Uống nước dừa có bị đầy bụng?

Không ít người băn khoăn rằng liệu uống nước dừa có tốt không và có gây đầy bụng không? Thực tế, việc tiêu thụ nước dừa hay bất kỳ loại thức uống nào khác đều song hành mặt tích cực và tiêu cực. Những lợi ích tốt nhất của nước dừa chỉ mang lại khi được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng.

1. Uống nước dừa có tốt không?

Nước dừa là thức uống giải khát được tiêu thụ rộng rãi, có hương vị ngọt dịu và thanh mát tự nhiên. Trong nước dừa có chứa carbohydrate dễ tiêu hoá dưới dạng đường, cùng một loạt vitamin C, B, khoáng chất và các chất điện giải. Hiện nay, nước dừa cũng được sử dụng để làm thuốc và có vai trò như một chất lỏng bù nước tĩnh mạch thay thế.

Uống nước dừa có tốt không có lẽ là nỗi băn khoăn chung của nhiều người yêu thích loại thức uống này. Theo chuyên gia dinh dưỡng, uống nước dừa điều độ giúp bạn đạt được những lợi ích nổi bật sau đây:

1.1 Cung cấp chất dinh dưỡng và chống oxy hóa mạnh mẽ

Với hàm lượng dưỡng chất cao, uống nước dừa với lượng vừa phải giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể, bao gồm chất đạm, đường, kali, canxi, magie, sắt và natri. Những thành phần này có khả năng bù dịch cho trường hợp tiêu chảy cấp, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả.

Không những vậy, uống nước dừa còn giúp loại bỏ các gốc tự do – tác nhân gây stress oxy hóa, dẫn đến hỏng tế bào và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý. Công dụng này của nước dừa đạt được là nhờ vào cơ chế làm thay đổi các gốc tự do và ức chế khả năng gây hại cho tế bào của chúng.

1.2 Hỗ trợ cải thiện chỉ số đường huyết hiệu quả

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng uống nước dừa có thể làm giảm mức đường huyết, đồng thời cải thiện đáng kể các nguy cơ sức khoẻ khác ở những người mắc tiểu đường. Trong 240ml nước dừa có chứa 3g chất xơ và 6g hàm lượng calo tiêu hoá, do đó việc uống nước dừa vừa phải được xem là một lựa chọn khá phù hợp cho người có chỉ số đường huyết cao.

Mặt khác, nước dừa cũng cung cấp một lượng lớn magie, giúp tăng độ nhạy insulin. Với tác dụng này, uống nước dừa có thể giúp cải thiện các triệu chứng tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2 hiệu quả.

1.3 Giúp giảm nguy cơ hình thành và phát triển bệnh sỏi thận

Việc cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể đóng vai trò vô cùng cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ hình thành nên sỏi thận. Một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy, nước dừa là thức uống có khả năng ngừa sỏi thận khá hữu hiệu.

Các hoạt chất trong nước dừa giúp ngăn chặn sự kết dính của những tinh thể như oxalat và canxi,... trong nước tiểu, thận và các cơ quan khác của đường tiết niệu. Nhờ đó, bệnh sỏi thận có thể được đẩy lùi đáng kể khi uống nước dừa điều độ.

1.4 Hỗ trợ tăng cường sức khỏe đối với hệ tim mạch

Vậy đối với hệ tim mạch, uống nước dừa có tốt không? Thực tế, uống nước dừa đã được chứng minh có tác dụng giảm chất béo trung tính, lượng cholesterol trong máu và mỡ gan – các tác nhân làm thúc đẩy những dấu hiệu bệnh tim đáng chú ý. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, nước dừa có công dụng giảm cholesterol hiệu quả tương đương với thuốc statin.

1.5 Ổn định huyết áp và ngăn sự hình thành cục máu đông

Ngoài những tác dụng trên, nước dừa cũng giúp kiểm soát huyết áp khá tốt. Những người cao huyết áp có thể tiêu thụ nước dừa để cải thiện mức huyết áp tâm thu. Sở dĩ, trong 240ml nước dừa có chứa tới 600mg kali – chất giúp giảm huyết áp ở những người có mức huyết áp cao. Mặt khác, một số nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy, uống nước dừa có thể chống huyết khối và ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch.

2. Uống nước dừa có bị đầy bụng không?

Thực trạng uống nước dừa bị đầy bụng có thể xảy ra trong trường hợp bạn tiêu thụ quá mức loại nước này. Nước dừa chỉ có tác dụng hỗ trợ chống các rối loạn tiêu hoá khi bạn nạp vào cơ thể một lượng vừa đủ. Các nhà nghiên cứu cho biết, nước dừa được xem là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, có chứa acid lauric được chuyển hoá thành monolaurin khi vào cơ thể. Monolaurin vốn là chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng vi rút tốt, giúp ngăn chặn những vấn đề về đường tiêu hoá, đồng thời ức chế tính acid của dạ dày. Vì vậy, uống nước dừa sẽ rất tốt đối với cơ quan tiêu hoá nếu bạn sử dụng một lượng vừa phải theo khuyến nghị.

Những người đang bị đầy bụng khi uống nước dừa nhiều có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá và làm trầm trọng thêm chứng đầy hơi chướng bụng của mình. Việc nạp một lượng lớn nước dừa cùng lúc sẽ khiến dạ dày tích tụ nhiều nước, lúc này bụng có xu hướng căng lên và gây cảm giác ậm ạch vô cùng khó chịu.

3. Một số tác hại khác khi uống nước dừa không đúng cách

Ngoài nguy cơ gây đầy bụng, việc uống nhiều nước dừa cùng lúc có thể dẫn đến một số vấn đề sức khoẻ khác, bao gồm:

3.1 Hiện tượng hạ huyết áp quá mức

Mặc dù trong nước dừa có chứa một lượng khoáng chất kali dồi dào, giúp điều trị cao huyết áp hiệu quả, tuy nhiên nó không phải là lựa chọn phù hợp dành cho người có mức huyết áp thấp. Kể cả những người cao huyết áp khi tiêu thụ một lượng lớn nước dừa có thể dẫn đến hiện tượng dư thừa kali, gây hạ huyết áp quá mức cho phép, từ đó làm xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như chóng mặt hoặc thậm chí ngất xỉu.

3.2 Nguy cơ mất cân bằng chất điện giải

Mất cân bằng chất điện giải hoặc rối loạn điện giải có thể xảy ra khi nồng độ natri và kali trong máu tăng / hạ quá ngưỡng an toàn. Mặc dù nước dừa có thể bổ sung chất điện giải, tuy nhiên nếu uống quá nhiều có thể làm biến động 2 chỉ số này trong máu, đồng thời làm chậm tốc độ lưu thông máu đến tim. Điều này có thể khiến nhịp tim mất đi độ ổn định, thậm chí nguy hiểm hơn là ngừng đập.

3.3 Làm tăng áp lực cho cơ quan thận

Khi uống nhiều nước dừa, bạn sẽ nhận thấy số lần đi tiểu tăng lên đáng kể. Hiện tượng tiểu nhiều có thể tạo áp lực cho thận, khiến cơ quan này phải làm việc vất vả hơn để thực hiện chức năng bài tiết. Khi đó, các tế bào nhu mô thận có thể bị sưng phồng lên tạm thời, nếu kéo dài và không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn đến suy giảm chức năng thận.

4. Những đối tượng không nên uống nước dừa

Trước khi sử dụng nước dừa, bạn cần theo dõi kỹ thể trạng của mình và đảm bảo không thuộc nhóm đối tượng sau:

  • Người có thể trạng âm hàn: Theo khuyến cáo của chuyên gia, người có thể trạng âm hàn, chân tay hay bị lạnh nên tránh sử dụng nước dừa. Bởi thức uống này có tính hàn, nếu uống nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng mất cân bằng “âm dương”, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất, làm đuối sức hoặc suy nhược cơ thể.
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: Trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất, bào thai vẫn chưa bám chắc hoàn toàn vào thành tử cung của mẹ bầu, vì vậy nếu uống nước dừa sẽ gây lạnh cơ thể và dễ tiềm ẩn nguy cơ sảy thai. Mặt khác, phụ nữ trong thời kỳ đầu mang thai khi tiêu thụ nhiều nước dừa có thể làm tăng các triệu chứng ốm nghén, gây khó tiêu và suy giảm chức năng chuyển hoá của cơ thể.
  • Người mới đi nắng về hoặc làm việc ngoài trời nóng: Cần tránh uống nước dừa ngay khi vừa lao động chân tay nặng nhọc hoặc từ trời nắng về. Lúc này, thân nhiệt vẫn đang cao, khi uống nước dừa ngay lập tức có thể dẫn đến các vấn đề sức khoẻ nguy hiểm. Tốt nhất, bạn nên ngồi nghỉ ngơi và đợi cho thân nhiệt ổn định trở lại mới uống nước dừa, tuy nhiên nên uống từng ngụm nhỏ với lượng vừa phải.
  • Người mắc bệnh trĩ, cảm lạnh, huyết áp thấp hoặc thấp khớp: Nước dừa thường có tính giải nhiệt tương đối cao, có tác dụng hạ huyết áp và làm mềm gân cơ nhanh chóng, do đó đây không phải là thức uống phù hợp cho người có mức huyết áp thấp, mắc bệnh trĩ, đang cảm lạnh hoặc thấp khớp. Nếu cố tình uống nước dừa, bệnh tình của những đối tượng này sẽ trở nên trầm trọng thêm.
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi: Hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi còn non nớt và chưa hoàn thiện đầy đủ. Khi cho trẻ uống nước dừa ở độ tuổi này sẽ gây ra các vấn đề tiêu hoá, chẳng hạn như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu. Tốt nhất, bạn chỉ nên cho trẻ trên 6 tháng tuổi uống với liều lượng nhỏ để bé làm quen, sau đó mới tăng dần.

5. Cách uống nước dừa được khuyến nghị bởi chuyên gia

Nếu bạn đã có câu trả lời cho vấn đề uống nước dừa có tốt không, tiếp theo hãy cùng tìm hiểu về cách sử dụng loại thức uống này sao cho hợp lý và đúng nhất để đạt được những lợi ích tối đa. Theo các chuyên gia đầu ngành, khi sử dụng nước dừa cần lưu ý một số điều sau để tránh gây hại cho sức khỏe:

  • Tránh uống nước dừa vào buổi tối hoặc ban đêm, thay vào đó uống vào buổi sáng hoặc chiều để hấp thu toàn bộ dưỡng chất trong nước dừa. Tiêu thụ nước dừa vào buổi tối muộn có thể làm tăng tần suất tiểu đêm, gây gián đoạn chu kỳ giấc ngủ thông thường.
  • Chỉ nên uống từ 1 – 2 trái dừa / ngày, tránh uống quá mức cho phép dễ gây tác dụng phụ.
  • Nếu uống nước dừa lúc đói bụng, bạn nên uống từng ngụm nhỏ, tránh uống một hơi hoặc uống quá nhanh.
  • Tránh pha thêm chất tạo ngọt vào nước dừa bởi loại trái cây này đã có sẵn vị ngọt thanh tự nhiên. Nếu bổ sung thêm đường hoặc chất tạo ngọt có thể làm tăng hàm lượng đường trong nước dừa, dẫn đến tăng chỉ số đường huyết khi tiêu thụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan