Bệnh thần kinh tiểu đường: Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh thần kinh đái tháo đường là một biến chứng thần kinh của tiểu đường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 50% bệnh nhân tiểu đường. Lượng đường huyết cao làm tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể, nhất là chi dưới. Triệu chứng thần kinh tiểu đường sẽ tùy thuộc vào dây thần kinh bị tổn thương.

1. Triệu chứng thần kinh tiểu đường

Bệnh thần kinh tiểu đường được chia thành 4 loại chính. Một người có thể mắc một hoặc nhiều loại cùng lúc. Triệu chứng sẽ tùy thuộc vào loại bệnh mắc phải và dây thần kinh bị ảnh hưởng. Thông thường, các triệu chứng thần kinh tiểu đường phát triển dần dần. Người bệnh sẽ không nhận thấy dấu hiệu bất thường cho đến khi dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng.

1.1. Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Đây là loại thần kinh tiểu đường phổ biến nhất. Bệnh ảnh hưởng đến bàn chân và chân trước tiên, tiếp theo là tay và cánh tay. Các triệu chứng thần kinh tiểu đường ngoại biên thường nặng hơn vào ban đêm, bao gồm:

  • Tê bì, ít cảm nhận đau hoặc nhiệt độ nóng / lạnh;
  • Cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát;
  • Đau nhói hoặc chuột rút;
  • Tăng độ nhạy cảm khi va chạm. Ví dụ khi đắp chăn cũng có thể gây đau;
  • Chân gặp vấn đề nghiêm trọng, như loét, nhiễm trùng và đau xương khớp.
Chuột rút là dấu hiệu của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới
Bệnh lý thần kinh ngoại biên xuất hiện với triệu chứng chuột rút

1.2. Bệnh lý thần kinh tự trị

Hệ thống thần kinh tự trị kiểm soát tim, bàng quang, dạ dày, ruột, cơ quan sinh dục và mắt của bạn. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh này, dẫn đến:

  • Hạ đường huyết nhưng không nhận thức được;
  • Các vấn đề về bàng quang hoặc ruột;
  • Giảm tốc độ làm trống dạ dày, gây buồn nôn, nôn và chán ăn;
  • Nhìn mờ, tối hơn;
  • Giảm cảm giác với kích thích tình dục.

1.3. Viêm đa rễ thần kinh

Còn được gọi là teo cơ do tiểu đường, bệnh thường ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở đùi, hông, mông hoặc chân, cũng như vùng bụng và ngực. Các triệu chứng thần kinh tiểu đường thường xuất hiện ở một bên cơ thể, nhưng cũng có khi lan sang bên còn lại, bao gồm:

  • Đau dữ dội ở hông, đùi hoặc mông;
  • Cơ bắp yếu và co lại;
  • Khó đứng dậy sau khi ngồi;
  • Đau dạ dày.

1.4. Bệnh lý thần kinh khu trú / đơn nhân

Có hai loại bệnh thần kinh đơn nhân là sọ và ngoại biên. Bệnh đơn nhân nghĩa là chỉ có một dây thần kinh cụ thể bị tổn thương, dẫn đến:

  • Khó tập trung hoặc nhìn đôi;
  • Đau nhức ở phía sau một bên mắt;
Đau nửa đầu kèm đau nhức một bên mắt là triệu chứng bệnh gì?
Người bệnh xuất hiện triệu chứng đau nhức ở phía sau một bên mắt

  • Liệt một bên mặt;
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc ngón tay, ngoại trừ ngón tay út;
  • Yếu chi trên, khiến bạn dễ đánh rơi đồ đạc khi cầm nắm.

Một vài người có triệu chứng thần kinh tiểu đường nhẹ, số khác lại khá đau đớn và thậm chí dẫn đến tàn tật. Người bệnh tiểu đường cần đi khám bác sĩ nếu có:

  • Vết thương hở không lành hoặc đau, bị nhiễm trùng ở bàn chân;
  • Nóng rát, ngứa ran, yếu hoặc đau các chi, gây cản trở hoạt động hàng ngày hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ;
  • Thay đổi chức năng tiêu hóa, tiểu tiện hoặc sinh hoạt tình dục;
  • Chóng mặt và ngất xỉu.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên sàng lọc bệnh thần kinh đái tháo đường ngay sau khi được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2, và 5 năm sau khi chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1. Nếu chưa phát hiện bệnh, cần sàng lọc lặp lại mỗi năm.

2. Nguyên nhân bệnh thần kinh tiểu đường

Nguyên nhân bệnh thần kinh tiểu đường chính xác của từng loại vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng theo thời gian, đường huyết cao không được kiểm soát sẽ làm tổn thương dây thần kinh và cản trở khả năng gửi tín hiệu, dẫn đến biến chứng thần kinh của tiểu đường. Lượng đường trong máu cao cũng làm suy yếu các thành mao mạch, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh.

Tất cả bệnh nhân tiểu đường đều có nguy cơ phát triển biến chứng thần kinh của tiểu đường. Tuy nhiên một vài yếu tố rủi ro sau đây sẽ khiến dây thần kinh dễ bị tổn thương hơn:

  • Kiểm soát glucose trong máu kém: Lượng đường trong máu không được kiểm soát chặt chẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường, trong đó có tổn thương thần kinh;
  • Tiền sử tiểu đường: Nguy cơ mắc bệnh thần kinh đái tháo đường sẽ tăng theo thời gian, đặc biệt là nếu lượng đường máu không được kiểm soát tốt;
  • Bệnh thận: Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng thận. Tổn thương thận làm rò rỉ chất độc vào máu, dẫn đến tổn thương thần kinh;
  • Thừa cân: Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh tiểu đường;
  • Hút thuốc: Thuốc lá làm thu hẹp và cứng động mạch, gây giảm lưu lượng máu đến chân và bàn chân. Điều này khiến cho vết thương khó lành hơn, cũng như tổn thương các dây thần kinh ngoại biên.
Thừa cân
Chỉ số BMI vượt quá mức (thừa cân) là yếu tố nguy cơ mắc bệnh thần kinh tiểu đường

3. Biến chứng thần kinh của tiểu đường

Bệnh thần kinh tiểu đường có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

Lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL thường gây run, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh. Nhưng nếu mắc bệnh lý thần kinh tự trị, bạn có thể không nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo này.

  • Mất ngón chân, bàn chân hoặc cả chân

Tổn thương thần kinh có thể khiến bạn mất cảm giác ở bàn chân. Do đó, ngay cả những vết cắt nhỏ cũng có thể biến thành vết loét mà bạn không nhận ra. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể lan đến xương hoặc dẫn đến chết mô. Lúc này người bệnh buộc phải loại bỏ (cắt cụt) ngón chân, bàn chân hoặc thậm chí cả chân dưới.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu và tiểu không tự chủ

Nếu các dây thần kinh kiểm soát bàng quang bị tổn thương, bạn có thể không thể làm trống hoàn toàn bàng quang. Vi khuẩn tích tụ lại trong bàng quang và thận, gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Tổn thương thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức buồn tiểu hoặc kiểm soát các cơ giải phóng nước tiểu, dẫn đến rò rỉ nước tiểu không tự chủ.

Tổn thương các dây thần kinh kiểm soát lưu lượng máu có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể. Điều này khiến huyết áp giảm mạnh khi bạn đứng dậy sau khi ngồi, dẫn đến chóng mặt và ngất xỉu.

  • Vấn đề về tiêu hóa

Nếu tổn thương thần kinh tấn công đường tiêu hóa, bạn có thể bị táo bón, tiêu chảy, hoặc cả hai. Tình trạng này cũng có thể khiến tốc độ rỗng dạ dày quá chậm, dẫn đến đầy hơi và khó tiêu.

  • Rối loạn chức năng tình dục

Bệnh lý thần kinh tự trị thường làm hỏng các dây thần kinh liên quan đến các cơ quan sinh dục. Nam giới có thể bị rối loạn cương dương, trong khi phụ nữ bị khô hạn và mất cảm giác kích thích.

  • Tăng hoặc giảm mồ hôi

Tổn thương thần kinh có thể phá vỡ chức năng tuyến mồ hôi, khiến cơ thể bạn khó kiểm soát nhiệt độ đúng cách.

mồ hôi
Tình trạng tăng tiết mồ hôi khiến cơ thể bạn khó kiểm soát nhiệt độ đúng cách

Nhìn chung, triệu chứng thần kinh tiểu đường bao gồm đau và tê ở chân, bàn chân, hoặc các vấn đề ở hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, mạch máu và tim. Mọi người có thể ngăn ngừa biến chứng thần kinh của tiểu đường hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh bằng cách kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu, dùng thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống, và chăm sóc tốt cho đôi chân.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan