Khi não làm việc quá nhiều

Não làm việc quá nhiều gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe và công việc. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng này có thể khiến cơ thể ngày càng kiệt quệ.

1. Dấu hiệu cho thấy não làm việc quá nhiều

Tinh thần kiệt quệ, cơ thể kiệt sức và hàng loạt các vấn đề về sức khỏe sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể điều tiết thời gian làm việc cho não bộ. Sau đây là những biểu hiện báo hiệu não làm việc quá nhiều:

  • Cảm thấy nặng nề hoặc khó chịu
  • Suy giảm nhận thức và cảm xúc
  • Không nhiệt tình với những thứ thường mang lại niềm vui cho bạn
  • Đau bụng và các vấn đề tiêu hóa
  • Đau đầu
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ

Bạn cũng có thể gặp những thay đổi khác về tâm trạng và cảm xúc. Sự hoài nghi, thờ ơ, thiếu động lực và khó tập trung đều là dấu hiệu của tình trạng não làm việc quá sức.

2. Cách phục hồi khi não làm việc quá nhiều

2.1. Đáp ứng nhu cầu cơ bản về thể chất

  • Ngủ đủ giấc

Cắt giảm thời gian ngủ mỗi ngày khiến bạn mau chóng kiệt quệ và mất nhiều công sức hơn để hoàn thành công việc. Thời lượng ngủ của mỗi người có thể khác nhau, nhưng hãy cố gắng ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm.

  • Ăn uống hợp lý

Khi dành thời gian làm việc quá nhiều, bạn có xu hướng dùng các món ăn nhanh thay vì một chế độ ăn uống đầy đủ và hợp lý. Để tăng cường năng suất làm việc cho não, hãy đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Ngoài ra, chú ý uống đủ nước và ăn uống điều độ. Đôi khi bạn cảm thấy bản thân quá bận rộn để ăn, nhưng tình trạng đói có thể làm giảm lượng đường trong máu và khiến cơ thể không có đủ năng lượng để làm việc.

Nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng và bận rộn để chuẩn bị một bữa ăn phù hợp, hãy dùng những món ăn nhẹ nhiều dinh dưỡng, như trái cây, sữa chua, rau sống và các loại hạt.

  • Tập thể dục

Nếu cảm thấy khả năng tập trung của bạn đang suy giảm, hãy tạm rời bàn làm việc và ra ngoài tập thể dục, nếu có thể. Điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích khi não làm việc quá nhiều.

Cố gắng dành ít nhất mỗi tuần 2,5 giờ tập các bài thể dục vừa phải. Đi bộ 15 phút vào giờ nghỉ giải lao giúp não bộ nghỉ ngơi, cải thiện tinh thần, mang lại sự minh mẫn và thậm chí giảm bớt căng thẳng. Bạn có thể dành thời gian 15 phút đó để hoàn thành nhiều công việc hơn, nhưng chắc chắn bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu cho phép bản thân được nghỉ ngơi.

  • Thể hiện tình cảm

Những tiếp xúc thân mật (bao gồm cả quan hệ tình dục) có thể mang lại nhiều lợi ích khi não làm việc quá nhiều. Điều này giúp làm giảm stress, cải thiện tâm trạng và giúp bạn ngủ ngon hơn. Việc tiếp xúc với người bạn tình sẽ xóa nhòa đi sự trống trải, điều này giúp giảm bớt phần nào cảm giác căng thẳng về mặt cảm xúc.

kiệt quệ
Khi não bị kiệt quệ vì làm việc quá sức, bạn nên đảm bảo ăn uống, nghỉ ngơi đủ chất

2.2. Thay đổi cách nhìn nhận đối với công việc

Sau khi đã làm mọi cách để đáp ứng những nhu cầu về thể chất, hãy xem xét lại cách bạn nhìn nhận công việc của mình. Có thể bạn phải hoàn thành một việc nào đó, nhưng thật sự không có đủ thời gian và năng lượng để thực hiện. Trong trường hợp này, bạn cần phải dừng lại một chút để thay đổi cách làm việc.

  • Chia nhỏ công việc

Suy nghĩ về việc phải hoàn thành một dự án lớn có thể khiến bạn cảm thấy kiệt quệ và bộ não như ngừng hoạt động. Bạn cảm thấy quá khó khăn và thậm chí không thể bắt đầu. Thay vì vậy, hãy thử chia nhỏ công việc lớn thành các phần nhỏ hơn. Mỗi một phần công việc, khi được xem xét riêng rẽ, sẽ dễ quản lý và thực hiện hơn. Cố gắng tập trung vào những gì đang làm, tránh nghĩ đến bước tiếp theo khi công việc hiện tại còn dang dở. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng não làm việc quá nhiều và giúp bạn dễ dàng chuyển từ việc này sang việc khác.

  • Tìm kiếm sự giúp đỡ

Liên hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân gia đình, đối tác hoặc bất cứ ai có thể để nhờ họ giúp đỡ. Những công việc khó khăn thường đòi hỏi phải có sự giúp sức của nhiều người mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, họ không nhất thiết phải trực tiếp làm giúp bạn bất cứ điều gì. Đôi khi chỉ cần lắng nghe bạn trút bầu tâm sự cũng có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

  • Hài lòng với kết quả

Ngay cả khi bạn dành tất cả nguồn lực tinh thần của mình cho một dự án, thì kết quả đôi khi vẫn khiến bạn cảm thấy chưa thật sự hài lòng.

Thay vì thất vọng với kết quả, hãy thử nghĩ về tất cả công sức bạn bỏ ra và quá trình thực hiện nó. Không phải lúc nào bạn cũng có thể hoàn thành một công việc chính xác như bạn đã hình dung. Có những thời điểm đòi hỏi bạn phải hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt để bảo toàn sức khỏe.

thời gian làm việc quá nhiều
Khi thời gian làm việc quá nhiều bạn nên thay đổi cách nhìn nhận đối với công việc

2.3. Thay đổi thói quen làm việc

Khi não làm việc quá nhiều, bạn sẽ khó lưu giữ và nhớ lại tất cả những thông tin mà bạn đã dành hàng giờ để nghiên cứu. Những thói quen làm việc sau đây sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.

  • Ghi chép công việc

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những thách thức về sự tập trung cao độ trong công việc cũng như học tập. Trong một ngày dài với rất nhiều công việc phải hoàn thành, bạn sẽ rất khó ghi nhớ tất cả những gì xảy ra và luôn phải mất thời gian làm việc quá nhiều.

Viết ra mọi thứ sẽ giúp bạn ghi nhớ sự việc trong tâm trí và sắp xếp mức độ ưu tiên trong mọi việc. Ghi chép còn giúp bạn tỉnh táo, tập trung và có tài liệu để xem lại sau này.

  • Thử một phương pháp làm việc mới

Khi gặp phải bế tắc trong công việc, bạn nên dừng lại một chút để cân nhắc thực hiện theo cách làm mới. Thực hiện công việc theo một phương pháp khác có thể tạo ra sự khác biệt trong mức năng lượng, nhận thức và kết quả nhận được.

  • Mang thiên nhiên vào không gian làm việc

Thiên nhiên luôn có những tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Điều này đặc biệt hữu ích khi não làm việc quá nhiều.

Nghiên cứu cho thấy việc bố trí thêm cây cối vào khu vực nghiên cứu có tác dụng giúp bạn tăng cường sự tập trung và giảm căng thẳng, dẫn đến tăng năng suất làm việc.

  • Thay đổi không gian làm việc

Nếu cảm thấy tinh thần kiệt quệ ngay khi bắt đầu công việc, hãy cân nhắc chuyển sang một không gian khác, nếu có thể. Sự thay đổi môi trường có thể giúp thiết lập lại sự tập trung của bạn.

  • Điều chỉnh lịch trình làm việc

Làm việc vào cuối ngày thường sẽ khó khăn hơn vì đây là lúc bộ não không hoạt động nhạy bén nhất. Hãy thử điều chỉnh thời gian làm việc để bạn có thể thực hiện những công việc quan trọng vào những thời điểm mà bạn cảm thấy tỉnh táo nhất, chẳng hạn như sau bữa sáng.

  • Chủ động tìm cách giải quyết căng thẳng

Khi cảm thấy căng thẳng, bạn cần cố gắng xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra. Ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể là tác nhân tạo ra căng thẳng, chẳng hạn như lịch hẹn gặp bạn hoặc nghĩ về món quà sinh nhật. Nếu cần thiết, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

  • Dành thời gian thư giãn

Để tránh não làm việc quá nhiều, bạn nên dành thời gian cho bản thân. Tự chăm sóc bản thân đóng một phần không nhỏ trong việc giữ gìn sức khỏe và giảm thiểu căng thẳng. Điều này bao gồm những điều như duy trì hoạt động sinh hoạt hàng ngày, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ và dành thời gian cho những điều bạn thích.

Não làm việc quá nhiều sẽ gây ra những căng thẳng, kiệt quệ và cảm xúc tiêu cực. Để kiểm soát căng thẳng, cải thiện sức khỏe thể lực và trí lực, bạn cần đáp ứng những nhu cầu cơ bản về thể chất, thay đổi cách nhìn nhận đối với công việc và thay đổi thói quen làm việc.

Có thể thấy nếu chúng ta dành thời gian làm việc quá nhiều sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến chính sức khỏe tinh thần và thể chất. Vì thế hãy chú ý cần bằng mọi thứ để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo có một cuộc sống lành mạnh và hạn chế bệnh tật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan