Các tư thế ngủ tốt nhất cho sức khỏe tim mạch

Có thể bạn không quan tâm nhiều đến tư thế ngủ của mình, nhưng cách bạn ngủ qua đêm có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Mỗi vị trí đều có những ưu và nhược điểm riêng và bài viết dưới đây sẽ chỉ ra cho bạn một số tư thế ngủ tốt cho tim mạch.

1. Quả tim hoạt động như thế nào?

Vị trí của quả tim nằm ở trong lồng ngực, chếch về bên trái xương ức, trên cơ hoành và nằm giữa phổi.

Vai trò của quả tim là bơm máu đến các cơ quan của cơ thể. Ở mặt ngoài của quả tim là các động mạch vành, những động mạch này có vai trò cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim. Bên cạnh đó, những mạch máu chính đi vào quả tim bao gồm tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới.

2. Tư thế nằm ngủ nghiêng trái có tốt cho tim mạch?

Nếu bạn đang điều trị bệnh tim, bạn có thể tránh nằm nghiêng về bên trái khi ngủ. Nhiều người cho rằng ngủ nghiêng có thể định vị lại vị trí của tim trong lồng ngực và thay đổi hoạt động điện của nó. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa rõ liệu tác động này này có đủ lớn để gây lo ngại hay không.

Cho đến nay có rất ít nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của tư thế ngủ đối với sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, có một số bằng chứng chỉ ra khi ngủ nghiêng về bên trái có thể làm tăng áp lực lên quả tim.

Vào năm 1997, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên nhận thấy rằng việc nằm ngủ nghiêng gây ra những thay đổi đáng chú ý đối với hoạt động điện của tim và thể hiện trên điện tâm đồ (ECG).

Trong một nghiên cứu gần đây hơn năm 2018, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ngủ nghiêng bên trái có liên quan đến những thay đổi trong chỉ số điện tâm đồ ở những người khỏe mạnh, từ đó phát hiện ra rằng việc ngủ nghiêng bên trái khiến tim dịch chuyển và quay.

Những thay đổi trong hoạt động điện được cho là do chuyển động này của quả tim. Và khi những người tham gia ngủ nghiêng về bên phải, hầu như không tìm thấy sự thay đổi nào trong hoạt động điện tâm đồ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở vị trí này, quả tim được giữ cố định bởi lớp mô mỏng giữa phổi gọi là trung thất.

Mặc dù khi người bệnh nằm nghiêng bên trái có thể làm thay đổi hoạt động điện của tim nhưng không có bằng chứng nào cho thấy tư thế này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch ở người khỏe mạnh.

Thực tế lâm sàng chỉ ra rằng, những người bị suy tim sung huyết thường cảm thấy khó chịu và khó thở khi ngủ nghiêng về bên trái. Do đó, cần phải nghiên cứu thêm để hiểu liệu ngủ nghiêng về bên trái có nguy hiểm đối với những người mắc bệnh tim hay không hoặc nó có thể nguy hiểm như thế nào.

3. Nằm ngủ nghiêng về bên phải có tốt cho tim mạch không?

Cho đến nay vẫn còn một số tranh cãi về việc ngủ nghiêng bên trái hay bên phải sẽ tốt hơn cho quả tim. Một số chuyên gia về giấc ngủ cho rằng ngủ nghiêng về bên phải có thể chèn ép tĩnh mạch chủ của bạn. Đây là tĩnh mạch đi vào tim phải.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, không có bằng chứng nào cho thấy ngủ nghiêng về bên phải làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy tim và tư thế này có vẻ an toàn cho người bệnh.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy phần lớn những người tham gia mắc bệnh cơ tim được gọi là bệnh cơ tim giãn thích ngủ nghiêng về bên phải hơn là bên trái.

Ngoài ra, một đánh giá năm 2019 về các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt nào về sức khỏe của phụ nữ mang thai hoặc thai nhi của họ khi ngủ nghiêng về bên trái hoặc bên phải. Khi mới mang thai, hãy cố gắng tập thói quen nằm nghiêng khi ngủ. Nằm nghiêng và gấp nhẹ đầu gối có thể là tư thế thoải mái nhất trong thời gian phát triển thai kỳ.

Đối với phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên ngủ nghiêng về bên trái. Vì gan của bạn nằm ở phía bên phải của bụng nên nằm nghiêng bên trái giúp giữ cho tử cung không tiếp xúc với gan và cũng giúp quả tim bạn hoạt động dễ dàng hơn vì nó giữ cho trọng lượng của thai nhi không gây áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, đây là tĩnh mạch mang máu từ phần dưới của cơ thể về tim để cải thiện lưu lượng máu đến thai nhi.

4. Tư thế ngủ tốt nhất cho tim mạch

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có nghiên cứu chỉ ra tư thế ngủ tốt nhất cho sức khỏe tim mạch của bạn nếu bạn chưa có bệnh tim tiềm ẩn và chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn tư thế ngủ.

Một đánh giá năm 2018 liên quan đến các nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học về giấc ngủ lâm sàng chỉ ra rằng chất lượng giấc ngủ kém và thời gian ngủ ngắn đều có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Dưới đây là những tư thế ngủ có thể có lợi cho một số bệnh lý tim mạch:

Tư thế có lợi cho tình trạng suy tim:

  • Ngủ nghiêng về bên phải có thể là lựa chọn phù hợp nhất và tốt nhất cho những người bệnh bị suy tim.
  • Nếu bạn không bị ngưng thở khi ngủ hoặc có bất kỳ vấn đề nào về hô hấp, tư thế nằm ngửa khi ngủ cũng có thể là một lựa chọn dành cho bạn.

Đang có máy khử rung tim cấy ghép:

  • Nếu người bệnh đang có máy khử rung tim cấy ghép (ICD) trong cơ thể, có thể cảm thấy thoải mái hơn khi nằm nghiêng về bên đối diện với bên được cấy ghép máy. Hầu hết các ICD được đặt ở phía bên trái.

Hiện nay vẫn chưa rõ tư thế ngủ nào là tốt nhất cho sức khỏe tim mạch. Trên thực tế, nhiều người bị suy tim dường như thấy thoải mái hơn khi ngủ nghiêng về bên phải so với bên trái. Mặc dù người ta biết rất ít về tư thế ngủ tốt nhất cho hệ tim mạch, nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngủ không đủ giấc hoặc ngủ kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ là điều quan trọng để duy trì sức khỏe tim tối ưu, bất kể bạn ngủ ở tư thế nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan