Các thông tin hữu ích giúp bạn ngăn chặn hiện tượng ngủ gật khi lái xe

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bách - Bác sĩ chuyên khoa Hô Hấp - Đơn nguyên Hô hấp - Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hiện tượng ngủ gật khi lái xe hiện nay không hiếm và là một trong các nguyên chính dẫn đến các cuộc tai nạn giao thông đáng tiếc. Vậy giải pháp nào có thể giúp các tài xế tránh được các cơn buồn ngủ khi tham gia giao thông?

1. Ngủ gật khi lái xe nguy hiểm như thế nào?

Hiện tượng ngủ gật khi lái xe chiếm khoảng một trong sáu căn nguyên tai nạn nghiêm trọng và một trong tám căn nguyên tai nạn dẫn đến việc tài xế hoặc hàng khách nhập viện. Tỷ lệ phần trăm cao này phù hợp với việc quan sát các vụ tai nạn lái xe buồn ngủ xảy ra ở tốc độ cao, mà không có các thao tác tránh né như phanh hoặc chuyển hướng, có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn.

Việc phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng ngủ gật khi lái xe sẽ làm giảm đáng kể các vụ tai nạn và hậu quả nghiêm trọng do tai nạn gây ra. Khuyến khích các lái xe báo cáo về tình trạng sức khỏe và tần suất xảy ra cơn buồn ngủ khi tham gia giao thông, bởi xác định được các đối tượng có nguy cơ xuất hiện tình trạng ngủ gật là điều rất quan trọng. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm: giáo dục sức khỏe, cảnh báo khi sử dụng thuốc an thần, tầm soát phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ... nên được thực hiện mở rộng ngoài các tài xế có cơn buồn ngủ đã báo cáo, các nhóm đối tượng cụ thể nên được can thiệp giáo dục bao gồm: lái xe trẻ, lái xe thương mại, những người bị rối loạn giấc ngủ, những người dùng thuốc an thần, làm việc ca đêm hoặc xoay vòng và những người không ngủ đủ giấc, mất ngủ và lịch sử lái xe có cơn buồn ngủ thường xuyên

ngủ gật khi lái xe
Ngủ gật khi lái xe tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng như tai nạn giao thông

Việc phát hiện các đối tượng có nguy cơ có thể cần gửi đến nhân viên y tế tư vấn và làm các cuộc thăm dò. Ví dụ: làm thăm dò giấc ngủ để chẩn đoán bệnh ngưng thở khi ngủ và đưa ra các chính sách, giải pháp giải quyết triệt để cơn buồn ngủ hoặc hạn chế tối đa hậu quả do cơn buồn ngủ khi lái xe.

Để phát hiện các đối tượng như vậy cần nhiều nguồn lực, hỗ trợ từ các nguồn lực khác nhau trong xã hội như: người nhà, đồng nghiệp, nhân viên y tế khám sức khỏe định kỳ, nhà quản lý lao động, nhân viên chính sách giao thông... Trao đổi để có thông tin, sử dụng nhân trắc học, đánh giá công việc điều khiển phương tiện hàng ngày. Có nhiều phương thức để phát hiện các yếu tố rủi ro phổ biến đối với việc lái xe buồn ngủ. Một số yếu tố chỉ ra một người có nguy cơ bao gồm:

● Rối loạn giấc ngủ (ví dụ, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn [OSA], chứng ngủ rũ)

● Tình trạng y tế hiện tại có thể ảnh hưởng đến thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ (như bất kỳ rối loạn tim phổi, hội chứng đau, căng thẳng tinh thần)

● Sử dụng các loại thuốc an thần (ví dụ, thuốc benzodiazepin, thuốc thôi miên nonbenzodiazepine, opioids) và rượu

● Điều kiện lái xe (ví dụ: đường dài, đêm khuya, lái xe một mình)

● Các yếu tố ảnh hưởng nhịp ngày đêm (ví dụ: làm việc ca đêm hoặc tăng ca)

● Các yếu tố về lối sống (ví dụ: làm việc nhiều công việc, chăm sóc trẻ sơ sinh)

● Ngủ không đủ giấc

● Tuổi trẻ

● Tiền sử đã từng có lúc ngủ gật khi tham gia giao thông hoặc làm việc

Trong các vấn đề trên, hội chứng ngưng thở khi ngủ là phổ biến, nhưng thường bị bỏ qua. Chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân mắc hội chứng này có phàn nàn về buồn ngủ ban ngày quá mức; Các triệu chứng phổ biến của các đối tượng này bao gồm ngáy to, thức dậy nghẹt thở hoặc thở hổn hển, có người sống cùng chứng kiến cơn ngừng thở khi ngủ, hay biểu hiện tiểu đêm và đau đầu buổi sáng. Các đối tượng có gợi ý về ngừng thở khi ngủ bao gồm béo phì, chu vi cổ lớn và tăng huyết áp không kiểm soát được. Các dấu hiệu này dễ dàng thu thập ở các nhân viên y tế khám định kỳ hoặc là yếu tố cảnh báo cho người nhà, đồng nghiệp, người sử dụng lao động, từ đó có thể đưa lời khuyên cho đối tượng đi tầm soát phát hiện tránh được các tai nạn và hậu quả.

Béo phì
Những người béo phì tăng nguy cơ xuất hiện dấu hiệu ngừng thở khi ngủ

Vấn đề chính của phòng ngừa ngăn chặn các hậu quả của tai nạn giao thông do ngủ gật bao gồm giáo dục về các triệu chứng buồn ngủ khi lái xe, tránh và lên kế hoạch trước, sử dụng cơn ngủ ngắn trước và caffeine trong trường hợp lái xe không thể tránh được và điều trị bất kỳ nguyên nhân cơ bản nào gây buồn ngủ quá mức, như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Bệnh nhân cũng nên được chỉ ra rằng tự bản thân đánh giá buồn ngủ là khó chính xác, và nếu có tình trạng giấc ngủ bản thân không đảm bảo, họ có thể gặp nguy hiểm ngay cả khi họ không cảm thấy buồn ngủ. Các biện pháp ứng dụng công nghệ cũng có thể đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc nhận biết và ngăn chặn lái xe buồn ngủ khách quan hơn bên cạnh tự đối tượng đánh giá.

2. Một số giải pháp ngăn chặn cơn ngủ gật khi đang tham gia giao thông

2.1. Giáo dục người lái xe

Người lái xe cần được giáo dục về các triệu chứng và dấu hiệu của việc ngủ gật trong khi lái xe và công việc về các biện pháp đối phó hiệu quả. Các triệu chứng của lái xe buồn ngủ bao gồm khó tập trung, thường xuyên chớp mắt, mí mắt nặng, mơ mộng, suy nghĩ vẩn vơ bị ngắt kết nối, khó nhớ lại một quãng đường đã đi (đôi khi được gọi là "hành vi tự động"), quên đường và các dấu hiệu đường phố đã gặp, ngáp thường xuyên, dụi mắt, khó ngẩng cao đầu và cảm thấy bồn chồn và cáu kỉnh. Tuy nhiên nên lưu ý rằng khả năng tự đánh giá mức độ buồn ngủ và hiệu suất là không đáng tin cậy và một số tài xế thường không biết về mức độ buồn ngủ của chính họ.

Nhận thức được mình có nguy cơ ngủ gật, lái xe nên được sử dụng các phương thức vận chuyển khác, chẳng hạn như lái xe thay ca, giao thông công cộng, taxi hoặc đi bộ. Điều quan trọng, các tài xế nên được lên kế hoạch trước để tránh lái xe vào những thời điểm trong ngày khi họ có khả năng ngủ gật, chẳng hạn như giữa buổi chiều, đêm muộn hoặc sau một thời gian thiếu ngủ. Nên lái xe quãng đường ngắn và sử dụng các phương thức vận chuyển thay thế.

Người lái xe
Người lái xe khi có dấu hiệu ngủ gật cần sử dụng các phương thức vận chuyển khác

Tất cả các bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ có thể gây ra cơn buồn ngủ nên được cảnh báo về nguy cơ lái xe trong khi buồn ngủ. Những bệnh nhân được coi là có nguy cơ cao (ví dụ, những người bị buồn ngủ ban ngày quá mức và có tiền sử bị tai nạn lái xe buồn ngủ hoặc ngủ gật khi lái xe đã được báo cáo) nên được cảnh báo không lái xe cho đến khi trị liệu được chứng minh và có hiệu quả.

2.2. Tư vấn cho những người đang sử dụng thuốc an thần

Người lái xe sử dụng thuốc an thần nên được cảnh báo về nguy cơ tai nạn lái xe buồn ngủ và khuyên không nên uống rượu kết hợp với các loại thuốc này. Các cá nhân nên thận trọng đối với các triệu chứng có thể cho thấy tình trạng suy giảm khả năng lái xe, đặc biệt là trong giai đoạn mới sử dụng, bao gồm buồn ngủ, không tập trung, run rẩy, rối loạn, mất ổn định dáng đi, thay đổi thị lực, ngất xỉu hoặc chóng mặt.

Bệnh nhân nên đọc kỹ thông tin kê đơn của từng loại thuốc. Thông tin kê đơn cho các thuốc an thần như zolpidem và eszopiclone chứa các cảnh báo cụ thể về nguy cơ "lái xe khi ngủ" vào ngày hôm sau.

Ngoài việc cảnh báo bệnh nhân về nguy cơ buồn ngủ khi lái xe, các bác sĩ lâm sàng cũng nên xem xét các liệu pháp trị liệu thay thế khác, sử dụng liều thấp nhất cần thiết để đạt được hiệu quả điều trị và điều chỉnh thời dùng thuốc khi có thể để hạn chế buồn ngủ khi bệnh nhân cần lái xe. Bệnh nhân nên thông báo về công việc, nghề nghiệp bản thân và hỏi ảnh hưởng của thuốc đến tình trạng lái xe cho bác sĩ lâm sàng xem xét kê đơn thuốc an thần. Trước tiên nên tiến hành phân tích cẩn thận các rủi ro tiềm ẩn, bao gồm buồn ngủ khi lái, cân nhắc lợi ích và nguy cơ có của việc dùng các thuốc này.

Ngủ gật khi lái xe
Chóng mặt là một tác dụng người lái xe có thể nhận được khi sử dụng thuốc an thần

2.3. Giấc ngủ ngắn và caffeine

Biện pháp đối phó tốt nhất để chống lại việc lái xe buồn ngủ là ngủ đủ giấc, thiếu ngủ thì phải trả lại bằng giấc ngủ. Thời gian ngủ ở mỗi người là khác nhau để chất lượng giấc ngủ phục hồi. Do đó, bất kỳ rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn nào cũng nên được điều trị hiệu quả.

Nếu bệnh nhân bị buồn ngủ khi lái xe thì bạn nên hạn chế ra khỏi đường và đến khu vực an toàn càng sớm càng tốt. Nếu cần thiết ra ngoài có thể ngủ một giấc ngủ ngắn khoảng 20 phút cũng có thể cải thiện hiệu suất hoạt động thần kinh sau khi thiếu ngủ. Những giấc ngủ ngắn dài hơn có thể dẫn đến trì trệ sau ngủ, có thể làm giảm hiệu suất trong 30 phút đầu sau khi thức dậy.

Sử dụng thận trọng caffeine cũng có thể hữu ích. Mặc dù việc sử dụng caffeine chưa được nghiên cứu chính thức trong điều kiện lái xe, nhưng các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về tình trạng thiếu ngủ kéo dài đã phát hiện ra rằng sự phản ứng, cảnh giác và sự chú ý duy trì được cải thiện sau khi uống caffeine, đặc biệt khi kết hợp với ngủ trưa. Một lượng nhỏ caffeine dùng trong một thời gian dài có thể hiệu quả hơn một liều lớn hơn.

Các chiến lược khác thường được sử dụng để chống buồn ngủ, chẳng hạn như tiếp xúc với không khí lạnh, ăn, uống và bật radio không được chứng minh là hữu ích.

Radio
Bật radio trên oto là một biện pháp ngăn chặn cơn buồn ngủ

2.4. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ(OSA)

Điều trị OSA là một phần quan trọng trong phòng ngừa ở cả người lái xe thương mại và phi thương mại. Bệnh nhân mắc chứng OSA đã biết báo cáo lái xe buồn ngủ nên được kiểm tra định kỳ về việc tuân thủ điều trị, vì việc không tuân thủ điều trị áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) là phổ biến và có nhiều chiến lược để giải quyết các vấn đề cũng như thay thế cho CPAP.

Các phân tích tổng hợp của các nghiên cứu quan sát kiểm tra nguy cơ tai nạn trước và sau khi bắt đầu điều trị CPAP đã phát hiện ra rằng điều trị có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ tai nạn cũng như các sự cố giao thông liên quan cơn buồn ngủ và các phương pháp giả lập lái xe cũng chứng minh điều này. Tác dụng tương tự đã được ghi nhận ở những bệnh nhân được điều trị bằng các liệu pháp khác cho OSA, bao gồm cả phẫu thuật và dụng cụ chỉnh hàm, mặc dù dữ liệu bị hạn chế hơn.

2.5. Vai trò của thuốc tăng cường tỉnh táo

Không đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng chất tăng tỉnh táo như modafinil ở bệnh nhân và có một số lo ngại rằng họ có thể che giấu tình trạng suy giảm liên tục ở bệnh nhân bị thiếu ngủ.

Điều này đã được đề xuất bởi một nghiên cứu về tám người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh vẫn thức qua đêm trong hai dịp riêng biệt. Các cá nhân đã được uống một liều 300mg modafinil hoặc giả dược và sau đó trải qua thử nghiệm mô phỏng lái xe hai giờ sau đó. So với các đối tượng được điều trị bằng giả dược, những người được điều trị bằng modafinil có độ lệch làn đường ít hơn khi thử nghiệm mô phỏng lái xe, nhưng các đánh giá khác không cải thiện, bao gồm nhầm lẫn làn đường, thời gian phản ứng và điều chỉnh tốc độ. Mặc dù vậy, các đối tượng đánh giá hiệu suất của họ là cải thiện. Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi modafinil có thể được khuyến nghị cho việc lái xe buồn ngủ trong điều kiện thiếu ngủ.

Chất tăng tỉnh táo modafinil
Việc sử dụng chất tăng tỉnh táo modafinil chưa đem lại hiệu quả cho những người ngủ gật khi lái xe

Ở những bệnh nhân mắc OSA, việc sử dụng các chất kích thích thường không được khuyến cáo để giảm rủi ro lái xe, không đủ bằng chứng rõ ràng rằng lợi ích khi thực hiện lái xe nhiều hơn các rủi ro tiềm ẩn, bên cạnh đó phát sinh các vấn đề: chi phí, tác dụng phụ, ít tuân thủ điều trị hiệu quả như thở máy áp lực dương, và chủ quan khi tham gia giao thông.

Ngược lại, những bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ nguyên phát mức độ nghiêm trọng như chứng ngủ rũ thường được điều trị bằng thuốc kích thích để cải thiện sự tỉnh táo vào ban ngày. Đối với những bệnh nhân như vậy, quyết định tiếp tục lái xe nên được đưa ra khi tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

2.6. Vạch làn đường cảnh báo

Các dải đường được thiết kế làm tăng tiếng ồn do lốp xe, đã được đặt trên nhiều con đường với mục đích đánh thức người lái xe đang ngủ hoặc cảnh báo tài xế thiếu tập trung. Vì các vụ tai nạn lặn buồn ngủ có xu hướng lệch khỏi đường hoặc làn đường, các dải này thường được đặt dọc theo mép đường hoặc dọc theo các đường trung tâm. Chúng cũng có thể được đặt trên các làn đường khi cần giảm tốc độ. Các dải cảnh báo được coi là hiệu quả về chi phí và được ước tính để giảm tai nạn do độ lệch đường từ 20 đến 50%. Các dải xuống trung tâm và các cạnh của con đường được chứng minh là hiệu quả hơn so với sử dụng một mình

2.7. Các biện pháp đối phó bằng công nghệ trong tương lai

Một loạt các biện pháp đối phó công nghệ đã được phát triển hoặc đang được phát triển để nhận biết và ngăn chặn việc lái xe buồn ngủ.

Đánh giá sự mệt mỏi của người lái xe, đây là một trong những công nghệ được xác nhận đầu tiên để phát hiện tình trạng buồn ngủ ở người lái xe sử dụng Camera để đo tỷ lệ đóng mí mắt trên con ngươi. Hệ thống tính toán tỷ lệ thời gian trong một phút kết hợp với cử động cơ mặt, cử động ngáp. Các cảm biến đánh giá khác bao gồm: thay đổi về nhịp tim và hô hấp bằng cách sử dụng các cảm biến ở đệm ghế và dây an toàn, cảm biến cơ lực tay và cử động vô lăng. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cài đặt trên phần mềm của xe có thể dự đoán khi nào tài xế có thể buồn ngủ và đưa ra các đáp ứng đảm bảo an toàn.

Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo có thể là một giải pháp được ứng dụng vào việc ngăn chặn các cơn buồn ngủ khi lái xe trong tương lai

Bên cạnh đó các ứng dụng phần mềm tương thích với điện thoại thông minh đã được phát triển, sử dụng cả camera phía trước và phía sau để đánh giá theo dõi làn đường, khoảng cách phanh và tính năng khuôn mặt hoặc đóng mí mắt để cảnh báo người lái khi chúng có thể bị mất tập trung hoặc buồn ngủ.

Ngoài ra, các công nghệ phòng ngừa tai nạn trên đường và ô tô không người lái cũng đang được nghiên cứu để ngăn chặn và giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn.

Các biện pháp ngăn chặn buồn ngủ khi lái xe cần được triển khai sớm hơn để các tài xế có thể nắm được và thực hiện để phòng ngừa tai nạn giao thông cũng như giảm thiểu các rủi ro không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

974 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan