Bệnh gút: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Cùng với các bệnh rối loạn chuyển hóa khác như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, bệnh gút ngày càng gia tăng ở các nước phát triển cũng như ở việt Nam. Nếu chúng ta biết áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuân thủ một chế độ điều trị và theo dõi bệnh một cách chặt chẽ thì chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh và khống chế được bệnh.

Cơ chế của bệnh là do tăng acid uric trong máu (> 420μmol/l đối với nam và >360μmol/l đối với nữ, khi tăng nó sẽ lắng đọng ở các cơ quan, tổ chức của cơ thể dưới dạng tinh thể urat (ở màng hoạt dịch gây viêm khớp; ở thận gây viêm thận kẽ, sỏi tiết niệu dần dẫn đến suy thận; sụn xương; sụn khớp, sụn vành tai; ở các mô dưới da: khuỷu tay, mắt cá, gối; ở thành mạch...).

Sự tăng này có thể do nguyên phát hoặc thứ phát trong đó nguyên nhân tăng gắn liền với yếu tố di truyền và cơ địa, quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng acid uric cộng với những tác nhân do ăn nhiều những thức ăn có chứa nhiều nhân purin (gan, lòng, thịt bò, chó, tôm, cua...), uống nhiều rượu bia là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh gút.


Tăng acid uric trong máu có thể gây viêm thận kẽ
Tăng acid uric trong máu có thể gây viêm thận kẽ

1. Triệu chứng lâm sàng

+ Thể cấp tính: Đột ngột thấy sưng, đau, nóng, đỏ dữ dội ở khớp bàn ngón chân cái hoặc các khớp khác (ít hơn) như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, bàn ngón tay. Cơn đau có thể sau một một bữa ăn thịnh soạn, một chấn thương hay sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn, sau dùng thuốc (aspirin, lợi tiểu...) hoặc sau khi điều trị ung thư ( hóa chất, tia xạ), đau kéo dài 5 đến 7 ngày, có thể tự khỏi hoặc khỏi nhanh hơn khi điều trị bằng colchicin hay các thuốc giảm đau chống viêm không Steroid khác.

Toàn thân có sốt nhẹ, mệt mỏi. Xét nghiệm có thể thấy acid uric máu tăng cao nhưng cũng có trường hợp không tăng, điều này làm cho nhiều thầy thuốc lâm sàng dễ bỏ qua bệnh.

+ Thể mạn tính: Do không được điều trị nên việc tăng acid uric kéo dài gây lắng đọng ở các cơ quan tổ chức gây nổi các u cục ( hạt tophi; viêm khớp mạn tính dần gây biến dạng khớp, sỏi tiết niệu, viêm thận kẽ, suy thận, tăng huyết áp; viêm gân, viêm túi thanh dịch...). Xét nghiệm axid uric máu bao giờ cũng tăng, có tổn thương xương khớp trên hình ảnh XQ.

2. Lưu ý khi điều trị bệnh gút


Viêm khớp bàn ngón 1 chân trái
Viêm khớp bàn ngón 1 chân trái

Điều trị có hai phần tương đối quan trọng như nhau, đó là:

+ Chế độ dinh dưỡng

Tránh thực phẩm chứa nhiều nhân purin: nội tạng động vật (tim, gan, lòng bầu dục); hải sản (tôm, cua, cá hồi, cá mòi); các loại đậu, măng tây, cải bó xôi; thịt đỏ ( trâu, bò, chó); thức ăn chua ( hoa quả chua, đồ muối chua)

  • Tránh uống rượu, bia.
  • Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, corticoid.
  • Nên uống nhiều nước: khoảng 2 lít/ngày ( nước khoáng kiềm)
  • Nên ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải
  • Có thể uống sữa, ăn trứng, ăn thịt trắng ( thịt gia cầm bỏ da)
  • Không nên đi giày quá chật

Viêm khớp cổ tay, các khớp bàn ngón tay phải
Viêm khớp cổ tay, các khớp bàn ngón tay phải

Nhìn chung chế độ ăn hạn chế năng lượng vì bệnh gút hay đi kèm với các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.

+ Thuốc

Các thuốc chống viêm để điều trị cơn cấp và dự phòng cơn cấp: Colchicin hay bị ỉa chảy; các thuốc chống viêm không steroid khác (Voltazen, Piroxicam, Meloxicam, Etoricoxib...) khi không có loét dạ dày hành tá tràng và thận trong với các bệnh nhân có bệnh tim mạch; dùng corticoid đường toàn thân hay tiêm tại khớp phải theo chỉ định của bác sĩ.

Các thuốc làm giảm acid uric bao gồm: thuốc giảm sản xuất acid uric ( Allopurinol - Zyloric), chú ý thuốc hay gây dị ứng, Febuxostat ít gây dị ứng hơn. Thuốc tăng thải acid uric qua thận ( Probenecid). Các thuốc này chỉ dùng khi bệnh nhân đã hết viêm khớp cấp nhưng nếu đang dùng mà có cơn cấp thì cứ tiếp tục dùng.


Hạt tophy ở các khớp bàn ngón, ngón tay hai bên
Hạt tophy ở các khớp bàn ngón, ngón tay hai bên

Các thuốc làm kiềm hóa máu và nước tiểu, làm tăng thải acid uric như dung dịch Natribicacbonat.

Mục tiêu acid uric < 360μmol/l với Gút không có hạt Tophy và < 300μmol/l với Gút có hạt Tophy.

Người bệnh thường là khi hết cơn cấp thì tự ngưng điều trị nên acid uric máu tăng cao, bệnh tiến triển dần thành mạn tính để lại những biến chứng nặng nề ở khớp, thận và các cơ quan khác.

Vì vậy để phòng tránh cũng như khống chế bệnh một cách hiệu quả nhất thì người bệnh phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, phải thăm khám thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị kéo dài.

Khám sức khỏe tổng quát là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe. Khi khám tổng quát, người bệnh sẽ được đánh giá tổng thể các chỉ số cơ thể qua các xét nghiệm, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, các kỹ thuật thăm dò chức năng,... từ đó giúp tầm soát, phát hiện sớm các bệnh tật.

Khám sức khỏe tổng quát có thể giúp phát hiện sớm bệnh gút qua xét nghiệm acid uric máu. Đây là một xét nghiệm thường quy được thực hiện ở hầu hết các gói khám sức khỏe tổng quát. Dù không phải tất cả những người có acid uric cao trong máu đều bị gout, tuy nhiên nếu nồng độ acid uric trong máu cao và kéo dài thì nguy cơ bệnh gout rất cao. Khi kết quả xét nghiệm acid uric máu cao, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện tiếp các xét nghiệm tiếp theo cùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang khớp, chụp CT,... để chẩn đoán xác định bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe