Bị bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?

Thắc mắc: “Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?” đang là vấn đề mà rất nhiều người bệnh bị suy giáp và người nhà bệnh nhân quan tâm. Những người bị suy giáp thường sẽ phải điều trị bằng thuốc viên thay thế hormone hàng ngày. Tuy nhiên, cần điều trị với thuốc kéo dài trong bao lâu và có thể chữa khỏi suy giáp hoàn toàn không, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Bệnh suy giáp là gì?

Suy giáp hay tuyến giáp hoạt động kém sẽ xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp để điều chỉnh năng lượng của cơ thể, làm ấm cơ thể và kiểm soát sự trao đổi chất. Điều này khiến các bộ phận trong cơ thể hoạt động chậm lại, gây ra tình trạng mệt mỏi, khô da, nhạy cảm với ánh sáng. Suy giáp không được điều trị có thể làm tăng mức cholesterol. Các triệu chứng suy giáp thường thay đổi và không có biểu hiện điển hình, vì thế cách duy nhất để biết bản thân có mắc bệnh suy giáp hay không là xét nghiệm máu định lượng TSH.

Để có thể trả lời được câu hỏi: “Bệnh suy giáp có chữa được không?”, “Cách chữa bệnh suy giáp là gì?” còn phụ thuộc vào độ tuổi và nguyên nhân gây ra bệnh là gì?

2. Nguyên nhân gây suy giáp

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các tế bào tuyến giáp không thể sản xuất đủ lượng hormone tuyến giáp cơ thể cần. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình thường gặp nhất:

  • Người bệnh mắc viêm tuyến giáp tự miễn, viêm tuyến giáp xơ teo, viêm tuyến giáp Hashimoto. Bệnh thường hay gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
  • Người bệnh phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ tuyến giáp ở người bệnh có nhân tuyến giáp, bệnh Basedow hay ung thư tuyến giáp. Trường hợp người bệnh cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp sẽ dẫn đến suy giáp và trường hợp chỉ cắt bỏ 1 phần thì phần còn lại sẽ có nhiệm vụ sản xuất ra đủ hormone tuyến giáp để giữ cho nồng độ hormone trong máu giữ mức bình thường.
  • Người bệnh đang điều trị bức xạ bệnh Basedow, ung thư đầu - cổ được điều trị xạ trị, bướu nhân độc được điều trị bằng iốt phóng xạ,...điều này có thể mất một phần hoặc toàn bộ chức năng của tuyến giáp.
  • Trong một số trường hợp người bệnh bẩm sinh đã có không có tuyến giáp hoặc chỉ hình thành được 1 phần tuyến giáp, tuyến giáp bị lạc chỗ 1 phần hoặc toàn bộ và hoạt động không bình thường.
  • Người bệnh bị viêm tuyến giáp có thể do do nhiễm virus hoặc tự miễn dịch. Điều này có thể làm cho tuyến giáp giải phóng toàn bộ hormone tuyến giáp dự trữ vào máu cùng một lúc, khiến tuyến giáp hoạt động quá nhiều gây ra cường giáp trong thời gian ngắn và khiến tuyến giáp trở nên hoạt động kém dẫn đến suy giáp.
  • Sử dụng một số thuốc làm ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp như: interferon alpha, amiodarone, lithium, interferon alpha,.....
  • Chế độ ăn uống quá nhiều hoặc quá ít i ốt. Bời vì, i ốt góp phần rất quan trọng cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, chúng được hấp thụ qua máu đến tuyến giáp, vì thế việc sử dụng i ốt vừa đủ giúp cho việc sản xuất hormone tuyến giáp ở mức cân bằng và ngược lại nếu lạm dụng i ốt có thể làm gia tăng suy giáp.
  • Tuyến yên bị tổn thương có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp do tuyến yên kích thích tuyến giáp bài tiết ra các hormone.. Vì thế, khi tuyến yên bị tổn thương có thể làm giảm hoặc ngừng sản xuất hormone ở tuyến giáp.

Ngoài ra có thể do một số rối loạn hiếm gặp xâm nhập vào tuyến giáp như bệnh sarcoidosis có thể lắng đọng u hạt, bệnh amyloidosis có thể lắng đọng protein amyloid, bệnh huyết sắc tố có thể lắng đọng sắt ở tuyến giáp...

3. Dấu hiệu nhận biết người bệnh bị suy giáp

  • Bệnh suy giáp thường không có triệu chứng điển hình, tuy nhiên có một vài dấu hiệu hay gặp như: Mệt mỏi, nhịp tim chậm, giảm trí nhớ, sợ lạnh, tóc khô dễ rụng, da khô, táo bón...
  • Ngoài ra, những người bệnh có tiền sử phẫu thuật tuyến giáp hoặc thực hiện xạ trị vùng cổ, người bệnh đang dùng thuốc điều trị (amiodarone, lithium, interferon alpha, interleukin-2) hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh lý tuyến giáp rất có thể gây suy giáp.

Việc xét nghiệm TSH tăng hoặc FT4 giảm là những dấu hiệu giúp chẩn đoán chắc chắn nhất bệnh lý suy giáp.

4. Cách chữa bệnh suy giáp

  • Suy giáp không thể chữa khỏi hoàn toàn được nhưng có thể kiểm soát được bằng cách thay thế sản xuất lượng hormone tuyến giáp từ không đủ trở lại bình thường. Thông thường sẽ sử dụng một số loại thuốc thyroxine tổng hợp như: Berlthyrox, Levosum, Levothyrox, Disthyrox, Tamidan...các dòng thuốc này có chứa hormone giống với hormon T4 mà tuyến giáp tạo ra.
  • Trong trường hợp người bệnh mắc suy giáp nặng đe dọa đến tính mạng có thể được điều trị ngoại trú, người bệnh khi sử dụng thyroxine (T4) nhưng không có cải thiện có thể sử dụng bổ sung thuốc liothyronin (T3) và thuốc thường dùng Cytomel®.
  • Trong quá trình sử dụng hormon tuyến giáp, người bệnh cần phải theo dõi để điều chỉnh liều lượng hormone tuyến giáp cho phù hợp, tránh lạm dụng quá liều dẫn tới cường giáp hoặc sử dụng quá ít chưa đủ liều hormone. Ngoài ra người bệnh cần kiểm tra lại nồng độ TSH định kì sau 6 - 8 tuần.
  • Trường hợp trẻ bị suy giáp cần được duy trì sử dụng thuốc hormone tuyến giáp hàng ngày và kiểm tra nồng độ TSH thường xuyên để ngăn ngừa việc chậm phát triển trí não và còi cọc. Bố mẹ có thể cho trẻ kiểm tra TSH định kỳ một năm một lần khi liều lượng thyroxine đã ổn định.

Như vậy, không có cách chữa suy giáp khỏi hoàn toàn mà hầu hết bệnh sẽ theo suốt đời. Tuy nhiên những trường hợp bị viêm tuyến giáp do virus, viêm tuyến giáp sau khi mang thai thì chức năng tuyến giáp của họ trở về bình thường. Nếu người bệnh uống thuốc đều đặn và thăm khám định kỳ, sử dụng liều lượng thyroxine phù hợp thì tình trạng suy giáp có thể được kiểm soát tốt và cũng không ảnh hưởng đến tuổi thọ.

5. Cách chữa bệnh suy giáp bẩm sinh

Trẻ em bị mắc suy giáp hay còn gọi là suy giáp bẩm sinh tiên phát, liên quan đến rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp, không đủ đáp ứng cho nhu cầu chuyển hóa và sinh trưởng của cơ thể. Nguyên nhân có thể do trong thời kỳ bào thai hoặc sau sinh mà dẫn đến suy giáp bẩm sinh hoặc suy giáp mắc phải.

Dưới đây là một số biểu hiện suy giáp bẩm sinh ở trẻ nhỏ như: Da khô, vàng da nhưng không do gan, da lạnh, phát triển chậm, giọng khàn, mí mắt xệ, táo bón, rụng tóc, chậm nói, chậm phát triển tứ chi và răng, thiếu năng lượng, học tập khó tiếp thu,...

Cũng giống như suy giáp ở người lớn thì suy giáp bẩm sinh ở trẻ nhỏ cũng không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị để đưa tuyến giáp trở về trạng thái hoạt động bình thường và sẽ điều trị suốt đời hoặc ít nhất là đến khi trẻ đã qua tuổi dậy thì để đảm bảo trẻ phát triển bình thường.

Như vậy, bệnh suy giáp có có chữa khỏi được không còn tùy thuộc vào từng cá nhân, tiền sử bệnh và đáp ứng điều trị của mỗi người bệnh. Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến suy giáp như viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Grave thì không thể chữa khỏi hoàn toàn và thậm chí có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Người bệnh ngoài kiên trì dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để có thể giảm thiểu được tối đa bệnh suy giáp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan