Nên chú ý nếu cảm thấy không khỏe, mệt mỏi kéo dài

Tình trạng cảm thấy không khỏe và mệt mỏi kéo dài đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Mệt mỏi kéo dài, hay còn gọi là mệt mỏi mãn tính dù không gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhưng có thể là dấu hiệu khởi đầu của một tình trạng bệnh lý. Do đó, không nên chủ quan với tình trạng mệt mỏi kéo dài.

1. Thế nào là mệt mỏi kéo dài?

Tình trạng cảm thấy không khỏemệt mỏi kéo dài đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Mệt mỏi là dấu hiệu thường gặp trong cuộc sống, khiến cho cơ thể có cảm giác kiệt sức, uể oải, không có tinh thần để học tập và làm việc. Mệt mỏi có thể xuất hiện sau khi bạn làm việc quá sức, ăn uống kém, bị mất ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc do mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng mỏi mệt kéo dài liên tục sẽ làm cho cơ thể mất năng lượng dần dần và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Mỏi mệt kéo dài, hay còn gọi là mệt mỏi mãn tính có thể do thói quen sinh hoạt không phù hợp, do tâm lý bất ổn hoặc nghiêm trọng hơn là triệu chứng khởi đầu của một tình trạng bệnh lý. Khi mắc một bệnh lý nào đó, cơ thể phải tăng cường hệ thống miễn dịch nên sẽ có nhu cầu tiêu tốn năng lượng rất nhiều. Đó là lý do vì sao các bệnh nhẹ như cảm cúm cho đến bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, thậm chí bệnh nguy hiểm như ung thư đều gây ra cảm giác mệt mỏi kéo dài cho người bệnh.

Thông thường, nếu mệt mỏi do những lo âu căng thẳng, do mất ngủ hoặc do các bệnh nhẹ cấp tính thì sẽ nhanh chóng tự mất đi khi giải quyết được nguyên nhân. Do đó, nhiều người thường hay xem nhẹ cảm giác mệt mỏi của cơ thể vì cho rằng mệt mỏi sẽ tự hết khi cơ thể được thư giãn nghỉ ngơi, hoặc sử dụng trà hay cà phê để áp chế cảm giác này. Tuy nhiên, nếu cảm giác mệt mỏi vẫn kéo dài thì việc tìm hiểu nguyên nhân là rất quan trọng để giúp điều trị tình trạng này.

2. Không nên chủ quan nếu bị mệt mỏi kéo dài

Mệt mỏi kéo dài dù không gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhưng có thể là dấu hiệu khởi đầu của một tình trạng bệnh lý. Do đó, không nên chủ quan với tình trạng mệt mỏi kéo dài mà phải đi tìm nguyên nhân. Sau đây là 10 nguyên nhân bệnh lý phổ biến gây mệt mỏi kéo dài.

2.1. Thiếu máu

Tình trạng thiếu máu làm cho việc cung cấp oxy tới các tế bào và quá trình trao đổi chất bị suy giảm. Cơ thể bị thiếu máu cùng với thiếu oxy sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi kéo dài, chóng mặt, kiệt sức, uể oải và thiếu năng lượng để học tập làm việc. Ngoài ra, thiếu máu cũng có thể làm cho cơ thể ăn không ngon, bị mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, rụng tóc, ù tai, đau bụng, tay chân lạnh, nhịp tim bất thường. Dạng thiếu máu thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt.

cảm thấy không khỏe
Cảm thấy không khỏe và mệt mỏi kéo dài có thể là dấu hiệu khởi đầu của một tình trạng bệnh lý

2.2.Bệnh đái tháo đường

Người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nồng độ glucose trong máu cao khiến cho cơ thể phải sử dụng năng lượng rất nhiều để điều chỉnh lại lượng đường trong máu. Do đó, đái tháo đường là một trong những nguyên nhân không thể bỏ qua khi bị mệt mỏi mãn tính. Người bị đái tháo đường sẽ có các triệu chứng phổ biến như mệt mỏi, đói liên tục, uống nước nhiều, tiểu tiện thường xuyên, sụt cân, suy giảm thị lực và hay cáu gắt. Trong đó mệt mỏi là triệu chứng đầu tiên, phổ biến nhất và kéo dài nhất.

2.3.Bệnh ung thư

Mệt mỏi do ung thư là dạng mệt mỏi mãn tính, do nhiều yếu tố gây ra. Bệnh ung thư giải phóng nhiều cytokine, làm thay đổi nội tiết tố, suy yếu cơ bắp, tổn thương nhiều cơ quan như tim, gan, thận hoặc phổi đều góp phần gây ra mệt mỏi kéo dài. Ngoài ra, những đau đớn và tình trạng thiếu máu cũng như tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư (thuốc, hoá trị, xạ trị) cũng khiến cho người bệnh mệt mỏi liên tục.

2.4.Bệnh lý tuyến giáp

Tuyến giáp sản xuất ra các hormone gọi là thyroxine, đóng vai trò điều chỉnh năng lượng và kiểm soát quá trình trao đổi chất. Khi mắc bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp (nhược giáp), các hormon tuyến giáp sẽ hoạt động không hiệu quả làm rối loạn quá trình chuyển hóa bị, sẽ khiến cho cơ thể cảm thấy lúc nào cũng mệt mỏi.

2.5.Bệnh tim mạch

Tình trạng mệt mỏi mãn tính cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh suy tim xung huyết. Suy tim làm cho tim co bóp yếu, lượng máu tới các cơ quan và mô không đủ khiến cơ thể luôn mệt mỏi. Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn nếu người bệnh gắng sức nhiều. Các triệu chứng khác của bệnh suy tim như khó thở, thở ngắn, thở dốc, phù chân, tay.

2.6.Suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là bệnh lý gây cho người bệnh cảm giác mỏi mệt kéo dài, ít xảy ra hơn so với bệnh lý tuyến giáp. Ngoài triệu chứng mệt mỏi, suy tuyến thượng thận còn làm cho người bệnh bị đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, sụt cân và tăng sắc tố da.

2.7.Trầm cảm

Trầm cảm là một bệnh lý về tâm thần kinh gây cảm giác mệt mỏi, buồn bực, mất hứng thú kéo dài và rối loạn tâm trạng, làm xáo trộn thói quen sinh hoạt và làm cho người bệnh suy nghĩ tiêu cực, thậm chí còn nghĩ đến cái chết và có hành vi tự tử.

Serotonin là một hormone đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp điệu sinh học của cơ thể. Trầm cảm gây ảnh hưởng rất lớn tới não bộ nên làm giảm tiết hormone serotonin, làm giảm mức năng lượng và khiến cơ thể mệt mỏi cả ngày. Do đó, tình trạng mỏi mệt kéo dài rất phổ biến ở người bệnh trầm cảm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh trầm cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

cảm thấy không khỏe
Tình trạng mỏi mệt kéo dài rất phổ biến ở người bệnh trầm cảm

2.8.Thiếu vitamin B12

Vitamin B12 có vai trò quan trọng cho sức khỏe của não bộ, hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất. Các yếu tố gây ra thiếu vitamin B12 có thể là do tuổi già, chế độ ăn quá nhiều thực vật, bệnh lý hệ tiêu hóa và thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Thiếu vitamin B12 làm cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động kém hiệu quả, người bệnh dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi mãn tính, ủ rũ, mất trí nhớ, suy giảm thị lực, chóng mặt và ngứa bàn tay, bàn chân.

2.9. Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngừng thở hoặc hơi thở rất nông trong thời gian ngắn khi ngủ dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Chứng bệnh này là một dạng rối loạn của giấc ngủ, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ vào buổi tối. Người bệnh ngủ không ngon giấc, ngủ chập chờn và sau khi thức dậy sẽ cảm thấy luôn mệt mỏi do não bộ bị đánh thức để thực hiện việc hô hấp. Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có biểu hiện ngủ ngáy, nhức đầu vào buổi sáng do thiếu oxy não, mệt mỏi và buồn ngủ quá mức vào ban ngày mặc dù đã ngủ nhiều vào ban đêm. Tình trạng này lâu ngày có thể dẫn tới tăng huyết áp, bệnh tim mạch và nặng hơn là đột quỵ.

2.10. Bệnh lý về đường hô hấp

Các bệnh lý cấp tình của đường hô hấp như cảm cúm hoặc cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi sẽ khiến cho cơ thể người bệnh cảm thấy mệt mỏi cả ngày. Nhưng tình trạng này chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nắng và sẽ tự hết khi bệnh thuyên giảm. Ngược lại, những bệnh lý mạn tính của đường hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi, xẹp phổi sẽ làm cản trở quá trình hô hấp và trao đổi khí kéo dài. Do đó, những người mắc bệnh này thường xuyên cảm thấy khó thở và mệt mỏi mãn tính.

Mệt mỏi kéo dài có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, khi các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

73K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan