Các phương pháp điều trị suy thận mạn tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Suy thận mạn là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng của thận. Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Các biện pháp điều trị suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Hiệu quả điều trị sẽ khá tốt nếu bạn được điều trị sớm.

1. Dấu hiệu của bệnh suy thận mạn tính

Suy thận mạn tính là bệnh lý thể hiện sự mất dần các chức năng hoạt động của thận, khi bệnh đến giai đoạn phát triển thì quá trình lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu bị đình trệ, lâu dần tích tụ trong cơ thể. Khi tình trạng bệnh lý kéo dài sẽ gây nên tổn thương suy thận mạn tính.

Thận có vai trò quan trọng giúp lọc máu, cân bằng điện giải, điều hòa áp suất thẩm thấu, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, nên nếu thận suy yếu, khả năng thanh lọc và đào thải kém khiến cho chất độc tích tụ lại trong người và gây rối loạn toàn bộ hoạt động của cơ quan tuần hoàn.

Triệu chứng của Bệnh suy thận mạn tính thường không rõ ràng cho đến khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề như:

  • Lượng nước tiểu giảm hoặc nhiều bất thường
  • Xuất hiện phù nề ở tay, mặt và chân
  • Thở gấp, khó ngủ
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa dẫn đến sụt cân
  • Huyết áp cao
  • Thấy lạnh và mệt mỏi
  • Ngứa toàn thân và nổi ban.
Dị ứng
Nổi ban và ngứa toàn thân cảnh báo bệnh suy thận mạn tính

2. Suy thận mạn có chữa khỏi được không?

Suy thận mạn là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng của thận. Vậy suy thận mạn có chữa được không? Câu trả lời là không và các biện pháp điều trị suy thận mạn nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.

Lý do lý giải điều này là bởi hầu hết các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận). Khi có tổn thương các nephron, các nephron còn lại phải tăng cường hoạt động để bù đắp cho sự giảm sút số lượng các nephron. Gánh nặng hoạt động bù đắp này chính là nguyên nhân dẫn đến sự xơ hóa và mất chức năng của các nephron bình thường. Do đó, theo thời gian, số lượng các nephron bị hư hỏng ngày càng nhiều.

Đến một giai đoạn nào đó, các nephron còn lại sẽ không đủ để duy trì chức năng của thận nên xuất hiện các triệu chứng suy thận mạn. Nếu không chữa trị, thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận và có khả năng gây tử vong do những biến chứng của suy thận mạn gây ra như:

  • Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, phù phổi cấp;
  • Tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng;
  • Bệnh tim mạch;
  • Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương;
  • Thiếu máu;
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra khó tập trung (nguy hiểm nếu người bệnh đang làm việc lao động hay lái xe), thay đổi tính cách hoặc co giật;
  • Giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Tim mạch
Biến chứng của suy thận mạn đến tim mạch

3. Các phương pháp điều trị suy thận mạn tính

Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Các biện pháp điều trị bệnh thận mạn tính chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Hiệu quả điều trị sẽ khá tốt nếu bạn được điều trị sớm.

3.1. Điều trị bệnh huyết áp

Huyết áp tăng là nguyên nhân gây ra bệnh suy thận mạn. Vì vậy, nếu như không điều trị huyết áp tăng sẽ tiếp tục hủy hoại thận của người bệnh cũng như dẫn tới các bệnh lý tim mạch khác.

Phương pháp điều trị gồm:

  • Sử dụng thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể để vừa giúp làm giảm huyết áp vừa tăng chức năng cho thận.
  • Trường hợp thuốc không mang lại hiệu quả điều trị hoặc vì lý do nào mà người bệnh không sử dụng được thuốc thì bác sĩ sẽ kê nhóm thuốc khác.

3.2. Kiểm soát Cholesterol

Cholesterol cao gây nên các vấn đề về tắc nghẽn mạch máu, vì thế thuốc Statin sẽ giúp làm giảm các cholesterol khiến chúng không thể bám vào thành các mạch máu của người bệnh để gây nên các vấn đề về tắc nghẽn mạch máu.

3.3. Điều trị các vấn đề gây nên bởi suy thận

  • Suy thận mạn gây ứ dịch: Thận có vai trò quan trọng giúp lọc máu, cân bằng điện giải, điều hòa áp suất thẩm thấu, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Khi thận bị suy nghĩa là thận hoạt động không tốt nên lâu dần dịch tích tụ trong cơ thể, điều này khiến cho chân của người bệnh bị sưng phù và huyết áp tăng cao. Để điều trị, bác sĩ sẽ kê thuốc lợi tiểu để giúp người bệnh đào thải bớt nước trong cơ thể qua đường tiểu.
  • Gây dư thừa acid: Thừa acid gây tình trạng toan chuyển hóa, dẫn tới một số vấn đề như loạn nhịp tim, hôn mê, co giật. Việc điều trị lúc này là sử dụng các thuốc kháng acid được gọi là muối bicarbonate (baking soda).
  • Gây dư thừa Kali: Kali có thể tăng lên trong máu và gây ra tình trạng tăng Kali máu khi thận bị suy, dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề khác liên quan tới thần kinh cơ. Bác sĩ sẽ kê lợi tiểu hoặc một số loại thuốc khác để cơ thể không bị quá tải dịch và Kali cho người bệnh.
  • Tình trạng thiếu máu: Thiếu máu sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy khó thở và mệt mỏi. Việc điều trị sẽ tiêm một chất có hoạt động giống EPO (gọi là chất kích thích sinh EPO), người bệnh có thể bổ sung thêm sắt bằng đường uống hoặc tiêm.
  • Suy thận mạn gây yếu xương: Để ngăn chặn những điều này, nhiều bệnh nhân suy thận mạn sẽ được bổ sung canxi và vitamin D hoặc được kê một số thuốc được gọi là gắn phosphate, với mục đích làm giảm số lượng phosphate trong máu.
nguoi-lon-co-can-bo-sung-vitamin-d-1
Bổ sung vitamin D cho người bệnh suy thận mạn

3.4. Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Phương pháp này giúp người bệnh kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng:

Chế độ luyện tập: Tập thể dục thường xuyên hơn nhưng tránh các hoạt động mạnh. Đồng thời, ghi lại cân nặng hằng ngày.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý:

  • Hạn chế: Không nên ăn nhiều muối (ăn nhạt nếu có phù, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 2 thìa nhỏ nước mắm); ăn hạn chế đạm thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng, tránh ăn nội tạng động vật; đồ nướng, rán, thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, dẻ, socola); thực phẩm giàu phốt-pho (pho-mat, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ...).
  • Thức ăn được khuyến khích: Chất bột (các loại khoai, miến dong); chất đường (đường, mía, mật ong, hoa quả ngọt); chất béo thực vật; bổ sung canxi; bổ sung vitamin nhóm B, C, acid folic...
  • Uống nhiều nước: Giúp đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia; tránh stress, có chế độ sinh hoạt điều độ, hợp lý.
Thuốc lá điện tử
Người bệnh suy thận mạn tính không nên hút thuốc lá

3.5 Điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối

Khi suy thận mạn tính giai đoạn cuối đồng nghĩa với việc chỉ còn lại 15% chức năng thận bình thường và không thể lọc bỏ các chất độc, dịch dư thừa ra khỏi cơ thể, phương pháp điều trị suy thận mạn tính lúc này sẽ gồm:

  • Thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng)
  • Chạy thận nhân tạo
  • Ghép thận (người bệnh cần uống thuốc suốt đời để giúp cơ thể thích nghi với thận đã được ghép).

Việc chữa suy thận mạn tính khỏi hoàn toàn là điều không thể nhưng người bệnh cũng không nên quá bi quan, chỉ cần thăm khám sức khỏe định kỳ và điều trị theo đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể những tác động xấu mà bệnh gây ra.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan