Bệnh Whipple là bệnh gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Bệnh Whipple hay bệnh loạn dưỡng mỡ ruột là bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn tại đường ruột. Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường ruột, sau đó theo máu đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Tỷ lệ tử vong của bệnh khá cao nếu không được điều trị kịp thời.

1. Tổng quan về bệnh Whipple

Whipple là một trong những bệnh gây rối loạn hấp thu tại đường ruột còn gọi bệnh loạn dưỡng mỡ ruột do nhiễm khuẩn tiêu hóa gây ra. Quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn của các bệnh nhân mắc bệnh Whipple bị cản trở do ruột mất protein, đặc biệt đối với nhóm chất béo và carbohydrate.

Bệnh Whipple xuất phát từ đường tiêu hóa nhưng ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể, bao gồm mắt, tim, phổi, thận và hệ thần kinh trung ương. Đặc điểm tổn thương mô bệnh học của bệnh Whipple là sự xâm nhiễm của các tế bào đơn nhân vào niêm mạc ruột non với vùng tế bào chất tăng kích thước lớn. Vi khuẩn gây bệnh Whipple có thể được nhìn thấy khi quan sát các mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi điện tử. Nhóm người ở độ tuổi trung niên là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh Whipple tuy diễn tiến chậm và âm thầm nhưng nếu không được điều trị sẽ có nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Các phương pháp điều trị hiện nay khá phong phú, chủ yếu tập trung vào việc sử dụng kháng sinh đặc hiệu tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuân thủ tốt việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ giúp tăng hiệu quả và giảm tần suất xuất hiện các vi khuẩn kháng thuốc.

Bệnh Whipple
Whipple là một trong những bệnh gây rối loạn hấp thu tại đường ruột

2. Nguyên nhân gây bệnh Whipple

Bệnh Whipple xuất hiện do sự nhiễm khuẩn tiêu hóa mà tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Tropheryma Whipplei. Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào đường tiêu hóa qua niêm mạc ruột non, gây tổn thương các vi nhung mao tại nhiều vị trí trong đường ruột. Theo đường máu, vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào các hệ cơ quan khác trong cơ thể như não, thận, tim, phổi, mắt. Những người mang vi khuẩn gây bệnh chưa chắc đã mắc bệnh Whipple. Bất thường trong hệ miễn dịch là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh khi tiếp xúc với vi khuẩn. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có liên quan được liệt kê như sau:

  • Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
  • Tuổi: Người thuộc nhóm tuổi trung niên từ 40 đến 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người trẻ tuổi.
  • Dân tộc: Châu Âu và vùng Bắc Mỹ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các ca mắc bệnh Whipple.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh Whipple trên lâm sàng

Bệnh Whipple có nhiều biểu hiện đa dạng trên lâm sàng do ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Hệ tiêu hóa không phải là cơ quan duy nhất bị tổn thương trong bệnh Whipple, tim, phổi, thận, mắt và hệ thần kinh trung ương cũng chịu sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh. Khi vi khuẩn lan đến hệ thần kinh trung ương, những tổn thương tại đây có thể không hồi phục được và khiến người bệnh tử vong. Người mắc bệnh Whipple có các triệu chứng trên lâm sàng liên quan đến bất thường tại đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa như sau:

Đau bụng buồn nôn khi tiếp xúc chất cồn
Hệ tiêu hóa không phải là cơ quan duy nhất bị tổn thương trong bệnh Whipple
  • Đau bụng kiểu đau quặn từng cơn, tăng lên sau các bữa ăn no
  • Rối loạn tiêu hóa, thường gặp nhất là tiêu chảy
  • Tổng trạng kém,mệt mỏi sụt cân do giảm hấp thu các chất dinh dưỡng tại đường ruột
  • Sốt, thường sốt nhẹ, hiếm khi sốt cao trên 39 độ
  • Ho, khó thở, đau ngực
  • Sưng đau các khớp, thường gặp ở khớp cổ tay, khớp cổ chân và gối. Đi lại khó khăn, hạn chế vận động.
  • Tăng sắc tố da ở những vùng da hở tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
  • Niêm mạc nhạt màu, do thiếu máu
  • Nghe tim phát hiện tiếng tim nhỏ nhẹ
  • Tăng kích thước lách
  • Suy giảm trí nhớ, lú lẫn
  • Nhìn mờ, giảm chuyển động mắt
  • Động kinh

Triệu chứng của bệnh Whipple trở nên rõ ràng và đa dạng hơn theo thời gian, xuất hiện và tiến triển chậm. Điều này khiến người bệnh có thể nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác tại đường tiêu hóa và các cơ quan khác. Khi có các dấu hiệu bất thường kể trên, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh sớm trước khi nhiễm trùng lan rộng, diễn tiến cấp tính và gây ra các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

4. Chẩn đoán bệnh Whipple

Chẩn đoán bệnh Whipple không phải là một việc dễ dàng vì triệu chứng tuy đa dạng nhưng không đặc hiệu. Để khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh Whipple, bác sĩ chuyên khoa cần phối hợp chỉ định thêm các xét nghiệm khác như:

  • Công thức máu: Phát hiện tình trạng nhiễm trùng và thiếu máu với số lượng bạch cầu tăng đi đôi với sự giảm số lượng hồng cầu.
  • Nồng độ protein và albumin trong máu giảm do ruột mất protein, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa.
  • Sinh thiết: Đây là phương pháp quan trọng giúp chẩn đoán chính xác các trường hợp mắc bệnh Whipple. Niêm mạc ruột non là vị trí lấy mẫu phổ biến nhất, sau đó tiến hành quan sát mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi điện tử. Chẩn đoán xác định được thiết lập khi quan sát được sự tồn tại của vi khuẩn Tropheryma Whipplei cùng với các tổn thương đặc hiệu của bệnh. Tuy nhiên, một mẫu bệnh phẩm âm tính cũng không thể loại trừ được bệnh.
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ giúp phát hiện ra nhiều loại bệnh
Chẩn đoán bệnh Whipple không phải là một việc dễ dàng

5. Các phương pháp điều trị bệnh Whipple

Bệnh Whipple do vi khuẩn Tropheryma Whipplei gây ra nên phương pháp điều trị chính là sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu để diệt vi khuẩn. Khởi đầu liệu trình điều trị, bác sĩ thường chỉ định sử dụng kháng sinh theo đường tĩnh mạch trong vòng vài tuần, sau đó chuyển sang dùng kháng sinh theo đường uống nếu có đáp ứng tốt. Thời gian dùng kháng sinh đường uống kéo dài khoảng từ 1 đến 2 năm để đảm bảo hạn chế khả năng tái phát bệnh sau này. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whipple cần tuân thủ điều trị một cách nghiêm ngặt theo hướng dẫn của các bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc để tránh bệnh chuyển nặng hơn do tổn thương hệ thần kinh trung ương hoặc tái phát về sau này.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc, bệnh nhân mắc bệnh Whipple nên áp dụng các chế độ sinh hoạt phù hợp để đẩy nhanh quá trình điều trị như ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng, bổ sung vitamin và khoáng chất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan