Các biện pháp phòng chống tự tử

Song song với sự phát triển của xã hội hiện nay là những áp lực đến tinh thần con người khiến con người nghĩ đến cái chết nhiều hơn. Vì vậy, biết được cách phòng chống tự tử là việc cần thiết bảo vệ bản thân và gia đình.

1. Tìm hiểu chung về hành động tự tử

Tự tử là một trong các hành động dẫn đến cái chết của nhiều người, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử. Con số này chưa bao gồm những người tự tử nhưng không thành do được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Chính vì vậy, việc quản lý các đối tượng có nguy cơ tự tử và phát hiện kịp thời các dấu hiệu của người có suy nghĩ tự tử sẽ góp phần ngăn ngừa và chặn đứng được các hành động tự tử.

Những người thường có nguy cơ tự tử:

  • Người bị mắc các chứng bệnh tâm thần, đặc biệt là bệnh trầm cảm.
  • Người bị mắc các bệnh thực thể như: ung thư, bệnh mạn tính dai dẳng gây đau đớn, khó chịu,...
  • Người sử dụng các loại chất kích thích, ma túy, bia rượu.
  • Người đang gặp phải các khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, công việc, tình yêu và hạnh phúc gia đình.
  • Người trước đây đã có ý định tự sát nhưng bất thành.
  • Đặc biệt là những trẻ vị thành niên đang có những xung đột nhất thời với gia đình, bạn bè và xã hội.

Một số dấu hiệu thường gặp của những người có ý định tự tử, ngoại trừ một số trường hợp tự tử do phát sinh nhất thời:

  • Luôn luôn nhắc đến cái chết, muốn được chết, xem chết là một cách giải thoát duy nhất.
  • Quan tâm đến cái chết: viết thư tuyệt mệnh, nói những lời vĩnh biệt, sưu tầm các câu nói, bài viết về sự chết chóc,...
  • Chuẩn bị các phương tiện để hiện thực hóa việc tự tử: mua các loại thuốc về giấu ở nhà, dao, kéo, xăng, dây thắt cổ, hay ghé qua các công trình cao tầng, sông, hồ, cầu,...
  • Than vãn về sự bế tắc, vô vọng, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai, không chịu được với cuộc sống hiện tại,...
  • Tự đày đọa bản thân, nghĩ mình luôn tội lỗi, là gánh nặng của gia đình và xã hội.
  • Chuẩn bị hành lý, thu xếp các công việc như xin nghỉ việc, chuẩn bị quần áo, phương tiện cá nhân giống với một chuyến đi chơi xa,...
  • Thờ ơ, không quan tâm đến các hoạt động mà trước đó rất yêu thích và có những hành vi bất thường như: sử dụng các chất kích thích quá mức, sống buông thả, bất cần, không nghe lời khuyên của bất cứ ai, không ăn, không ngủ, vui buồn thất thường, không quan tâm đến bản thân,...
  • Thay đổi tính cách: từ người đang buồn bã ủ rũ đột nhiên trở nên vui vẻ, lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống. Đây là biểu hiện cực kỳ nguy hiểm vì nếu không cảnh giác cao thì những người xung quanh dễ bị đánh lừa rằng họ đã thực sự có giải pháp tích cực để có thể vượt qua được sự bế tắc.

Những phương tiện được sử dụng cho mục đích tự tử:

  • Thuốc uống và các chất độc hại: các loại thuốc, thuốc nông nghiệp, lá ngón,...
  • Nhảy cầu, sông, suối, các tòa nhà cao tầng.
  • Thắt cổ.
  • Sử dụng các vật nhọn để đâm vào cơ thể, các mạch máu lớn.
  • Các phương tiện giao thông.
  • Điện giật.

2. Có thể phòng chống tự tử bằng cách nào?

Khi phát hiện người có ý định tự tử, bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng chống tự tử sau đây:

  • Tiếp cận đối tượng: trao đổi, tìm hiểu, chia sẻ về những khó khăn, bế tắc hiện tại của họ để giúp họ suy nghĩ thông suốt và tích cực hơn. Cho họ biết rằng mọi việc sẽ đều có cách giải quyết mà không phải là việc tìm đến cái chết.
  • Quan tâm họ thường xuyên với thái độ cởi mở, chân thành, giúp họ mở lòng chia sẻ hết các nỗi buồn u uất, bức xúc để họ nhẹ lòng hơn, giúp cho họ cảm thấy không còn cô đơn mà có cảm giác luôn có người tốt ở bên cạnh, ủng hộ mình trong cuộc sống
  • Liên hệ với các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý để có được các biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời cho từng đối tượng.
  • Khuyên ngăn họ thực hiện lối sống lành mạnh, không nghiện ngập, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, tránh căng thẳng quá mức. Đồng thời hãy thường xuyên đưa họ ra ngoài, tham gia các hoạt động giải trí, vận động thể dục thể thao, thư giãn để đầu óc trở nên tỉnh táo, thư thái hơn
  • Cung cấp cho họ địa chỉ, cách thức liên lạc những nơi tin cậy để họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn nào đó.
  • Cất hết những phương tiện mà họ có thể sử dụng để tự tử, tránh xa những tòa nhà cao tầng, sông, suối,...
  • Với đối tượng là học sinh, sinh viên, bố mẹ hãy thường xuyên lắng nghe, trò chuyện với họ như những người bạn, khuyên nhủ, tránh đặt ra những áp lực nặng nề.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho bạn biết thêm các biện pháp phòng chống tự tử. Bởi xét cho cùng, ai cũng đều yêu cuộc sống và sinh mạng của mình, những người có ý định tử tự là khi họ đang cực kỳ bế tắc và không thoát ra được. Chính vì vậy, họ luôn cần sự quan tâm của người thân, gia đình, bạn bè và toàn thể xã hội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan