ phân hủy chất béo và tạo ra xeton. Nếu xeton tích tụ trong máu, bạn có thể hôn mê và tử vong.

17. Kiểm tra đường huyết lúc đói

Bác sĩ sẽ đo đường huyết của bạn sau khi nhịn ăn từ 8 - 12 giờ. Xét nghiệm này được sử dụng để chẩn đoán tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường. Người đã mắc bệnh tiểu đường cũng có thể thực hiện xét nghiệm để theo dõi lượng đường trong máu.

18. Khả năng dung nạp glucose qua đường uống

Đây cũng là một xét nghiệm giúp chẩn đoán tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường. Bạn được yêu cầu nhịn ăn vào đêm hôm trước. Vào buổi sáng bắt đầu xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu. Sau đó, bạn sẽ uống 1 ly nước đường glucose và sẽ tiếp tục lấy thêm mẫu máu trong 2 - 3 giờ tiếp theo. Kết quả cho bác sĩ biết cách cơ thể bạn sử dụng glucose.

19. A1c

Còn được gọi là xét nghiệm hemoglobin A1c, HbA1c, hoặc glycohemoglobin - có tác dụng đo lượng đường "trung bình" trong máu của bạn trong vòng 2 - 3 tháng qua. Xét nghiệm cho biết lượng glucose đã bám vào các tế bào hồng cầu của bạn. Kết quả là một tỷ lệ phần trăm và sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của bạn. Ví dụ, chỉ số A1c bằng hoặc dưới 7% có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh ở người lớn.

20. Bác sĩ nội tiết

Là bác sĩ chuyên về các tuyến và hormone như insulin. Đối tượng cần đến gặp bác sĩ nội tiết bao gồm: người mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát bệnh hoặc gặp các biến chứng do bệnh này hay phải sử dụng máy bơm insulin.

21. Carbohydrate

Cùng với protein và chất béo, carbohydrate là một trong 3 loại chất dinh dưỡng chính trong thức ăn của bạn. Carbs bao gồm đường và tinh bột, là nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho cơ thể. Carbs lành mạnh là ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau. Carbs không lành mạnh là thực phẩm có thêm đường, ít vitamin và khoáng chất - bao gồm bánh quy, soda và kẹo.

22. Chỉ số đường huyết thực phẩm (GI)

Không phải tất cả các loại carbs đều giống nhau. Hệ thống xếp hạng GI giúp bạn so sánh các loại thực phẩm nào sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhiều hay ít.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

934 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan