Nguyên nhân khiến bạn mất giọng

Mất giọng là một biểu hiện có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau. Thường với mỗi bệnh khác nhau sẽ kèm theo những triệu chứng khác ngoài triệu chứng mất giọng. Một số người có thể bị mất giọng kéo dài làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, cần phải tìm nguyên nhân và điều trị triệt để tránh tình trạng không thể phục hồi giọng nói.

1. Mất giọng nói là bệnh gì?

Mất giọng nói là tình trạng giọng nói của bạn trở nên khàn không còn trong trẻo như trước đó hay thậm chí khó có thể phát ra tiếng. Mất giọng nói không phải là một bệnh mà nó là một triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau.

Giọng nói giúp chúng ta truyền đạt thông tin cho những người xung quanh, truyền đạt cảm xúc theo cường độ và âm lượng của giọng nói. Trường hợp tự nhiên mất giọng nói bình thường vừa khiến bạn cảm thấy lo lắng còn làm cho việc giao tiếp trở nên khó khăn. Khiến người nghe khó có thể hiểu hết những điều bạn muốn nói, đặc biệt với những người thường xuyên phải nói như giáo viên, MC...

Mất giọng nói có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và với mỗi nguyên nhân thì việc điều trị cũng khác nhau. Thường thấy nhất là do những nguyên nhân cảm lạnh hay cảm cúm thông thường.

Nguyên nhân khiến bạn mất giọng
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn tự nhiên mất giọng

2. Nguyên nhân mất giọng

Nguyên nhân mất tiếng, mất giọng có thể rất nhiều. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mất giọng:

  • Cảm lạnh

Đây là nguyên nhân hay gặp nhất gây ra mất giọng. Cảm lạnh là một bệnh do rất nhiều loại virus có thể gây ra, thường gặp khi bị gặp lạnh, khiến cho vùng họng của bạn bị sưng đau và dây thanh âm cũng bị sưng từ đó cản trở sự rung của dây thanh âm khiến bạn bị mất giọng. Những triệu chứng khác của cảm lạnh có thể có như sốt nhẹ, đau đầu, đau người, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho khan hay ho có đờm trắng loãng. Thường thì bạn chỉ cần điều trị những triệu chứng thông thường, kết hợp với việc giữ ấm, uống nước ấm... sau khoảng vài ngày đến một tuần bệnh sẽ tự khỏi và giọng nói của bạn có thể trở về như ban đầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu như qua 7 đến 10 ngày không thấy cải thiện, các triệu chứng nặng hơn, mũi ngạt nhiều, ho đờm đặc có thể bạn bị bội nhiễm vi khuẩn cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

  • Cảm cúm

Cũng là một nguyên nhân hay gây ra mất giọng. Bệnh cảm cúm là do virus cúm gây ra, nó thường gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn so với cảm lạnh thông thường. Những biểu hiện có thể gặp của cảm cúm như đau họng nhiều, khàn tiếng, nhức đầu, sốt có thể sốt cao, đau nhức cơ, mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi và ho. Ngoài ra, còn có thể có các triệu chứng khác như nôn mửa hay tiêu chảy. Hầu hết các triệu chứng bệnh có thể cải thiện bằng việc điều trị triệu chứng, chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, có thể xảy ra biến chứng phổ biến của bệnh cúm là viêm phổi, đặc biệt là ở người trẻ, người già hoặc những người có vấn đề về hệ hô hấp và tuần hoàn. May mắn là cảm cúm có thể phòng ngừa được bằng chủng ngừa tiêm hàng năm.

  • Phải sử dụng giọng nói quá nhiều

Mỗi lần bạn nói hoặc hát, cần phải sử dụng các cơ khác nhau, bao gồm cả một số cơ ở miệng và cổ họng. Cũng giống như các cơ khác trên cơ thể, việc sử dụng quá mức các cơ để hát hay nói cũng khiến các cơ đó bị mỏi, căng thẳng và chấn thương vùng cơ khiến cho bạn bị khàn tiếng, mất tiếng. Ngoài ra, có thể kết hợp với việc sử dụng kỹ thuật sai cũng khiến chúng ta dễ bị mất tiếng như hát nói quá to, ho quá nhiều, sử dụng âm cao hơn hoặc thấp hơn bình thường trong thời gian dài.

  • Hút thuốc lá

Khói thuốc lá gây kích ứng dây thanh quản, lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về giọng nói. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc trước đây và hiện tại có nguy cơ bị rối loạn giọng nói cao hơn khoảng ba lần so với những người không bao giờ hút thuốc. Ngoài ra, việc hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển một khối u nhỏ, không phải ung thư được gọi mà là polyp trên dây thanh quản. Nó có thể khiến giọng nói của bạn trở nên khàn hơn.

Hút thuốc lá là một trong các nguyên nhân mất tiếng
Hút thuốc lá là một trong các nguyên nhân mất tiếng

  • Dị ứng

Khi nghĩ đến dị ứng, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến sổ mũi, ngứa mắt và hắt hơi. Nhưng thực ra, dị ứng cũng có thể ảnh hưởng đến giọng nói của bạn theo một số cách như làm cho dây thanh quản bị sưng lên, chảy dịch mũi sau vào dây thanh quản và gây kích ứng dây thanh quản, ho nhiều làm tổn thương dây thanh âm, dùng thuốc điều trị có thể làm cho vùng họng bị khô khiến cho dây thanh âm hoạt động không tốt.

Đây là một bệnh tự miễn dịch gây ra sưng, đau và cứng khớp. Khoảng 1/3 người bị viêm khớp dạng thấp gặp các vấn đề về giọng nói, bao gồm đau họng và mất giọng. Đó là bởi vì tình trạng này có thể ảnh hưởng đến các khớp nhỏ trên mặt và cổ họng, dẫn đến các vấn đề về hô hấp và hoạt động của dây thanh quản.

  • Bệnh lý tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến có hình con bướm, tạo ra loại hormone kiểm soát một số chức năng trong cơ thể bạn. Khi tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ, một triệu chứng bạn có thể gặp phải là giọng nói khàn. Nếu tuyến giáp to ra, bạn có thể bị ho và khó nói.

Đây là tình trạng axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Triệu chứng chính là ợ chua, đau rát thượng vị, nhưng bệnh này cũng có thể làm ảnh hưởng giọng nói của bạn. Axit trong dạ dày có thể gây kích ứng dây thanh quản, cổ họng và thực quản. Điều này dẫn đến bạn bị khàn giọng, thở khò khè và có nhiều chất nhầy trong cổ họng.

  • Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là tình trạng gây ra do nhiều nguyên nhân, triệu chứng chính là khiến cho giọng của bạn bị khàn. Viêm thanh quản cấp tính có thể do bị cảm lạnh hoặc lạm dụng giọng nói của mình gây ra hoặc viêm thanh quản mạn tính nếu hít phải thứ gì đó gây khó chịu, chẳng hạn như khói thuốc hoặc khói hóa chất.

  • Nốt, polyp và u nang

Mặc dù không rõ nguyên nhân hình thành nhưng các khối u không phải ung thư có thể xuất hiện trên dây thanh quản của bạn. Một số yếu tố thuận lợi có thể là lạm dụng giọng nói quá nhiều, chẳng hạn như la hét hoặc nói quá nhiều. Có ba loại bao gồm:

  • Nốt: Những hình dạng giống như mô sẹo này thường phát triển ở giữa dây thanh âm. Chúng có xu hướng biến mất hạn chế nói chuyện một thời gian.
  • Polyp: Chúng thường xuất hiện ở một bên của dây thanh âm và có nhiều kích cỡ và hình dạng. Không giống như các nốt, chúng thường cần được loại bỏ bằng phẫu thuật.
  • U nang: Chúng là những khối chứa đầy chất lỏng hoặc nửa lỏng nửa rắn phát triển gần hoặc bên dưới bề mặt của dây thanh quản. Nếu chúng tạo ra những thay đổi nghiêm trọng đối với giọng nói, thì thường cần phẫu thuật để loại bỏ chúng.
  • Bệnh hệ thần kinh

Một tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh như bệnh Parkinson, có thể ảnh hưởng đến các cơ ở mặt và cổ họng. Gần 90% người bị Parkinson mắc một số dạng rối loạn giọng. Nguyên nhân do Parkinson khiến các bộ phận của não kiểm soát chuyển động và phối hợp bị suy giảm. Điều này có thể có nghĩa là bạn không còn khả năng kiểm soát các cơ cần thiết cho lời nói.

  • Ung thư vòm họng

Khàn tiếng hoặc mất tiếng kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vòm họng. Các triệu chứng khác của bệnh có thể thấy là đau tai, đau khi nuốt, khó thở, thấy khối u tại vùng cổ...

nguyên nhân mất giọng
Ung thư vòm họng có thể là nguyên nhân mất giọng

Trên đây là những nguyên nhân mất tiếng, mất giọng. Nếu như bạn thấy các vấn đề về giọng nói kéo dài hơn 2 tuần, thì cần thăm khám tại các cơ sở tai mũi họng để được chẩn đoán điều trị đúng cách để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan