Sốt xuất huyết giai đoạn nào thường nguy hiểm nhất?

Giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi khởi phát sốt. Bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, nhưng thể trạng suy kiệt nhiều, biểu hiện vật vã, bứt rứt, lạnh các đầu chi, chảy máu mũi, chân răng, tiểu tiện, đại tiện ra máu.

1. Sốt xuất huyết kéo dài bao lâu?

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết tính từ lúc bị muỗi bệnh đốt đến khi phát bệnh là khoảng 3 - 6 ngày, có trường hợp kéo dài đến 15 ngày. Khởi phát bệnh có biểu hiện tương tự với nhiều loại virus khác, bao gồm đau họng, chảy nước mắt, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, nhất là ở cơ lưng, kèm sốt cao đến 39 - 40oC. Một số triệu chứng kèm theo như khát nước, đau quặn bụng, rối loạn tiêu hóa, da khô do mất nước, đổ mồ hôi nóng lạnh bất thường. Trên cận lâm sàng, bạch cầu, tiểu cầu có dấu hiệu giảm, rối loạn các chỉ số đông máu.

Thường sau ba đến năm ngày, bệnh nhân sốt xuất huyết bắt đầu hạ sốt, đôi khi có thể sốt lại một, hai ngày trước khi khỏi sốt hẳn. Nếu không xuất hiện triệu chứng xuất huyết thì gọi là Dengue cổ điển, thường xảy ra đối với những người mắc bệnh lần đầu. Ở những người đã từng mắc bệnh do virus Dengue, thì trong lần tái nhiễm virus khác chủng (một chủng virus Dengue khác cũng gây ra sốt xuất huyết), dễ gặp tình trạng xuất huyết, hay xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi đến trường. Nhưng hiện nay, tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết cũng không hiếm. Đôi khi, triệu chứng ở người lớn lại nặng nề hơn trẻ em. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng cần được theo dõi đặc biệt khi mắc sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào thời điểm phát hiện, chữa trị và thể trạng của bệnh nhân. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày.

2. Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết
Giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi khởi phát sốt

Giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi khởi phát sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, kèm theo những biểu hiện như thoát huyết tương (do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài trong khoảng 24 - 48 giờ), tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề ở mi mắt, gan to và có thể gây đau. Nếu bị thoát huyết tương nhiều, bệnh nhân sốt xuất huyết dễ gặp phải sốc với các triệu chứng như vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh ở các đầu chi, da lạnh ẩm, nhịp nhanh và gấp, lượng nước tiểu ít, huyết áp bị kẹt (là tình trạng hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg), huyết áp có thể bị tụt hoặc không đo được.

Trong giai đoạn này, triệu chứng xuất huyết biểu hiện với các nốt hoặc các chấm bầm đỏ rải rác dưới da, niêm mạc và nội tạng. Xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong hai bên cánh tay, ở vùng bụng, đùi, mạng sườn. Bệnh nhân xuất huyết niêm mạc với những biểu hiện như chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc kỳ kinh đến sớm hơn bình thường. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể nhận thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não và thường biểu hiện nặng.

Ngoài ra, một số trường hợp sốt xuất huyết nghiêm trọng có thể có biểu hiện suy phủ tạng, như viêm gan nặng, viêm não và viêm cơ tim. Những triệu chứng nặng này có thể xảy ra đối với một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không có sốc. Do đó, trên thực tế lâm sàng chẩn đoán bệnh cần cảnh giác. Khi xét nghiệm cận lâm sàng, quan sát thấy dung tích hồng cầu của bệnh nhân (hematocrit) tăng so với giá trị ban đầu hoặc so với giá trị trung bình của dân số cùng độ tuổi, số lượng tiểu cầu giảm, men gan thường tăng. Trường hợp nặng sẽ xuất hiện dấu hiệu rối loạn đông máu. Trên siêu âm hoặc chụp X-quang, có thể phát hiện tình trạng tràn dịch màng bụng, màng phổi.

3. Sốt xuất huyết nên làm gì?

Pha oresol
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bù lại nước và điện giải

Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể cải thiện hiệu quả điều trị bệnh, rút ngắn thời gian mắc bệnh và hạn chế triệu chứng bằng những điều sau đây:

  • Bù đủ nước và điện giải: Nên dùng các loại nước như nước lọc, dung dịch Oresol, nước cam, nước dừa... Trẻ em mắc bệnh nên cho ăn thức ăn mềm, đảm bảo cân đối về dinh dưỡng. Không uống các loại nước có ga. Tránh thức ăn nhanh, đồ ăn cay, quá nóng hay quá lạnh.
  • Tránh muỗi đốt là cách phòng bệnh sốt xuất huyết và ngăn ngừa bệnh trầm trọng thêm: Người dân nên ngủ mùng kể cả ban ngày, kéo rèm cửa để hạn chế muỗi thâm nhập. Không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, những khu ẩm ướt, nước đọng. Trong mùa dịch, nên mặc quần áo dài tay, dùng kem, dầu thoa chống muỗi. Thường xuyên phát quang bụi rậm, khơi thông san lấp vũng nước đọng, diệt bọ gậy, đậy kín dụng cụ chứa nước quanh nhà để muỗi không vào đẻ trứng. Định kỳ dọn dẹp khu vực quanh nhà, giữ vệ sinh chỗ ở, đảm bảo ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quá nhiều quần áo để tránh làm chỗ cho muỗi ẩn nấp.

Đặc biệt, khi nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nếu chậm trễ, người bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong do những biến chứng trầm trọng xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan