Bị muỗi đốt bao lâu sẽ mắc sốt xuất huyết?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, thường bùng dịch theo chu kỳ và nếu không điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Xung quanh căn bệnh này, nhiều người thắc mắc bị muỗi đốt sốt xuất huyết bao lâu thì phát bệnh? Thời gian sốt xuất huyết ủ bệnh bao lâu?

1. Tổng quan về tình hình sốt xuất huyết ở nước ta

Ở Việt Nam, tình hình nhiễm sốt xuất huyết diễn biến không cố định. Thời kỳ cao điểm bùng dịch sốt xuất huyết thường là từ tháng 6 - 10 hàng năm. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng liên tục, từ hơn 24.000 ca năm 2000 lên gần 70.000 ca trong năm 2011. Hơn 85% trường hợp mắc sốt xuất huyết và 90% số ca tử vong xảy ra ở các tỉnh miền Nam nước ta. Trong đó, khoảng 90% tổng ca tử vong do sốt xuất huyết là ở trẻ em dưới 15 tuổi. Điều tích cực là Việt Nam đã nỗ lực giảm được tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết, tỷ lệ ít hơn 1/1000 từ năm 2005 đến nay.

Bạn có thể quan tâm: Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội có nguy cơ bùng phát vào cuối tháng 3, đầu tháng 4

2. Bị muỗi đốt sốt xuất huyết thì phát bệnh?

Xung quanh thắc mắc bị muỗi đốt sốt xuất huyết ủ bệnh bao lâu, các bác sĩ cho biết tính từ khi nhiễm virus do muỗi đốt, người bệnh sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 3 - 14 ngày (trung bình là khoảng 4 - 10 ngày).

Sau khi qua giai đoạn ủ bệnh, sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát với những triệu chứng ban đầu, tuy nhiên triệu chứng sốt xuất huyết không đặc hiệu mà gần giống với cảm cúm. Người bệnh thường sốt dai dẳng từ 2 ngày đến 1 tuần, thuyên giảm dần khi virus không còn trong máu. Ngoài sốt cao trên 40oC, bệnh nhân có thể gặp thêm ít nhất 2 trong những biểu hiện dưới đây:

  • Đau nhức đầu
  • Sau hốc mắt cảm thấy nhức
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau mỏi cơ, xương hoặc khớp
  • Phát ban hoặc ngứa ngáy.
Đau đầu ù tai chóng mặt
Sau giai đoạn ủ bệnh, người bệnh có thể gặp tình trạng đau nhức đầu

Tiếp đến là giai đoạn giai đoạn xuất huyết. Thời kỳ nghiêm trọng này thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 7 kể từ khi bệnh khởi phát, có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Thân nhiệt giảm xuống không có nghĩa là bệnh nhân đang hồi phục. Ngược lại, cần phải theo dõi những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến nặng như sau:

  • Đau bụng cấp tính
  • Nôn kéo dài
  • Chảy máu nướu răng
  • Ói ra máu
  • Thở gấp
  • Mệt mỏi, bứt rứt trong người

Nếu nghi ngờ, người bệnh có các triệu chứng sốt xuất huyết nặng, chuyển biến sang thời kỳ xuất huyết, cần đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu. Nếu chậm trễ, người bệnh có thể gặp phải các nguy cơ như:

  • Thoát huyết tương gây sốc hay ứ dịch, kèm theo suy hô hấp
  • Xuất huyết nặng
  • Suy đa tạng nghiêm trọng.

Về cơ bản, sốc do sốt xuất huyết nặng là bệnh đã tiến triển gây suy tuần hoàn, tụt huyết áp, huyết áp kẹt (hiệu số giữa huyết áp tối đa và tối thiểu nhỏ hơn 20mmHg). Cuối cùng, sốc dẫn sẽ đến tử vong nhanh (8 - 24 giờ sau khi xuất hiện dấu hiệu suy tuần hoàn) nếu không được điều trị kịp thời.

XEM THÊM: Sốt xuất huyết: Giai đoạn nào nguy hiểm nhất?

Sốt xuất huyết là gì?
Người mắc bệnh sốt xuất huyết cần được phát hiện và điều trị kịp thời

3. Cách phòng tránh muỗi sốt xuất huyết

Giảm nguồn lây bằng cách loại bỏ môi trường sinh sản, đẻ trứng của muỗi vằn là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất. Khi số lượng trứng, lăng quăng và bọ gậy giảm sẽ kéo theo giảm muỗi sốt xuất huyết trưởng thành, từ đó giảm mức độ lây truyền sốt xuất huyết. Một số lời khuyên hữu ích để phòng bệnh như sau:

  • Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng bằng cách dọn dẹp môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản, ví dụ như dụng cụ chứa nước sinh hoạt phải được đậy kín hoặc loại bỏ nước đọng
  • Vệ sinh cẩn thận những thùng chứa nước mỗi tuần để loại bỏ trứng muỗi, tránh không cho trứng, ấu trùng hoặc nhộng sinh trưởng thành muỗi sốt xuất huyết
  • Xử lý chất thải đúng cách, loại bỏ môi trường sống nhân tạo cho muỗi
  • Cho thêm muối hoặc thuốc diệt côn trùng phù hợp vào những thùng chứa nước ngoài trời
  • Bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, dùng thuốc xua muỗi...
  • Nhận thức, tuyên truyền và kêu gọi mọi người tham gia chống sốt xuất huyết
  • Phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết trong thời điểm bùng phát dịch là biện pháp kiểm soát khẩn cấp
  • Phát hiện các triệu chứng lâm sàng và theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết để giảm tỷ lệ tử vong do bệnh trở nặng.

Trên đây là những thông tin về đặc điểm của vật trung gian truyền bệnh, bị muỗi đốt sốt xuất huyết ủ bệnh bao lâu và những biện pháp phòng ngừa. Diễn biến bệnh sốt xuất huyết khá phức tạp, tiên lượng khó khăn, có thể chuyển nặng bất kỳ lứa tuổi và thời điểm. Vì vậy, không được chủ quan với căn bệnh này, mà phải đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

64.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan