Làm sao để bớt lo lắng về tiền bạc?

Sự lo lắng về tiền bạc có lẽ là nỗi băn khoăn không của riêng ai, nhất là những người đang trong độ tuổi trưởng thành, phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong cuộc sống. Đôi khi, sự căng thẳng vì kinh tế có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần.

1. Sự lo lắng về tiền bạc ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?

Theo một số nghiên cứu gần đây cho biết, sự căng thẳng vì kinh tế hoặc tiền bạc có thể gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe con người. Thực tế, bạn có thể cảm thấy căng thẳng về tài chính vì nhiều lý do khác nhau như mất việc, nợ nần, hoá đơn sinh hoạt hàng tháng hoặc các khoản chi phí khác trong cuộc sống.

Đôi khi những lo lắng về tiền bạc có thể khiến bạn suy nghĩ hoặc hành xử theo những cách trái ngược lại với mong muốn của bản thân. Do đó để có thể đối phó với sự căng thẳng tài chính, điều đầu tiên là bạn cần hiểu được mối liên hệ giữa tình trạng này đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của mình.

1.1 Ảnh hưởng của sự lo lắng về tiền bạc đối với sức khỏe tinh thần

Khi bạn lo nghĩ về tiền, sức khỏe tinh thần cũng có thể bị tác động tiêu cực theo nhiều cách khác nhau. Cảm giác lo lắng hoặc căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mất ngủ, thậm chí gây hoảng sợ hoặc ám ảnh mỗi khi bạn nghĩ tới các khoản chi phí hàng ngày.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt đầu cảm thấy bị cô lập, tự tách biệt mình ra khỏi các mối quan hệ khác, kể cả người thân trong gia đình vì nghĩ rằng bản thân không có đủ tiền để tham gia các hoạt động với họ.

Sự căng thẳng vì kinh tế có thể khiến bạn cảm thấy bản thân đang mang trên vai gánh nặng về tiền bạc một mình. Sự cô đơn này chỉ khiến mọi thứ trở nên rắc rối và phức tạp hơn, thậm chí gây ra chứng lo âu và thay đổi tâm trạng.

Thực chất, trên thế giới có biết bao nhiêu người đang phải đối phó các khoản nợ hoặc có những nỗi lo lắng về tài chính tương tự như bạn, vì vậy bạn không phải là một cá thể duy nhất phải gồng gánh những lo nghĩ về kinh tế. Các nghiên cứu cũng cho thấy một nửa số người trưởng thành mắc nợ có xu hướng gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan nỗi lo lắng về tiền bạc.

lo lắng về tiền bạc
Lo lắng về tiền bạc quá nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của bạn

1.2 Ảnh hưởng của sự lo lắng về tiền bạc đối với sức khỏe thể chất

Những người có các khoản nợ lớn hoặc căng thẳng tài chính thường cho biết nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ thể chất của họ. Khi bạn lo nghĩ về tiền sẽ khiến cơ thể giải phỏng ra các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline, từ đó dẫn đến một loạt các vấn đề sau đây:

Để ngăn ngừa những tác động của sự lo lắng về tiền bạc đến sức khỏe thể chất và tinh thần, bạn cần có biện pháp đối phó phù hợp và kịp thời.

2. Làm thế nào để bớt lo lắng về tiền bạc?

Bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi những lo nghĩ về tiền thông qua một số cách sau đây:

  • Học cách quản lý tài chính cá nhân

Điều đầu tiên mà bạn có thể làm để giảm bớt sự căng thẳng về tài chính là đi vào giải quyết phần gốc rễ của vấn đề. Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân về điều gì đang gây ra rắc rối tài chính cho bạn. Liệu sự căng thẳng tiền bạc bắt nguồn từ công việc, món nợ, thu nhập thấp hay chi phí sinh hoạt thường ngày? Khi bạn đã xác định được nguồn gốc của vấn đề, bạn có thể lập nên một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.

Việc kiểm soát tài chính cá nhân sẽ bắt đầu bằng cách thiết lập một ngân sách cụ thể. Bạn có thể làm điều này bằng cách lập ra một danh sách bao gồm tất cả các khoản chi tiêu hàng tháng và chi phí trung bình cho mỗi khoản. Thông qua đó, bạn có thể nhận thấy rất rõ ràng và rành mạch các khoản tiền mà mình sử dụng trong mỗi tháng.

Một số chuyên gia tài chính cũng khuyên rằng mỗi người nên áp dụng quy tắc 50/20/30 khi lập ngân sách. Điều này có nghĩa là 50% tiền lương hàng tháng của bạn sẽ được dùng vào các khoản chi phí bắt buộc như tiền thuê nhà, bảo hiểm và các hóa đơn. 20% sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm của bạn và 30% còn lại sẽ được sử dụng cho các khoản chi phí phục vụ cho nhu cầu vui chơi và giải trí.

Nếu nợ nần là một phần khiến bạn lo lắng về tiền bạc, tốt nhất bạn nên lập một kế hoạch giúp giảm bớt các khoản phí và tiền phạt trả nợ chậm. Nếu bạn nhận thấy ngân sách của mình không thể thực hiện được các khoản thanh toán, lúc này bạn nên liên hệ với người cho vay và thương lượng về cách giải quyết phù hợp nhất cho đôi bên.

Học cách quản lý tài chính cá nhân
Học cách quản lý tài chính cá nhân giúp bạn hạn chế căng thẳng vì kinh tế

  • Đối phó với sự căng thẳng vì kinh tế

Khi đã lên một kế hoạch chi tiết về quản lý tài chính cá nhân, điều tiếp theo là tìm cách đối phó với sự căng thẳng của mình. Bạn nên cố gắng duy trì thói quen lành mạnh hàng ngày, bao gồm ăn đủ bữa, hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ đủ giấc.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tập trung bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh để bồi bổ cơ thể, tránh tìm đến các chất kích thích như rượu bia để giải quyết sự căng thẳng. Khi người ta lo lắng về tiền bạc, đôi khi họ có xu hướng lạm dụng rượu. Thực chất, đây chỉ là một giải pháp khắc phục tạm thời, không những không giúp ích mà còn gây hại cho sức khoẻ về lâu dài.

Để giúp tĩnh tâm, bạn có thể thử một số kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc yoga. Những hoạt động này rất tốt cho cả thể chất lẫn tinh thần của bạn, và có thể giúp giảm bớt những hệ luỵ sức khoẻ mà căng thẳng hoặc lo nghĩ về tiền gây ra.

Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ với những người thân yêu về mối lo lắng tài chính mà mình đang gặp phải. Điều này sẽ giúp bạn nhận được sự hỗ trợ rất lớn về mặt tinh thần từ những người tin cậy và cảm thấy bản thân không phải trải qua sự lo lắng trong cô đơn.

  • Nhận trợ giúp về mặt tài chính

Một cách khác giúp bạn giảm bớt lo lắng về tiền bạc là tìm đến chuyên gia tài chính. Hiện nay có rất nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính miễn phí, giúp bạn nhận được các ý kiến từ chuyên gia cũng như những lời khuyên về cách quản lý tài chính cá nhân. Một cố vấn tài chính chuyên nghiệp sẽ giúp bạn lập ra ngân sách hợp lý hoặc các kế hoạch cần thiết để bạn có thể bám sát nó.

  • Lo lắng về tài chính – Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Hầu hết những người trải qua cảm xúc căng thẳng vì kinh tế có thể tự nhận ra sau một vài ngày hoặc vài tuần, và sau đó chấp nhận đối mặt với thách thức.

Tuy nhiên, bạn nên đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ đa khoa nếu cảm thấy bản thân luôn trong tình trạng lo lắng, bồn chồn và thấp thỏm sau nhiều tuần liên tiếp. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn một số phương pháp trị liệu tâm lý giúp bạn giảm bớt nỗi lo lắng của mình. Đặc biệt, bạn cần tìm đến sự giúp đỡ từ y tế ngay lập tức nếu cảm thấy mình không thể tiếp tục đối phó hoặc có suy nghĩ tiêu cực như tự tử.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com - nhs.uk - cnbc.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan