Bệnh viêm phổi quá mẫn là gì? Có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhiều người khi hít phải một số loại hạt bụi có thể gây ra một loại bệnh phổi gọi là viêm phổi quá mẫn. Đây là một phản ứng dị ứng gây ra các triệu chứng như ho và khó thở. Bệnh có thể ở dạng cấp tính hoặc chuyển thành mạn tính nếu không được điều trị kịp thời.

1. Bệnh viêm phổi quá mẫn là gì?

Nhiều người có thể không gặp phải vấn đề lớn khi hít phải bụi, nhưng với một số người nó lại có thể gây ra một bệnh phổi gọi là viêm phổi quá mẫn. Đây là một phản ứng dị ứng với các hạt bụi hít phải, do đó bệnh thuộc nhóm bệnh phổi dị ứng. Bệnh phổi quá mẫn không gây hen, không phải dị ứng mà là bệnh nghề nghiệp ở những người có tiếp xúc với các kháng nguyên hữu cơ đường thở (nấm mốc, vi khuẩn, protein và hóa chất) gây ra bệnh phổi cấp tính và mạn tính.

Thông thường, hệ thống miễn dịch đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng gây bệnh ở các cơ quan, bộ phận trong cơ thể trong đó có phổi. Quá trình này gây ra tình trạng viêm tại phổi để loại bỏ những tác nhân gây bệnh.

Sau một thời gian, cơ thể loại bỏ tác nhân gây bệnh, quá trình viêm sẽ dừng lại. Nhưng ở một số người quá mẫn cảm, phổi bị viêm và gây ra các triệu chứng viêm phổi quá mẫn.

Nếu được phát hiện sớm và loại bỏ các tác nhân gây bệnh thì người bệnh có thể khỏi hoàn toàn, nhưng nếu bạn tiếp xúc với các dị nguyên nhiều lần, phổi sẽ bị viêm và để lại sẹo khiến cho bạn khó thở hơn bình thường. Bệnh viêm phổi quá mẫn có thể bị nhầm lẫn với các bệnh phổi khác như là hen suyễn.

Hen suyễn
Triệu chứng của viêm phổi và hen suyễn tương đồng nên mọi người dễ nhầm lẫn

2. Các tác nhân gây viêm phổi quá mẫn

Các tác nhân gây bệnh có thể xuất hiện trong nhà, tại nơi làm việc hoặc ở bất kỳ nơi nào mà người bệnh thường đến. Quá trình tiếp xúc với các tác nhân này có thể đã diễn ra trong vài tháng hoặc nhiều năm trước khi bạn bị dị ứng với chúng.

Một số tác nhân gây viêm phổi quá mẫn như là:

  • Lông thú
  • Nấm phát triển trong điều hòa không khí, hệ thống sưởi ấm,...
  • Phân và lông chim
  • Nấm mốc ở trên cỏ khô, rơm hoặc thức ăn gia súc
  • Vi khuẩn trong hơi nước từ bồn nước nóng

Người bệnh có thể dễ bị viêm phổi quá mẫn nếu công việc phải tiếp xúc với các tác nhân này thường xuyên. Nhưng không phải tất cả mọi người tiếp xúc với các tác nhân này đều sẽ bị viêm phổi quá mẫn. Vì vậy các chuyên gia cho rằng có thể có một số gen nhất định đóng vai trò gây ra tình trạng này.

Dị ứng nấm mốc
Nấm mốc là nguyên nhân gây viêm phổi quá mẫn

3. Triệu chứng và các loại viêm phổi quá mẫn

Dựa vào thời gian mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, viêm phổi quá mẫn được chia thành ba loại sau:

  • Viêm phổi quá mẫn cấp tính: Đây là tình trạng nghiêm trọng diễn ra trong một thời gian ngắn. Người bệnh có cảm giác giống như cảm cúm sau khi tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng sẽ thuyên giảm nếu dừng tiếp xúc với chúng. Các triệu chứng có thể gặp phải bao gồm:
  • Ho
  • Hụt hơi
  • Cảm giác căng cứng trong lồng ngực
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi
  • Mệt mỏi

Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 12 giờ cho đến vài ngày.

  • Viêm phổi quá mẫn bán cấp: Bệnh có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc ở mức độ thấp với các loại bụi theo thời gian. Một cơn sốt có thể là bắt đầu của bệnh. Sau đó, bạn cảm thấy khó thở, mệt mỏi và ho xuất hiện sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Đây là tình trạng viêm phổi quá mẫn có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
  • Viêm phổi quá mẫn mạn tính: Đây là tình trạng viêm phổi lâu dài, xảy ra sau một thời gian tiếp xúc với các tác nhân. Bạn có thể gặp các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, ho và giảm cân diễn ra một cách từ từ và dần trở nên tồi tệ hơn. Loại viêm phổi quá mẫn này có thể để lại các sẹo phổi vĩnh viễn.
Mệt mỏi
Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến của người bệnh

4. Làm thế nào để chẩn đoán viêm phổi quá mẫn

Để tìm hiểu xem liệu người bệnh có thể bị viêm phổi quá mẫn hay không, bác sĩ sẽ xem xét các loại bụi mà người bệnh có thể đã tiếp xúc thông qua một số câu hỏi như là:

  • Bạn có tiếp xúc với chim hay thú cưng nào không?
  • Bạn có bồn tắm nước nóng không?
  • Bạn đã ở gần máy làm ẩm, máy sưởi hoặc điều hòa không khí không?

Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám phổi của bạn, nghe phổi để tìm những âm thanh bất thường trong phổi của bạn, kiểm tra nồng độ oxy máu. Bạn có thể được yêu cầu làm một số xét nghiệm như:

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh

5. Điều trị viêm phổi quá mẫn

Điều quan trọng nhất trong điều trị viêm phổi quá mẫn đó là người bệnh phải tránh xa các tác nhân gây bệnh. Nếu bạn đang bị viêm phổi quá mẫn mạn tính, bạn có thể phải sử dụng thuốc Steroid để giúp giảm viêm.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch như Azathioprine (Imuran) hoặc Rituximab (Rituxan) có thể hữu ích trong điều trị viêm phổi quá mẫn, song cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá hiệu quả cũng như những tác dụng phụ khi sử dụng.

Người bệnh cũng có thể cần đến phục hồi chức năng phổi - một chương trình giúp những người có vấn đề về hô hấp có thể cải thiện sức khỏe của họ.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc thở, bạn có thể cần phải sử dụng biện pháp thở oxy thông qua mặt nạ hoặc ống nội khí quản tùy theo mức độ. Có một số bệnh nhân cần sử dụng oxy mọi lúc, song một số bệnh nhân chỉ cần khi tập thể dục hoặc khi ngủ.

Đối với những bệnh nhân có nhiều sẹo trong phổi thì ghép phổi có thể là lựa chọn tốt nhất để điều trị.

tổng quan ghép phổi
Ghép phổi được áp dụng khi bệnh nhân có nhiều sẹo phổi

6. Chung sống với bệnh viêm phổi quá mẫn

Người bệnh có thể làm rất nhiều điều để giúp bản thân khỏe mạnh hơn khi bị viêm phổi quá mẫn, các việc đó bao gồm:

  • Gặp bác sĩ để có thể điều trị cho bất kỳ triệu chứng nào như mệt mỏi hoặc khó thở.
  • Tiêm các loại vắc-xin cần thiết, đặc biệt là tiêm phòng cúm để tránh nhiễm trùng có thể làm tổn thương phổi của bạn.
  • Tập luyện những bài thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Bỏ thuốc lá: Thuốc lá làm cho bệnh nặng hơn và đặc biệt là những người đang ở giai đoạn mãn tính.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan