Biện pháp phòng ngừa hiệu quả uốn ván là gì?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tiến Ngọc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là chủ động chích ngừa tạo miễn dịch bảo vệ trước khi bị vết thương. Có 3 lịch tiêm chủng cho 3 nhóm đối tượng: trẻ dưới 5 tuổi, trẻ lớn và người lớn, thai phụ.

1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh uốn ván do vi trùng Clostridium tetani gây nên, đây là vi trùng gram dương, yếm khí, sống hoại sinh trong ruột người và gia súc. Bệnh xảy ra do điều kiện vệ sinh kém, bào nang của vi trùng có khắp mọi nơi: đất bẩn có nhiễm phân, nhưng có thể trên bàn ghế, đất cát,...

Bào nang uốn ván xâm nhập cơ thể qua vết thương da, hoặc niêm mạc,... Những vết thương sâu, vùng tưới máu kém, vết thương có dị vật, vết thương do đinh sét gỉ... có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Tuy nhiên một vết thương nhỏ, sạch vẫn có thể là ngỏ vào gây bệnh, bản thân vi trùng uốn ván không gây nhiễm trùng vết thương. Thực tế cho thấy khoảng 10-30% bệnh nhân uốn ván không tìm thấy ngỏ vào.

2. Chẩn đoán xác định bệnh uốn ván

Có 4 thể bệnh: uốn ván toàn thân, uốn ván sơ sinh, uốn ván cục bộ, uốn ván đầu mặt. Chẩn đoán xác định bệnh uốn ván hoàn toàn dựa vào triệu chứng lâm sàng, với các dấu hiệu sau:

  • Tăng trương lực cơ (co cứng cơ)
  • Co thắt, co giật, không rối loạn tri giác khi co giật
  • Không sốt (trừ khi bị bội nhiễm hay nhiễm trùng khác kèm theo)
  • Dung nạp với an thần liều cao
  • Chưa tiêm ngừa uốn ván
  • Có vết thương ngỏ vào (nhiều trường hợp cũng không tìm thấy ngỏ vào của vi trùng)
Hình ảnh uốn ván trẻ sơ sinh
Hình ảnh trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván

Uốn ván toàn thân: là thể thường gặp nhất, trường hợp điển hình bệnh sẽ tiến triển qua 4 giai đoạn như sau:

  • Thời kỳ ủ bệnh: Tính từ lúc bào nang xâm nhập cơ thể (thường là lúc bị vết thương ngõ vào) cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh. Thời kỳ này càng ngắn thì tiên lượng bệnh càng nặng, từ 7-30 ngày.
  • Thời kỳ khởi bệnh: triệu chứng điển hình là vẻ mặt cười nhăn do co cứng hàm và cứng khối cơ mặt khiến môi bạnh ra như cười, khe mắt hẹp, rãnh mũi má sâu hằn lên...
  • Thời kỳ toàn phát: cứng cơ toàn thân, co giật, co thắt, tăng tiết đàm nhớt, rối loạn thần kinh thực vật, táo bón, bí tiểu,...
  • Thời kỳ khỏi bệnh: hết co giật, hết co thắt, tỉnh táo, hết khó thở,....

Chẩn đoán phân biệt

  • Hàm há hạn chế do viêm khớp thái dương hàm, ổ nhiễm trùng ở góc hàm
  • Hội chứng ngoại tháp do thuốc như: Chlorpromazine, Metoclopramide,...
  • Viêm màng não
  • Hạ calci máu ở trẻ sơ sinh

3. Điều trị bệnh uốn ván

3.1 Xử trí vết thương

Rửa sạch vết thương ngay lập tức với oxy già, lấy sạch dị vật, cắt lọc mô hoại tử, vết thương dơ ở vị trí tưới máu kém như (gót chân, mu chân,...) nên để hở da, săn sóc đến khi vết thương lành. Vết thương dơ không được khâu kín vết thương.

3.2 Kháng độc tố

Có 2 loại kháng độc tố:

  • SAT: liều dùng 1000 UI/kg cho trẻ sơ sinh, 500 UI/kg cho người lớn. Chế phẩm SAT 1500 UI/ml, thường dùng 14 ống (21.000 UI) tiêm bắp cho người lớn (do thể tích lớn nên chia ra 2 vị trí tiêm bắp khác nhau).
uốn ván
Kháng độc tố SAT được sử dụng trong điều trị bệnh uốn ván

Phải test khoảng 75UI SAT, nếu dương tính, chích theo phương pháp Bedreska, có thể tiêm 50mg Promethazine 15-30 phút trước khi tiêm SAT, để giảm tác dụng phụ dị ứng.

  • HTIG (Human tetanus Immuno Globulin) thời gian tác dụng kéo dài 2-3 tháng, liều dùng 500-600UI tiêm bắp.
  • Kháng sinh: hay dùng Penicilline (100.000 UI/kg) và Metronidazole (dùng 7-10 ngày, liều 500mg x 3-4 lần/ngày)
  • Chống co giật: Benzodiazepam, Midazolam, Phenobarbital,...
  • Thuốc giãn cơ: Pipecuronium hoặc Vecuronium, liều cắt cơn 0,05mg/kg, duy trì 0,02-0,05 mg/kg/giờ.
  • Các vấn đề khác: suy hô hấp, mở khí quản kịp thời, thở máy, điều trị rối loạn thân nhiệt, dinh dưỡng, cân bằng nước, điện giải,...

4. Tiêm phòng uốn ván

Tất cả những người chưa tiêm ngừa uốn ván, chưa tạo được kháng thể bảo vệ đều có nguy cơ mắc bệnh. Ở Việt Nam, nhờ chương trình tiêm chủng uốn ván cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, đề phòng uốn ván sơ sinh nên tỷ lệ nữ bị uốn ván thấp hơn nam trong cùng lứa tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

368 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan