Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?

Bệnh vảy nến là một bệnh da tự miễn rất thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh không chỉ gây khó chịu, mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cho tới nay vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh này. Tuy nhiên người bị vảy nến có thể kiểm soát bệnh bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt. Hãy cùng tìm hiểu xem bệnh vảy nến có nguy hiểm không trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là một căn bệnh tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng gia tăng tốc độ sinh sản của các tế bào da. Các tế bào này sinh sản nhanh chóng và chồng lên nhau, tạo thành các mảng trắng đục trên bề mặt da. Bệnh vảy nến có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp nhất là da đầu.

Người bị vảy nến không nguy hiểm đến tính mạng, không lây cho người khác. Tuy nhiên căn bệnh này kéo dài dai dẳng, không thể chữa khỏi hoàn toàn và để lại nhiều di chứng cho người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, tuy nhiên căn bệnh này có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Các tế bào miễn dịch lympho T có thể nhầm lẫn tế bào khỏe mạnh và kẻ thù và tấn công làm bị thương chúng. Các yếu tố được xem là thuận lợi để một người bị vảy nến là:

  • Di truyền: Nếu cha mẹ bị vảy nến thì con cái có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn.
  • Nhiễm trùng: Bệnh vảy nến có thể do các loại virus mang gen mã hóa ngược làm cho hệ miễn dịch bất thường. Ngoài ra, các liên cầu cũng gây nhiễm khuẩn da và gây bệnh.
  • Tâm lý bất ổn: Căng thẳng kéo dài có thể gây kích ứng da và làm bùng phát bệnh vảy nến. Với người bị vảy nến, việc lo lắng, căng thẳng quá mức sẽ làm bệnh diễn biến nặng hơn.
  • Rối loạn nội tiết tố nữ: Nữ giới bị vảy nến, mày đay, viêm da cơ thể có thể do rối loạn nội tiết tố.
  • Chấn thương ngoài da: Khi bị chấn thương, xây xát ngoài da, các vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi để xâm nhập và tấn công, gây tổn thương cấu trúc da, dẫn đến bị vảy nến.
  • Rối loạn hệ thống chuyển hóa: Người bị rối loạn chuyển hóa protein hoặc glucid sẽ có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao hơn.
  • Tiêu thụ rượu bia, hút thuốc lá: các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ... có thể làm kích ứng da và hình thành vảy nến.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Các loại bột giặt, mỹ phẩm, sữa tắm, ... chứa các hóa chất gây kích ứng da, nếu thường xuyên sử dụng có thể mắc bệnh vảy nến.
  • Thừa cân, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây vảy nến. Nếu tăng cân quá nhanh, người bệnh có nguy cơ bị vảy nến.

2. Triệu chứng của bệnh vảy nến

Biểu hiện chung của bệnh vảy nến là những mảng dày, đỏ được bao phủ bởi vảy trắng, bạc. Bên cạnh đó, tùy theo vị trí xuất hiện và đặc điểm tổn thương mà người bị vảy nến sẽ có triệu chứng riêng biệt của từng dạng.

  • Vảy nến thể mảng: xuất hiện các mảng đỏ da ở khủy tay, đầu gối, vùng lưng dưới.
  • Vảy nến mụn mủ: mụn mủ ở vùng da tay và chân.
  • Vảy nến thể giọt: các tổn thương dạng giọt nước rải rác khắp cơ thể. Vảy nến thể giọt thường gặp ở trẻ em sau khi nhiễm streptococci.
  • Viêm khớp vảy nến: sưng khớp ngón tay, ngón chân hoặc đầu gối, xương sống.
  • Vảy nến da đầu: những mảng da dày màu trắng trên đầu
  • Vảy nến móng tay, móng chân: móng tay, móng chân dày lên và có những lỗ nhỏ.
  • Vảy nến nếp gấp: các tổn thương ở vùng nếp gấp của da như háng, mông, nách, .. thường gặp ở người béo phì.

3. Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?

Bệnh vảy nến có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào việc tuân thủ điều trị, chăm sóc đúng cách. Với những người bị vảy nến thể nặng, tổn thương toàn thân hay vảy nến thể mủ, bị nhiễm trùng là những đối tượng có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh vảy nến có thể gây ra các biến chứng là:

  • Biến chứng trên xương khớp: Viêm khớp vảy nến gặp ở 10 – 30% bệnh nhân bị vảy nến. Các dấu hiệu của viêm khớp vảy nến là sưng, đỏ khớp ngón tay, ngón chân, cột sống, khủy tay; đau và cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng khi thức dậy; xuất hiện những cơn đau ở gót, dây chằng bám xương, mặt trong bàn chân; giảm khả năng vận động, mệt mỏi. Khi bệnh vảy nến tiến triển nặng có thể dẫn đến đau vùng cột sống, viêm cột sống dính khớp, ...
  • Ảnh hưởng hệ tim mạch: Bệnh vảy nến ảnh hưởng đến hệ tim mạch và làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Những người bị vảy nến có số lần lên cơn đau tim cao gấp 3 lần so với người bình thường. Ngoài ra, một vài loại thuốc chữa vảy nến có tác dụng phụ làm tăng mỡ máu, tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, ...
  • Ảnh hưởng nội tiết: Vảy nến làm tăng nguy cơ mắc đái đường tuýp 2 do làm tăng nồng độ Insulin trong máu, làm cơ thể đề kháng với Insulin. Người bị vảy nến có nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa khác như béo phì, gan nhiễm mỡ, tăng lipid máu, ...
  • Ảnh hưởng trên thận: Một số trường hợp vảy nến có thể dẫn đến suy thận. Ngoài ra, bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc, không tuân theo phác đồ điều trị thì có thể làm tổn thương thận.
  • Ảnh hưởng thị lực: Vảy nến ở mí mắt có thể làm ngứa, khô mắc, nóng rát, rối loạn chuyển động đồng tử... Bệnh vảy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác tại mắt như viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào.

4. Điều trị bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến đến nay chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể kiểm soát được, ngăn ngừa và hạn chế biến chứng. Khi lựa chọn phương pháp điều trị, cần cân nhắc đến thể bệnh, tuổi, vị trí tổn thương, diện tích vùng tổn thương, các phác đồ đã sử dụng.

Với các trường hợp bị vảy nến nhẹ, trung bình, có thể dùng thuốc bôi chứa corticoid, retinoid, acid salicylic, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin.

Với các trường hợp bị vảy nến nặng hơn, có thể xem xét đến việc dùng thuốc điều trị toàn thân như methotrexate, cyclosporine, vitamin A acid hay các thuốc sinh học. Quang trị liệu (UVA, UVB, laser) cũng có thể được áp dụng trong điều trị vảy nến.

Ngoài ra, có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh vảy nến bằng cách sau:

  • Không để da bị trầy xước
  • Có lối sống khoa học: không dùng chất kích thích, không ăn thức ăn cay, nóng, ...
  • Vệ sinh làn da và tránh tiếp xúc với yếu tố gây bệnh
  • Dùng kem dưỡng phù hợp để duy trì độ ẩm cho làn da
  • Dùng các loại kem đặc trị làm giảm triệu chứng dị ứng, ngứa ngáy, ...

Như vậy bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “Bệnh vảy nến là gì? Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?”.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan